Chuyên gia khuyến cáo: 6 nhóm người cần “gạch tên” cà phê ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày

Cà phê là một trong những loại đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để sử dụng cà phê thường xuyên.

Cà phê không chỉ được yêu thích vì hương vị đặc trưng mà còn bởi khả năng giúp tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc. Với một số người, cà phê có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn đến sức khỏe nếu tiêu thụ quá mức hoặc không đúng cách. 

1. Người mắc bệnh tim mạch

Caffeine là thành phần chính trong cà phê, đây là chất có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, gây co mạch và khiến tim hoạt động nhiều hơn. Đối với những ai có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim hay bệnh động mạch vành, cà phê dễ làm triệu chứng trở nặng, tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực sau khi uống cà phê, rất có thể cơ thể bạn đang lên tiếng cảnh báo.

2. Người bị lo âu, mất ngủ

Caffeine có thể giữ bạn tỉnh táo, nhưng với những người có xu hướng lo âu hoặc mất ngủ, điều này lại phản tác dụng. Nó kích hoạt sản sinh hormone căng thẳng như adrenaline, khiến tâm trạng dễ bị kích động, tinh thần bồn chồn và gây khó ngủ. Đặc biệt, uống cà phê vào buổi chiều hoặc tối có thể khiến bạn trằn trọc suốt đêm, kéo theo một chuỗi ngày mệt mỏi và phụ thuộc ngày càng nhiều vào cà phê.

3. Người có vấn đề về dạ dày và mắc hội chứng ruột kích thích (IBS)

Cà phê có tính axit và kích thích tiết dịch vị gây hại với những ai đang bị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, caffeine còn làm giãn cơ vòng thực quản, tạo điều kiện cho axit trào ngược, dẫn đến ợ nóng, đau tức và đầy bụng. Nếu thường xuyên cảm thấy cồn cào sau khi uống cà phê, bạn nên cân nhắc lại thói quen này.

Bên cạnh đó, caffeine có thể thúc đẩy nhu động ruột khiến người mắc IBS dễ bị tiêu chảy, đau bụng hoặc trướng hơi. Nếu bạn thường xuyên gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi uống cà phê, việc cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn có thể là giải pháp giúp cơ thể ổn định hơn.

4. Phụ nữ mang thai và cho con bú

Cơ thể thai phụ chuyển hóa caffeine chậm hơn, làm kéo dài thời gian lưu hành của chất này trong máu và truyền qua nhau thai. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ quá nhiều caffeine trong thai kỳ có thể liên quan đến nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân, thậm chí sảy thai. 

Với phụ nữ đang cho con bú, caffeine còn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ qua sữa mẹ. Lời khuyên an toàn là không nên vượt quá 200 mg caffeine/ngày (tương đương 1-2 tách nhỏ cà phê lọc).

5. Người bị loãng xương

Một trong những tác động ít được nhắc đến của cà phê là khả năng cản trở hấp thu canxi. Khi tiêu thụ quá nhiều cà phê mà không bổ sung đủ canxi, mật độ xương có thể giảm, làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh. Để hạn chế rủi ro, bạn nên bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi nếu uống cà phê thường xuyên.

6. Người bị thiếu máu do thiếu sắt

Cà phê có chứa một hợp chất làm giảm khả năng hấp thụ sắt không heme (polyphenol: loại sắt có trong thực vật). Nếu bạn uống cà phê ngay sau bữa ăn, lượng sắt hấp thụ sẽ suy giảm rõ rệt. Những người thiếu máu nên tránh uống cà phê trong vòng 1-2 giờ trước hoặc sau bữa ăn để tối ưu dinh dưỡng.

Cà phê không phải là “kẻ thù”, nhưng cũng không phải người bạn của tất cả mọi người. Việc hiểu rõ cơ thể mình thuộc nhóm nào có phù hợp với caffeine hay không sẽ giúp bạn sử dụng cà phê một cách thông minh và an toàn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi uống cà phê, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế. Sự tỉnh táo không nên đánh đổi bằng sức khỏe.

Quỳnh Trâm