Trên bảng danh sách nợ thuế mà Cục Thuế Cần Thơ phát hành, doanh nghiệp nợ thuế “khủng” gần 1000 tỷ đồng là Công ty CP Dầu khí Đông Phương, có trụ sở chính đăng ký tại KCN Hưng Phú 2A, phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Hiện doanh nghiệp này đã bị Cục Thuế cưỡng chế tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền hiện có trong tài khoản của doanh nghiệp này không đáp ứng được việc thu hồi nợ thuế nên Cục thuế Cần Thơ tiếp tục cưỡng chế hóa đơn. Để tiếp tục kinh doanh, doanh nghiệp phải cam kết với ngành thuế nộp thuế 30% doanh thu trên hóa đơn để Cục Thuế xuất hóa đơn cho doanh nghiệp.
Theo thông tin từ nhiều nguồn, Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương (Orient Oil) được thành lập năm 2010 với chức năng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến xăng dầu, hệ thống kho cầu cảng, hệ thống phân phối các sản phẩm xăng dầu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Vào năm 2018, Công ty Đông Phương nợ thuế chỉ 108 tỉ đồng, sang năm 2019 số nợ tăng lên 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2020 thì số tiền nợ thuế tăng vọt lên 630 tỷ đồng và đến thời điểm này số tiền nợ thuế tăng lên gần 1.000 tỷ đồng. Đây quả thật là một con số nợ thuế lũy kế khổng lồ đối với nguồn thu ngân sách của TP Cần Thơ.
Trong danh sách nợ thuế khủng mà Cục Thuế Cần Thơ phát hành, chúng tôi còn thấy nhiều doanh nghiệp nợ hàng trăm tỷ đồng, như Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận nợ 477 tỷ đồng; Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P – Chi nhánh Cần Thơ nợ 153 tỷ đồng; Công ty TNHH Thiên Lộc nợ 127 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu tại Cần Thơ nợ 62 tỷ đồng; Công ty CP Dầu khí năng lượng Cần Thơ nợ gần 39 tỷ đồng; Công ty sửa chữa, xây dựng công trình – Cơ khí giao thông 721 nợ 54 tỷ đồng; Công ty CP 720 nợ 39,5 tỷ đồng…
Riêng các doanh nghiệp bất động sản, nợ thuế từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Theo thông báo của Cục Thuế TP Cần Thơ, Công ty CP Đầu tư xây dựng Hồng Phát có tổng số tiền nợ thuế trên 25,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Thiên Lộc nợ thuế trên 127,3 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 8 (chủ đầu tư khu đô thị mới Hưng Phú, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) có tổng số tiền nợ thuế trên 23,6 tỉ đồng; Công ty CP Phát triển nhà Cần Thơ có tổng số tiền nợ thuế trên 3,5 tỷ đồng.
Trong số 9 doanh nghiệp bất động sản nợ thuế “khủng” thì Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận đứng đầu với tổng số tiền nợ thuế lên đến trên 477,5 tỷ đồng, trong đó tiền thuế giá trị gia tăng trên 148 tỷ đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trên 274 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hành chính gần 4,8 tỷ đồng, tiền chậm nộp trên 50 tỷ đồng. Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận là chủ đầu tư dự án khu dân cư phường Bình Thủy (Q.Bình Thủy) với diện tích khoảng 150,5ha.
Vì sao lại có chuyện nhiều doanh nghiệp nợ thuế khủng khiếp như vậy? Theo một chuyên gia về tài chính nhận định, có thể các doanh nghiệp này đang chiếm dụng tiền thuế để xoay vòng kinh doanh, bất chấp việc bị phạt tiền chậm nộp thuế. Theo đó, việc chậm nộp thuế chỉ bị phạt tiền chậm nộp 0,03%/ngày, tương đương 10,8%/năm. Trong khi đó, nếu vay ngân hàng thì lãi giao động từ 10-11%/năm (tùy vào ngân hàng). Bên cạnh đó còn nhiều thủ tục vay phức tạp, tài sản thế chấp, chi phí “vô hình”… Vì vậy có thể do tính toán sao cho có lợi nhất cho đơn vị nên doanh nghiệp chọn phương án… nợ thuế?!
Vấn đề đặt ra là vì sao ngành thuế lại để cho doanh nghiệp nợ thuế kéo dài và lũy kế đến con số khủng như vậy?