Sự kiện xoay quanh việc hướng tới việc đưa áo dài trở thành một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa là đề nghị UNESCO công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Toàn cảnh buổi tọa đàm có sự tham dự của bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Ảnh: NT |
Trong buổi tọa đàm, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, với các trang phục dân tộc các nước ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, áo dài Việt Nam có lợi thế hơn trong việc thích ứng, cơ động và thuận tiện hơn cho cuộc sống hiện đại, tôn dáng người phụ nữ, nhà thiết kế dễ sáng tạo lên nhiều phong cách và màu sắc khác nhau.
Tại buổi tọa đàm đã đặt ra nhiều câu hỏi về câu chuyện số hóa áo dài trong thời đại công nghệ. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam cho biết chiến lược 5 năm tới của Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam sẽ quyết tâm xây dựng nền tảng số để quảng bá di sản văn hóa, trong đó có quảng bá di sản áo dài.
Bà khẳng định phát triển nền tảng số là điều tất yếu, để quảng bá cho du khách trong ngoài nước hiểu thêm văn hóa Việt Nam.
Bà Phùng Thị Thu Thủy - chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam TP HCM (bên trái). Ảnh: NT |
Bà Phùng Thị Thu Thủy - chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam TP HCM khẳng định, trong thời gian tới sẽ phát triển không gian văn hóa Việt tại một số trường quốc tế để quảng bá các văn hóa độc đáo, tổ chức tọa đàm hằng quý về bảo tồn di sản, thưởng thức biểu diễn thời trang áo dài…
Cần cho người trẻ hiểu hơn giá trị của chiếc áo dài
Về áo dài trong nhịp thở xã hội, bà Lê Tú Cẩm - chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM đang triển khai dự án đưa áo dài trở lại với trường học. Thông qua dự án này đội ngũ thực hiện sẽ lồng ghép tính tiện lợi của áo dài trong đời sống xã hội.
Bà Tú Cẩm cũng bày tỏ, sự tiếp nối những giá trị di sản của một quốc gia, người trẻ là cầu nối trong việc bảo tồn phát huy giá trị bền vững: “Áo dài hay bất kỳ di sản nào của quốc gia cũng cần lan tỏa đến các bạn trẻ, bởi nếu các bạn chưa hiểu và nhận biết được giá trị sẽ không gìn giữ và phát huy trong tương lai”.
Bà Lê Tú Cẩm - chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM. Ảnh: CLB |
Chia sẻ về câu chuyện có những trang phục áo dài được thiết kế phá cách, đôi khi gây phản cảm, chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM cũng cho biết: “Nếu nhà nước công nhận áo dài là một di sản, trong công văn công nhận di sản sẽ có những tiêu chí cơ bản, là hồn cốt của chiếc áo dài. Áo dài có quyền sáng tạo phần cổ lúc cao lúc thấp, tà áo có thể ngắn hoặc dài, chiếc eo áo dài lúc rộng lúc hẹp, nhưng nếu không thỏa những yếu tố chi tiết cụ thể khác về chiếc áo dài, thì đó không được công nhận là áo dài. Điều này sẽ được các nhà nghiện cứu đưa ra và nhà nước chấp thuận rõ các tiêu chí trên. Tự khắc các nhà thiết kế khi lựa chọn sáng tạo chiếc áo dài, phải đáp ứng những yếu tố đó mới được công nhận đây là trang phục áo dài Việt Nam.”