Chiều 18/6, nguồn tin từ báo Thanh Niên cho biết Công an Bình Dương đã chuyển hồ sơ vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng để nhập vào vụ án mà Công an TP.HCM đang khởi tố, điều tra.
Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương đã thụ lý đơn của 7 cá nhân hướng đến bà Nguyễn Phương Hằng trong đó có đơn của Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Công Vinh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển… Những người này tố nữ CEO nhiều lần livestream gọi tên và có những ngôn từ thô tục, đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự...
Tuy nhiên, mới đây nhất, báo PLO cho biết Công an TP.HCM chưa tiếp nhận hồ sơ vụ án mà phía CA tỉnh Bình Dương chuyển do hai địa phương còn có một số vấn đề cần trao đổi.
Trả lời trên Dân Việt, tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết việc nhập vụ án theo quy định của pháp luật sẽ giảm thiểu được thời gian, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng và cũng có lợi cho bị can, bị cáo, đồng thời góp phần giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật. Ông Cường cũng đánh giá, việc nhập vụ án hình sự trong trường hợp này là có lợi cho bà Nguyễn Phương Hằng.
Như chúng tôi liên tục đưa tin trước đó, tối 24/3, bị can Nguyễn Phương Hằng bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố và bắt tạm giam về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Sau khi tống đạt mọi quyết định, cơ quan chức năng đã di lý CEO Đại Nam về Trại T30 đóng trên địa bàn huyện Củ Chi để tạm giam trong 3 tháng.
Thời gian qua, nhiều cá nhân bị điều tra vì liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, động thái này nhằm nằm mở rộng điều tra vụ án. Trước "xộ khám", cơ quan điều tra đã thu thập chứng cứ về những vi phạm của bị can và những người liên quan. Từ giữa năm 2021, bà Phương Hằng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội thực hiện livestream chứa nhiều nội dung sai sự thật, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người liên quan.
Một số cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật về vụ án cũng như tỏ thái độ ủng hộ bà Phương Hằng, kêu gọi biểu tình gây mất trật tự cũng đã bị cơ quan chức năng địa phương xử phạt.
Theo Công an TP.HCM, sau khi bà Phương Hằng bị khởi tố bắt tạm giam, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều kênh YouTube đăng tải các video có nội dung cắt ghép, dàn dựng, đưa tin sai sự thật, xuyên tạc hoạt động điều tra của vụ án, bôi nhọ cơ quan chức năng. Nhiều cá nhân do thiếu hiểu biết cùng tâm lý ủng hộ bị can Nguyễn Phương Hằng đã tiếp tay cho việc tán phát, chia sẻ các video trên. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Ảnh: Tổng hợp