Sự hình thành của Kịch nói Việt nam
Trước hết, xin được nói ngay rằng Kịch nói Việt Nam từ ngày đầu xuất hiện cách đây 100 năm không phải là sự “du nhập” từ sân khấu nước ngoài. Bởi, khái niêm “du nhập” luôn mang tính thụ động, nguyên bản trong khi nền sân khấu nước ta trước đó đã có và sự xuất hiện này mang tính chủ động của người Việt, sân khấu Việt đi tìm và tiếp thu từ bên ngoài để bổ sung cho chính mình một loại hình kịch mới với một bản sắc rất riêng biệt.
Đó là sức sống của văn hóa Việt mang tính “hội nhập” khi văn hóa nghệ thuật về bản chất là nói về con người mà con người dù ở đâu, thời kỳ nào dù khác biệt ra sao cũng vẫn có những mẫu số chung khiến văn học nghệ thuật trở thành không biên giới.
Du nhập hay hội nhập, vấn đề không phải nằm ở câu chữ mà nó thể hiện bản chất của một nền sân khấu, loại hình sân khấu ngay từ lúc chào đời. Người ta có thể du nhập ô tô, xe máy, sách, báo nguyên xi về dùng như một dạng con nuôi nhưng Kịch nói Việt Nam là con đẻ của văn hóa dân tộc dù ngày đầu kịch bản viết bằng tiếng nước ngoài như Con rồng tre của Nguyễn Ái Quốc hay phóng phóng tác từ kịch bản nước ngoài như Chén thuốc độc của Vũ Đình Long thì những tác phẩm đó đều của người Việt mang trong mình nhu cầu Việt, ăm ắp đời sống Việt, con người Việt. Đó là quá trình hội nhập đi tìm một cách chủ động làm giàu có hơn văn hóa nước nhà.
Hình thành một loại hình kịch mới là kết quả của những bàn chân “đi tìm” thành đường mòn, theo thời gian, đường mòn thành đường lớn, xa lộ hôm nay và Chén thuốc độc của Vũ Đình Long được coi là cột mốc khi lần đầu tiên được trình diễn tại Nhà hát lớn ngày 21/10/1921.
Nói đến sự hình thành của Kịch nói Việt Nam chỉ nhắc đến cột mốc e là bất cập. Sự hình thành này còn là kết quả của nhu cầu đời sống và công chúng đã khiến xuất hiện hàng loạt dạng kịch bản dài ngắn do tác giả người Việt in trên các báo Phong Hóa, Ngày Nay như Ông Tây An nam (Nam Xương), Không một tiếng vang (Vũ Trọng Phụng), Kim tiền (Vy Huyền Đắc), Đồng bệnh (Khái Hưng), Ngã ba (Đoàn Phú Tứ), Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng)…
Từ manh nha buổi đầu, Kịch nói Việt Nam hướng đến chuyên nghiệp hóa từ năm 1935 với Ban kịch Thế Lữ tại Hải Phòng, có sự tham gia của các ông Vi Huyền Đắc, Lan Sơn, Lê Đại Thanh, công diễn các vở của Vi Huyền Đắc và Thế Lữ.
Rõ ràng, cho đến đầu thế kỷ XX, sân khấu nước ta chỉ có kịch hát như tuồng, chèo, là do hình thái xã hội tiểu nông, tự cung tự cấp nhưng sang thế kỷ XX, nhịp sống thay đổi thì nhu cầu tinh thần cũng đòi hỏi và sân khấu đáp ứng nhu cầu của thời đại, trong hoàn cảnh cụ thể xã hội ta bấy giờ như một tất yếu để sân khấu Việt bổ sung vào kho tàng văn hóa của mình.
Nói đến sự hình thành của Kịch nói Việt Nam, tôi hoàn toàn phản đối quan niệm “du nhập”, “ngoại lai” bởi bất cứ sự du nhập, ngoại lai nào xưa nay đều chết yểu. Thế nhưng Kịch nói Việt Nam ngày càng phát triển thì sự hình thành loại hình mới này dứt khoát phải là con đẻ của sức sống văn hóa Việt trong quá trình tìm tòi - tiếp thu và hội nhập.
Những yếu tố thúc đẩy kịch nói Việt Nam phát triển
Có thể nói, Sân khấu Việt Nam sau buổi đầu trong quá trình hội nhập đi tìm loại hình mới cho riêng mình (1921-1945) song vẫn chỉ đáp ứng được đòi hỏi nhất định của bộ phận công chúng mới, tầng lớp viên chức Tây học và thị dân. Nhưng số này lại chiếm một phần nhỏ, nên kịch nói vẫn bị xem như một vị khách lạ, ít nhiều gây dị ứng ở bộ phận công chúng đông đảo vốn quen thuộc với kịch hát. Hoạt động của Kịch nói Việt Nam lúc này còn mang đậm tính chất tài tử do một số trí thức, nghệ sĩ sáng tác tùy hứng, tùy thích, khán giả thường chỉ là trí thức.
Cách mạng Tháng Tám thành công là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Kịch nói Việt Nam khi đội ngũ sân khấu được tập hợp thành tổ chức với những mục tiêu, định hướng rõ ràng. Ngay sau Cách mạng Tháng tám đã sự xuất hiện Bắc sơn (Nguyễn Huy Tưởng), Cụ Đạo sư ông (Thế Lữ), 19 tháng 8 (Thâm Tâm) với không khí cách mạng trong những ngày Tổng khởi nghĩa mà nhân vật chính là lớp cần lao.
Trong Kháng chiến chống Pháp, Kịch nói Việt Nam càng rõ hơn sự hòa nhập vào dòng chảy cách mạng của dân tộc với hàng loạt kịch bản gắn với đòi sống hiện thực như Lòng dân (Nguyễn Văn Xe), Trở về (Đoàn Phú Tứ-Lê Ngọc Cầu), Lớp học vùng Tề (Trúc Lâm), Khăn tang kháng chiến (Đình Quang), Du kích thôn đồi (Lộng Chương)... đã phản ánh nhiều mặt khác nhau của hiện thực đời sống kháng chiến chống Pháp ở vùng sau lưng địch, nơi những người chiến sĩ và đồng bào ta sống chiến đấu, lao động, học tập và đấu tranh với những âm mưu thủ đoạn dã man của kẻ thù.
Kịch nói Việt Nam lúc này được công chúng hồ hởi đón nhận, tìm được đông đảo khán giả của mình mà không như ngày đầu còn xa lạ với khán giả kịch hát. Có những đêm diễn khán giả ném dép lên sân khấu vào nhân vật phản diện chứng tỏ tài năng nghệ sĩ và quan trọng hơn là sân khấu đã nói lên được những điều công chúng nghĩ, công chúng thấy, chạm được vào cảm xúc đông đảo người xem.
Hòa bình lập lại, Kịch nói Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm của sân khấu Trung Quốc, sân khấu Nga - Xô viết. Những kinh nghiệm của chuyên gia sân khấu nước ngoài đến Việt Nam dàn dựng hoặc sau nay rất nhiều nghệ sĩ được Nhà nước cử ra nước ngoài học tập là những yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của kịch nói.
Chúng ta tự hào có một loại hình Kịch nói Việt Nam thật sự, thuần Việt bởi dù tiếp thu, học hỏi từ nước ngoài song về Việt Nam đã vận dụng, kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống sân khấu nước nhà có từ cả ngàn năm trước tạo nên bản sắc rất riêng biệt trong kịch bản, dàn dựng, thiết kế mỹ thuật và nghệ thuật biểu diễn tạo nên một bản sắc độc đáo, hòa nhập với sân khấu thế giới nhưng không hòa tan.
Yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của Kịch nói Việt Nam là đường lối văn nghệ cách mạng đúng đắn của Đảng và Nhà nước cùng với sự đam mê tìm tòi sáng tạo đến cháy bỏng của đội ngũ nghệ sĩ với trái tim nghệ sĩ và trách nhiệm công dân vì sự phát triển của nghệ thuật nước nhà. Sân khấu Kịch nói Việt Nam ra đời tuy có muộn hơn so với các loại hình sân khấu truyền thống khác, nhưng đến nay đã phát triển khá nhanh và có một đội ngũ đông đảo tác giả, đạo diễn, diễn viên được đào tạo chính quy, có tâm huyết, tài năng.
Kịch nói Việt Nam qua các giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ, chống quân bành trướng, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội luôn có những tác phẩm xứng tầm được nhân dân hồ hởi chào đón và ghi nhận bởi sân khấu chúng ta nói chung và kịch nói nói riêng luôn đồng hành cùng dân tộc.
Kịch nói Việt nam hôm nay
Như nằm trên bệ phóng truyền thống của một dân tộc có bề dày văn hóa, Kịch nói Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển, bay bổng trong bầu trời sáng tạo. Không gì cản trở được sự phát triển này ngoài những vật cản là nhóm lợi ích, vì “cạ” và mục đích cá nhân hơn vì nghệ thuật.
Nhìn lại chặng đường 100 năm qua của Kịch nói Việt Nam, bài học lớn nhất của lớp tiền bối để lại là sự đam mê, cống hiến hết mình trong sáng tạo mà không cần điều kiện nào khác. Ngọn lửa trong trái tim lớp lớp nghệ sĩ đã truyền tới công chúng qua các kịch bản và vở diễn làm nên một kịch mục đồ sộ có giá trị tới hôm nay và đánh mất điều này, khán giả sẽ quay lưng là một điều tất yếu. Không thể đổ tại cơ chế, đổ tại thị hiếu khán giả, sự thưa vắng khán giả nếu có trước hết là do đội ngũ làm sân khấu chúng ta.
Trong các loại hình của Sân khấu Việt Nam, kịch nói luôn là mũi nhọn đi vào cuộc sống và công chúng mong kịch mục của mũi nhọn ấy nhiều hơn nữa những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống mà nhân dân nghĩ, mong như một sự chia sẻ trong sự đồng hành tiến về phía trước.
Tin tưởng rằng, với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, cùng với sự quyết tâm phấn đấu của những người hoạt động nghệ thuật kịch nói, môn nghệ thuật này sẽ tiếp tục phát triển và có nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật sân khấu của nước nhà.