Lý do nào khiến Rapper Wowy (HLV Rap Việt) sửa tên bài hát?

Thời gian qua, một số rapper đã bị cộng đồng lên án về hành vi sử dụng những ngôn từ thô tục, phỉ báng đối với Đức Phật qua các bản rap đăng tải trên mạng xã hội.

Sau khi những thông tin về những bản rap bị “ném đá” lan truyền trên các trang mạng truyền thông, có vẻ như rapper Wowy (Nguyễn Ngọc Minh Huy) phải “giật mình” về bài hát "Buddha (dirty)" (dịch: Phật (bẩn, dơ bẩn) được sáng tác năm 2012. Đây thực sự là một điều không thể chấp nhận đối với các tín đồ Phật giáo. 

 

245923429-900739123876342-1309852858639617233-n-1634614825.jpg

Nay, giữa những phẫn nộ, chỉ trích của cộng đồng về những bài rap xúc phạm Phật giáo, thay vì dũng cảm đứng lên nhận lỗi, nam rapper đã “âm thầm” sửa tên bài rap "Buddha (dirty)" thành “1 Điếu” để tránh đi sự chú ý của cộng đồng. 

Nếu là một nghệ sĩ chân chính thì người nghệ sĩ ấy phải là người chịu trách nhiệm trước công chúng, trước pháp luật về mọi sản phẩm mình tạo ra. Đặc biệt là đối với những nghệ sĩ lớn, có tên tuổi, có sức ảnh hưởng đến công chúng thì bên cạnh tài năng của mình, họ còn phải là tấm gương về đạo đức và uy tín. 

Và trên thực tế rapper Wowy là một nghệ sĩ rất có tên tuổi trong làng giải trí. Nam rapper là một trong những rapper tiên phong ở miền Nam khi bắt đầu hoạt động trong nhóm SouthGanZ năm 2006. Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật của mình, nam rapper liên tiếp đạt được những thành công trên con đường sự nghiệp: Năm 2014, rapper Wowy đạt giải thưởng Diễn viên Xuất sắc nhất cho thể loại phim khoa học viễn tưởng trong cuộc thi do Western Digital tổ chức; cuối năm 2016, rapper Wowy là rapper Việt Nam đầu tiên có nhạc được sử dụng trong phim truyền hình HBO Mỹ; năm 2018, trở thành giám khảo cuộc thi Ayo Rap Battle do VTV tổ chức; mới đây nhất, nam rapper đã tham gia chương trình truyền hình Rap Việt với tư cách huấn luyện viên;... 

Trong khi xã hội ngày càng văn minh và tiến bộ, những điều con người hướng đến không chỉ là những thứ giải trí vô bổ, mà còn phải là những sản phẩm nghệ thuật mang tính giáo dục, hướng con người đến những điều thiện lương. Bởi dù ở bất cứ thời đại nào, chỉ có những sản phẩm mang đến những giá trị nhân văn và an hòa mới bền vững dài lâu.
 
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả