3 cây dây leo được ví như “giàn treo tự nhiên", vừa dễ trồng dễ chăm vừa ít rụng lá, xanh mát quanh năm

Đây chính là 3 cây dây leo vừa đẹp vừa giúp không gian sống mát mẻ hơn. Bạn có thể yên tâm trồng mà không lo cây rụng lá hay khó chăm sóc.

Cây liêm hồ đằng

Là một trong những loại cây dây leo phổ biến, liêm hồ đằng thường được trồng ở trước nhà hoặc ban công để giúp gia đình có một “tấm rèm” che nắng tự nhiên. Tuy rằng liêm hồ đằng có phần rễ vừa trơn dài vừa dày mọc rủ từ cao xuống nhưng chúng lại ít rụng lá, sạch sẽ và ít bị sâu bệnh xâm hại. Ngoài ra, phần rễ rủ xuống của liêm hồ đằng còn có màu vàng xen kẽ hồng nên giúp không gian gia đình bạn lúc nào cũng tươi mới, đẹp mắt.

Đặc biệt, liêm hồ đằng là loại cây có sức sống mạnh mẽ nên chỉ cần nhân giống bằng cành là được. Đầu tiên, bạn cần cắt cành rồi cắm vào đất rồi chờ một thời gian ngắn là cây có thể bén rễ và nhanh chóng phát triển thành cây lớn.

Liêm hồ đằng thường được trồng ở trước nhà hoặc ban công để giúp che nắng.

Liêm hồ đằng thường được trồng ở trước nhà hoặc ban công để giúp che nắng.

Một trong những điểm nổi bật và được nhiều người yêu thích của loại cây này là có khả năng chịu hạn, chịu úng tốt nên không cần tốn nhiều thời gian cũng như công sức chăm sóc mà cây vẫn “lớn nhanh như thổi". Tuy nhiên, để cây có thể mọc thành “bức rèm" như mong muốn, bạn cần dùng kéo tỉa bớt và cắt cho phần chóp rễ bằng nhau.

Cây cúc tần Ấn Độ

Cúc tần Ấn Độ còn được biết đến với tên gọi khác là mành trúc và là cây cảnh có nguồn gốc từ đất nước Nam Á Ấn Độ. Mặc dù nổi bật với tán lá phủ dày, xanh tốt quanh năm nhưng loại cây này ít rụng lá, thân cây không có rễ phụ để bám nên thường sạch sẽ và được lòng nhiều người. Đặc biệt, cây cúc tần Ấn Độ có khả năng chịu được biên độ nắng lớn nên vẫn có thể xanh tốt quanh năm ở những nơi có nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn. Ngoài ra, khả năng chịu lạnh của cây cũng được đánh giá cao nên bạn có thể trồng cúc tần Ấn Độ ở nhiều nơi, trong nhiều loại đất khác nhau. Khi trồng ở ban công, cây thường thả rủ từ cao xuống tựa một chiếc rèm xanh vừa mát mắt vừa ấn tượng.

Cúc tần Ấn Độ nổi bật với tán lá phủ dày, xanh tốt quanh năm và ít rụng lá.

Cúc tần Ấn Độ nổi bật với tán lá phủ dày, xanh tốt quanh năm và ít rụng lá.

Trong phong thủy, cúc tần Ấn Độ mang theo ý nghĩa tốt lành nên có thể mang đến không gian sống của gia đình bạn bầu không khí tươi vui, tích cực. Từ đó giúp tinh thần các thành viên trong nhà thoải mái, vui vẻ và dễ dàng gắn kết với nhau hơn.

Cây thường xuân

Ngoài tên gọi thường xuân, loại cây này còn được biết đến với những cái tên như cây vạn niên, dây lá nho… Đây cũng là một trong những loại dây leo thường được trồng ở ban công các quốc gia phương Tây. Cây thường xuân thường có nhiều đốt và mỗi đốt lại mọc ra rễ phụ nên chúng có thể lan rất rộng và phát triển vô cùng mạnh mẽ. Khi còn non, lá thường xuân sẽ có màu xanh hạt và cành được phủ một lớp lông mềm mỏng. Thế nhưng khi trưởng thành, lá cây dần chuyển sang màu đậm và cứng cáp hơn.

Cây thường xuân còn được biết đến với những cái tên như cây vạn niên, dây lá nho…

Cây thường xuân còn được biết đến với những cái tên như cây vạn niên, dây lá nho…

Sở dĩ thường xuân được yêu thích là vì chúng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, phát tài phát lộc và may mắn, đủ đầy trong phong thủy. Bên cạnh đó, người ta còn cho rằng trồng thường xuân trong nhà sẽ giúp gia chủ xua đuổi vận xui, rước tài lộc và thịnh vượng vào cửa. Không những vậy, thường xuân có khả năng hấp thụ tốt các độc tố như nicotine, benzen, phenol… nên thanh lọc không khí hiệu quả, mang đến không gian thoải mái, dễ chịu cho gia đình bạn.