Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2021, xin được giới thiệu đến bạn đọc bài viết của nhà báo Công an Nhân dân Nguyễn Quang Vinh, bài viết mà anh đã được đăng tải vào tháng 6/2000 (ngày mới ra trường), để phần nào hiểu hơn cuộc sống cơ cực của một số trẻ em so với bạn bè đồng trang lứa.
BÁN VÉ SỐ, NGHỀ HAY NGHIỆP CỦA TRẺ THƠ?
Ngồi bệt xuống hiên một căn nhà trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) giữa cái nắng trưa hè như đổ lửa, mặt em Trung (12 tuổi, quê ở Khánh Hòa) phừng phừng như đổ lửa. Lôi hộp cơm ăn dỡ từ trong chiếc túi ni lông treo trước đầu chiếc xe đạp cà tàng, Trung nhai rồi nuốt ngon lành…. Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng tôi biết trường hợp của Trung là một trong hàng trăm thậm chí hàng ngàn trẻ em cơ nhỡ xa quê theo chân người thân (và trong đó có cả bọn chăn dắt) vào Sài Gòn mưu sinh kiếm sống qua ngày.
Lân la làm quen, Trung cho biết em là con đầu của một gia đình nghèo khó. Nhà có 3 anh em thì hai đứa đã theo “người quen” vào Sài Gòn bán vé số. Mỗi ngày, Trung và cậu em của mình bán hơn 600 tờ vé số. Hàng tháng trừ tiền cơm, ăn ở ra, Trung và em sẽ được 1 người “chú họ” trả tiền công là 600 ngàn đồng. Trung bật mí, ngoài anh em Trung, “chú” còn nuôi thêm gần 10 bạn khác cùng cảnh ngộ…
Trung tâm sự, hàng ngày nhìn các cậu ấm cô chiêu cùng lứa tuổi với Trung đang được cha mẹ gửi học ở các trường quốc tế, hàng ngày có tài xế lái ô tô đưa đón, lòng em buồn lắm. Đôi lúc em thèm cái cảm giác được cha mẹ gần gũi, chăm nom nhưng Trung cho biết mình rất buồn vì đó chỉ là giấc mơ xa xỉ….
Hôm nay là ngày 1/6, ngày quốc tế Thiếu Nhi- đâu đó khắp hàng cùng ngõ hẻm Sài Gòn vẫn còn nhiều em thiếu nhi bất hạnh. Cầu mong phép lạ đến với tất cả các em. Sẽ không còn bạn nào phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Tuy vậy mơ cũng chỉ là mơ. Chợt nhớ lại hai câu thơ của Lổ Tấn: “Ước có nhà rộng muốn nghìn gian/ Che cho tất thảy kẻ cơ hàn...”.