Khóc ròng vì mua tiền điện tử do người Việt phát hành

Tin vào quảng cáo của sàn điện tử Coinbank247 do một người tên Lê Duy điều hành, nhiều người đã mua đồng Zupi Coin và đang trong tình trạng dở khóc dở cười. Sàn giao dịch tiền điện tử Coinbank247 cũng tuyên bố đồng Zupi Coin do người Việt phát hành.

Tiền điện tử do Việt Nam phát hành
Theo thông tin từ website Coinbank247, tiền điện tử Zupi Coin là loại tiền điện tử đầu tiên do người Việt Nam phát hành và được lên giao dịch trên các sàn điện tử quốc tế.
Cuối năm 2020, sàn điện tử Coinbank247 đã cho phát hành đồng tiền điện tử có tên là Zupi Coin, giá phát hành tại thời điểm này là 6 VNĐ/coin. Người sáng tạo ra đồng tiền này có tên là Lê Duy cũng cam kết sẽ đưa đồng Zupi Coin lên giao dịch trên các sàn quốc tế. Đầu năm 2021, đồng Zupi Coin chính thức được giao dịch trên sàn Probit (Một sàn giao dịch tiền điện tử của Hàn Quốc).
Điều khiến cho nhiều người thất vọng là sau khi được giao dịch trên sàn thì giá không những không tăng mà còn giảm thê thảm. Giá cập nhật giao dịch trên sàn Coinbank247 vào ngày 8/5/2021 là 3VNĐ/coin, tức là giảm 50%.

zupi-coin5-1620448488.jpg
Giá Zupi Coin (Cuối bảng giá) được cập nhật trên sàn Coinbank247 ngày 8/5/2021 là mua vào 3 VNĐ - bán ra 2 VNĐ (Ảnh chụp màng hình)


Tại thời điểm đồng Zupi Coin được bán chính thức trên sàn điện tử Coinbank247, có vài kênh Youtube chuyên về tiền điện tử đã kêu gọi mua với tiềm năng kiếm nhiều tiền hơn từ đồng này. Với những lời quảng cáo có cánh, những thông tin được đăng tải trên Coinbank247 và website của Zupi thì nhiều người đã đầu tư.
Anh P, một tài xế lái xe khách đã bỏ hơn 10 triệu đồng mua Zupi Coin và bây giờ nếu bán đã mất hơn 50%. Theo anh P, thông tin từ bạn bè là có một đồng tiền điện tử do sàn Coinbank247 phát hành và tiềm năng nên cũng theo đầu tư. “Bây giờ nếu tiếp tục giữ thì không biết sẽ ra sao, nhưng nếu bán thì đã lỗ quá nặng”, anh P cho biết thêm.

zupi-coin6-1620448622.jpg
Quản lý kênh Telegram của Zupi Coin với hơn 29 nghìn thành viên vẫn liên tục đưa ra những chính sách để giữ chân nhà đầu tư (Ảnh chụp màng hình ngày 8/5)


Nhiều bạn trẻ trên cộng đồng Telegram cũng đang đứng trước tình trạng dở khóc dở cười khi mà không biết sẽ bán hay giữ lại, giá thì vẫn đang giảm mạnh. Cũng trên cộng đồng này, chủ sàn Coinbank247 vẫn liên tục đưa ra các thông tin nhằm thúc đẩy người mua, nhiều chương trình tặng Zupi Coin miễn phí để giữ lại nhà đầu tư.
Giao dịch qua ngân hàng Việt Nam
Để mua được đồng tiền điện tử Zupi Coin, người mua chỉ việc vào website của sàn Coinbank247 và đăng ký tài khoản. Sau khi đăng ký, chọn mua đồng tiền điện tử Zupi Coin hoặc đồng tiền điện tử khác. Sau đó website sẽ hướng dẫn người mua chuyển tiền Việt Nam đồng vào tài khoản ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đồng Nai do một người tên Lê Duy đứng tên.
Khi chuyển khoản vào tài khoản của người có tên Lê Duy, người chuyển không được ghi nội dung liên quan đến tiền điện tử mà phải nhập một dãy mã ký tự theo yêu cầu của website, sau đó đồng Zupi Coin sẽ được chuyển về cho người mua.
Việc mua bán đồng tiền điện tử Zupi Coin đã được diễn ra từ cuối năm 2020 và cho đến ngày 8/5/2021 vẫn được diễn ra bình thường. 

zupi-coin-4-1620448767.jpg
Khi chuyển tiền thanh toán mua Zupi Coin thì người mua sẽ phải nhập mã ký tự và ghi chú theo yêu cầu (Ảnh do người mua Zupi Coin cung cấp)


Trao đổi qua Zalo có tên là Lê Duy, người này khẳng định đồng tiền điện tử Zupi Coin đúng là do sàn Coinbank 247 phát hành và do Lê Duy sáng tạo ra. Tuy nhiên Lê Duy lại cho rằng Zupi Coin không dùng làm phương tiện thanh toán.
Việc Zupi Coin có được dùng làm phương tiện thanh toán hay không vẫn rất khó xác định vì lệnh chuyển coin giữa các bên dựa trên công nghệ Blockchain với dãy ký tự mã hoá khong xác định được danh tính. Tuy nhiên việc người có tên Lê Duy tự xưng là chủ sàn Coinbank247 phát hành và bán đồng Zupi Coin là có thật.

Nhiều người khi mua tiền điện tử và bị thiệt hại đã không dám tố giác ra cơ quan chức năng vì sợ liên luỵ. Bởi lẽ họ cũng nhận thức được rằng việc mua bán tiền điện tử tại Việt Nam là bị cấm, đây cũng là điểm yếu để nhiều người lợi dụng phát hành tiền điện tử.
Tại điều 206, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017) quy định “Cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp…”. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại về tài sản từ 100 – 300 ngàn đồng đến dưới 300.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 30 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành văn bản không công nhận tiền ảo (tiền điện tử) là tài sản, là tiền được giao dịch tại Việt Nam.