Bởi thứ nhất, giai điệu hoàn toàn Nga, không có một chút xíu nào là âm điệu Việt Nam. Phải là một nhạc sỹ tài năng người Nga mới có thể viết nên. Thứ hai, thời điểm xuất hiện bài hát này ở Việt Nam (1962-1963) cũng đồng thời là lúc rộ lên nhiều bài hát của Nga rất nổi tiếng khác như Chiều hải cảng, Thời thanh niên sôi nổi, Ca-chiu-sa, Đỉnh núi Lê-nin, Đôi bờ, Chiều Mát-xcơ-va, Cuộc sống ơi ta mến yêu Người… Vậy nhưng bỗng mấy năm gần đây – nghĩa là sau khi bài hát đã có đời sống rất lâu và cũng sau ngày nước ta bước vào thời kỳ đổi mới tới mấy chục năm – tức mọi tư duy, quan niệm cũng thông thoáng hơn, nhất là trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, một người có tên Đinh Tiến Hậu nhận bài hát là của mình. Ông Hậu cho biết sáng tác bài này vào năm 1963 khi ông vừa học xong phổ thông. Năm 1964, lúc ông 20 tuổi (sinh năm 1944) có nộp đơn thi vào trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong hồ sơ, ông có gửi kèm theo văn bản bài hát này (khi ấy chưa có công nghệ thu âm vào đĩa CD như bây giờ). Thi đỗ nhưng khi nhà trường cần lời nhận xét của địa phương thì bị ghi “Có người nhà di cư vào Nam”. Thế là không được gọi vào học. Sau đó, ông phải đi làm công nhân ngành cơ khí cho đến lúc nghỉ hưu. Ông Hậu cũng cho biết thêm cùng thi với ông lần ấy còn có các thí sinh đỗ, sau này trở thành nhạc sỹ như Minh Khang và Phó Đức Phương (đều đã qua đời).
Nguyên cớ ra đời bài hát, theo ông Hậu kể cũng khá… lâm ly. Số là ông có yêu một người con gái nhưng “nhát”, không dám thổ lộ, bèn nghĩ ra việc sáng tác bài hát để tặng nàng, dùng tác phẩm nói hộ lòng mình. Cô gái này nhờ một người khác biết nhạc dạy mình hát. Thế rồi sau đó bài hát lan truyền đi. Mối tình này của ông không dẫn tới hôn nhân. Còn vì sao mình sáng tác nhưng lại phải giấu tên để bịa ra là “bài hát Nga” thì ông Hậu cho biết: Ngày ấy, một bài hát có lời lẽ yêu đương, thương nhớ ủy mị như thế sẽ bị coi là “nhạc vàng” và đương nhiên bị cấm lưu truyền. Vì muốn bài của mình có đời sống, đển được với mọi người nên ông đành phải “hy sinh” tên mình để cho tác phẩm không bị chết oan.
Liên quan đến sự việc này, những năm gần đây, có một vài bài viết đăng trên những tờ báo không chuyên về văn nghệ và không có nhiều bạn đọc khẳng định ông Hậu là tác giả bài hát chứ không phải của Nga, chia sẻ với ông sự thiệt thòi do phải giấu tên, ẩn mình suốt nhiều thập niên khiến lẽ ra ông đã rất nổi tiếng, nhưng lại vô danh, không ai để ý. Theo đó, nhiều clip trên mạng internet, cả chương trình truyền hình cũng góp phần “đính chính” để nhằm “trả lại tên” cho ông.
*
Những năm 1969-1970, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, tôi được mời tham gia một trại sáng tác ca khúc dành cho những người viết không chuyên nghiệp do Nhà Nghệ thuật quần chúng Hà Nội (bây giờ là Trung tâm Văn hoá Hà Nội) tổ chức. Đinh Tiến Hậu cũng là một trại viên. Tham dự trại khi ấy còn có Nguyễn Cường về sau cũng trở thành nhạc sỹ quen biết với nhiều ca khúc nổi tiếng. Không ai thấy ông Hậu nói gì về bài Ngôi sao ban chiều. Mọi người chỉ thấy đó là một bạn trầm tính, ít bộc lộ. Nghe nói Hậu khi ấy là công nhân một nhà máy cơ khí nào đó. Ca khúc ông viết trong trại lần ấy không có gì đặc biệt, chìm nghỉm trong nhiều sáng tác bình thường. Tại trại này, chỉ có bài Hò biển của Nguyễn Cường là xuất sắc, vượt hẳn lên, về sau trở thành một trong những bài hát hay nhất viết về biển và đưa tên tuổi tác giả trở nên nổi tiếng.
Mãi sau này, lúc biết rõ ông Hậu nhận mình là tác giả Ngôi sao ban chiều, tôi lấy làm ngạc nhiên khi nhớ lại cái trại sáng tác trên và nghĩ: Tại sao lúc trại đang mở, mấy chục người ngày nào cũng gặp nhau trao đổi về sáng tác ca khúc, về các tác phẩm, ông Hậu lại không cho mọi người biết “sự thật” về bài hát nổi tiếng mà khi ấy ai cũng đinh ninh là của Nga? Nếu ông nói rõ sự thật, chắc chắn sẽ được mọi người rất nể, phục mà điều này thì không ai lại không muốn. Cứ cho rằng thời điểm ấy vẫn còn rất nặng tư tưởng “duy ý chí”, vẫn còn hẹp hòi trong việc nhìn nhận các tác phẩm văn nghệ nhưng đã trôi qua lâu mốc thời gian ông viết ra bài hát. Sẽ chẳng có ai “xử tội” ông viết “nhạc vàng” nữa.
Một ý nghĩ khác cũng xuất hiện trong tôi: Ông Hậu nói năm 1964, khi thi vào trường Âm nhạc, trong hồ sơ dự tuyển, có nộp bài hát này và đỗ (về điểm). Về sau, ông vẫn bị trượt là vì lý lịch “có người đi Nam”. Những người tuyển sinh hệ sáng tác khi ấy là những nhạc sỹ, giảng viên tầm cỡ hẳn phải thấy ca khúc này có âm điệu Nga 100%. Như vậy, họ sẽ khó công nhận đây là một sáng tác có chất lượng vì quá giống ca khúc Nga, không có chút gì là màu sắc dân tộc. Vậy thì làm sao họ có thể chấp nhận? Việc này chỉ là do ông Hậu nói. Giờ đây, kiểm chứng cũng khó vì tất cả những người chấm thi khi ấy hôm nay đều đã qua đời hoặc nếu còn sống thì cũng đã quá già yếu, không thể nhớ. Hai người mà ông Hậu nói cùng thi với mình là Minh Khang và Phó Đức Phương cũng không ai còn sống.
Tôi cho rằng việc một tác giả mới sáng tác quá ảnh hưởng tác phẩm nước ngoài là bình thường. Và khi những nhà chức trách trong lĩnh vực văn nghệ đang còn không dễ chấp nhận bài hát nói chuyện yêu đương ủy mị thì việc tác giả phải giấu tên mình cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tôi không khỏi thắc mắc: Vì sao, ở Việt Nam, lĩnh vực văn hóa tư tưởng đã được “cởi trói” từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước mà mãi tới sau này ông Hậu mới tiết lộ “sự thật”? Hàng loạt văn nghệ sỹ “có vấn đề” trước đó đã được phục hồi danh dự, còn được tôn vinh như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Văn Cao… huống hồ tác giả cho ra một bài hát chỉ là ủy mị, nói chuyện yêu đương? Được biết, nhạc sỹ Đào Ngọc Dung (tác giả bài hát nổi tiếng Địu con đi nhà trẻ) sau khi làm tuyển tập những bài hát Nga hay đã có lời xin lỗi ông Hậu bằng bút tích vì đã “ghi nhầm” tác giả bài Ngôi sao ban chiều là của nhạc sỹ vĩ đại Nga Trai-cốp-xki. Tôi hỏi nhạc sỹ việc này thì được ông cho biết: “Tôi thấy ông Hậu gặp tôi nói là bài của ông ấy nên tôi phải xin lỗi”. Tôi lại nói: “Anh có thấy là xin lỗi hơi vội vàng không? Ngộ nhỡ sự thật đúng như vậy thì sao? Anh phải căn cứ vào một cứ liệu nào thuyết phục chứ?”. Ông Dung lại nói: “Thì người ta nhận vậy. Tôi tin liền”.
Lại nữa: Tôi nghe một số người quen từng học ở Nga những năm 1960 -1965 khẳng định, chính họ biết và thuộc bài này ở bên Nga qua các bạn cùng học người Nga. Có người còn hát được tiếng Nga. Như vậy tức là có ai đó đã dịch bài này ra tiếng Nga nếu đúng là của ông Hậu? Tôi cũng biết rõ nhiều người có biết ông Hậu đã không tin ông là tác giả bài hát nổi tiếng kia. Tất nhiên, những người này cũng chỉ khẳng định một cách cảm tính mà không có chứng cớ giống như người ta nghi ngờ ai đó làm việc xấu mà không bắt được “quả tang”.
