Thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã tin theo lời quảng cáo từ một sàn giao dịch tiền điện tử có tên Coinbank247 (địa chỉ văn phòng tại Quận 1, TP.HCM) do một người tên Lê Duy điều hành để mua một loại tiền điện tử tên Zupi Coin (hay còn gọi là Token). Tuy nhiên, mọi chuyện không như lời quảng bá, rất nhiều người đã mất tiền bởi loại tiền này rớt giá hơn 50%.
Theo quảng cáo của sàn Coinbank247 và người sáng tạo có tên Lê Duy, Zupi Coin là tiền điện tử đầu tiên tại Việt Nam được đưa lên sàn giao dịch quốc tế. Đúng như quảng cáo, đầu năm 2021, đồng tiền điện tử Zupi Coin đã được giao dịch trên sàn giao dịch tiền điện tử Probit (Hàn Quốc) và vài sàn khác, nhưng kết quả là giảm nặng nề.
Nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong công việc, muốn tìm kiếm cho mình một kênh đầu tư với hy vọng sẽ có thêm thu nhập nên đã vay mượn để mua. Kết quả là không những không có thêm thu nhập mà ngược lại bị nợ nần chồng chất. Vì biết rõ mua tiền ảo là vi phạm pháp luật và không được bảo vệ nên hầu như tất cả đều im lặng.
Chưa kể nhiều người đang lo lắng trước thông tin nhiều sàn giao dịch tiền điện tử bất ngờ bị sập, liệu sàn Coinbank247 có xảy ra tương tự hay không? Việc mua bán Zupi Coin trên sàn Coinbank247 diễn ra từ cuối năm 2020 với lượng giao dịch rất lớn và tương đối đơn giản. Ai muốn mua Zupi Coin sẽ vào website của sàn Coinbank247 để đăng ký thông tin, sau đó làm lệnh mua rồi chuyển tiền VNĐ vào tài khoản Vietcombank chi nhánh Đồng Nai cho chủ tài khoản tên Lê Duy.
Việc Lê Duy bán Zupi Coin bằng Token rồi thu về tiền VNĐ có thể xem là hành vi giao dịch tiền điện tử. Chưa kể nếu cho rằng việc Lê Duy nhận mua bán thì anh ta có chịu trách nhiệm đóng thuể khi thu về tiền VNĐ hay không? Đó là chưa kể mỗi ngày chủ tài khoản Lê Duy đã mua bán rất nhiều loại tiền điện tử khác với số tiền lớn.
Ngày 28/10/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát công cáo khẳng định tiền điện tử Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành, cung ứng và sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự là phương tiện thanh toán là hành vi cấm tại Việt Nam.
Cũng theo điều 206, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017) quy định “Cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp…” Cụ thể, người nào thực hiện hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiên thanh toán gây thiệt về tài sản từ 100 đến 300 ngàn đồng đến dưới 300.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nhiều người bị thiệt hại mong rằng cơ quan chức năng hãy vào cuộc, kiểm tra và ngăn chặn việc phát hành tiền điện tử có tên Zupi Coin trên sàn giao dịch tiền điện tử Coinbank247 và người phát hành có tên Lê Duy theo đúng quy định của pháp luật.