Tôi rất muốn truy tìm sự thật để nếu thực sự ông Hậu là tác giả thì phải tôn vinh xứng đáng vì dẫu sao bài hát cũng là người bạn tri kỷ của rất nhiều người trong suốt nhiều năm qua, tức ông có công rất lớn trong việc làm phong phú đời sống tinh thần của tuổi trẻ. Còn nếu ngược lại thì không còn gì để nói vì ông đã nhận không của TTBV Quyền tác giả Âm nhạc tiền tác quyền hàng quý. Tôi hỏi nhà báo Phan Phương – nguyên Phó GĐ Trung tâm này – thì được biết: Hiện nay, TT vẫn trả tiền đều đặn cho ông Hậu. Nhưng trong lòng ông cũng bán tín, bán nghi vì nghe dư luận rất nhiều người không tin ông Hậu là tác giả bài hát ngay cả khi đã có mấy bài báo bảo vệ quyền tác giả cho ông Hậu. Phan Phương còn kể câu chuyện nhiều năm trước có một người (hiện còn sống) nhận nhằng mình là tác giả bài hát Nỗi lòng người đi của Anh Bằng – một nhạc sỹ hải ngoại đã quá cố - khiến ông phải mất rất nhiều thời gian mới khẳng định được quyền tác giả thuộc về Anh Bằng. Phan Phương nói sắp tới nếu có điều kiện sẽ xác minh bài Ngôi sao ban chiều bằng việc liên hệ với Đại sứ quán Nga tại Việt Nam để lần ra đầu mối. Nhưng chắc việc này cũng không khả thi vì mất rất nhiều thời gian và xét cho cùng cũng chẳng để làm gì. Việc cũng không phải là to tát, quan trọng, chỉ là chuyện danh dự cá nhân.
Từng có một sự thật: Người không được học hành nhiều về âm nhạc nhưng vẫn có những sáng tác ca khúc hay, ví như các tác giả: Doãn Quang Khải (Vì nhân dân quên mình), Phan Lạc Hoa (Tàu anh qua núi và Tình yêu bên dòng sông quan họ), Nguyễn Trọng Tạo (Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê) hoặc rõ nhất là Nguyễn Đình Thi với hai ca khúc lớn, bất hủ: Diệt phát xít và Người Hà Nội. Trong khi đó, không ít người học nhiều mà không biết viết ca khúc hoặc viết dở, không thể nghe. Rất nhiều nhạc sỹ lớn ở nước ta gắn với những ca khúc rất có giá trị, vượt thời gian đã nổi tiếng trước khi được đào tạo chính quy hoặc cả đời không có dịp học ở trường nhạc nào. Lại có một sự thật khác: Những người chỉ có một bài xuất sắc rồi không thấy có bài thứ hai nổi tiếng nữa như trường hợp Doãn Quang Khải là vì sau đó bị cuốn vào những công việc khác, không tiếp tục sáng tác. Còn những người sáng tác nghiệp dư mà viết nhiều thì ít nhất họ cũng phải có trên một bài nổi tiếng (như các trường hợp Phan Lạc Hoa, Nguyễn Trọng Tạo, Hàn Ngọc Bích, Lệ Giang…) Hầu như không thấy có người nào sáng tác liên tục, cả đời không ngưng nghỉ mà lại chỉ có một bài vụt lên, còn lại đều yếu kém, không ai để ý. Ông Hậu cũng cho tôi biết, từ hồi trẻ đến giờ, ông liên tục sáng tác với một số lượng ca khúc không ít.
Trở lại sự việc đang bàn. Một việc quả là không đơn giản vì người nhận mình là tác giả bài hát đã không trưng ra được chứng cứ nào thuyết phục (văn bản, bút tích của mình…). Phía hồ nghi thì không có văn bản gốc ở bên Nga. Nhưng nhiều người không tin ông Hậu là tác giả bài hát đã là sự thật. Và điều này không có lợi cho ông. Có lần, khi tôi ngỏ ý muốn ông Hậu kể lại quá trình hoàn thành bài hát thì ông nói với tôi nguyên văn: “Thôi, đừng đào bới chuyện này lên nữa”. Tôi thực lòng muốn chia sẻ với ông về việc nếu là tác giả thực sự mà bị bỏ qua hoặc bị dư luận hồ nghi thì rất đáng buồn, cần phải công bố rõ sự thật có sức thuyết phục dư luận. Vấn đề không phải chuyện lĩnh tiền bản quyền mà là danh dự, nhân phẩm con người. Làm sáng tỏ việc này chỉ có thể là của TTBVQTGÂN VN. Mong nhà báo Phan Phương theo đuổi ý định của mình, sớm có kết luận chính thức mặc dù ông đã rút lui khỏi chức trách. Nhưng ông là người có uy tín và kinh nghiệm làm việc này. Cũng mong ai đọc được bài này đã từng học hoặc sống ở Nga mà lại có văn bản bài Ngôi sao ban chiều trong tay hoặc bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ không phải của ông Hậu cũng xin lên tiếng. Không nên để sự việc trở nên một nghi án, mập mờ, ít nhiều ảnh hưởng đến danh dự của ông Hậu.