Có người cho rằng việc vo gạo trong ruột nồi cơm điện không có tác hại gì, có người lại nói không nên. Vậy phương án nào mới đúng?
Vo gạo trong ruột nồi cơm điện có hại gì không?
Nồi cơm điện là một thiết bị không thể thiếu trong căn bếp của các gia đình hiện đại. Ngày nay, các nồi cơm điện còn được thiết kế với nhiều tính năng tiện dụng, không chỉ dùng để nấu cơm mà còn có thể nấu cháo, nướng bánh...
Một trong những thói quen sử dụng nồi cơm điện khá phổ biến, được nhiều người thực hiện mỗi ngày đó chính là vo gạo trong ruột nồi. Người ta sẽ cho gạo vào phần ruột có thể tháo rời của nồi rồi xả nước vào đó và vo trực tiếp. Sau khi đong một lượng nước vừa đủ để nấu cơm, chỉ cần cho phần ruột vào trong nồi, cắm điện, bấm nút nấu là xong. Cách này rất tiện dụng, không cần phải thực hiện quá nhiều thao tác.
Tuy nhiên, nhiều người quan ngại về việc vo gạo trong ruột nồi cơm điện sẽ khiến phía bên trong lòng nồi bị xước và nhanh hỏng hơn, không tốt cho sức khỏe của người sử dụng. Điều này có đúng không.
Nói về vấn đề trên, trong một chương trình truyền hình của Nhật Bản, 7 nhà sản xuất nồi cơm điện nổi tiếng ở quốc gia này đã đưa ra ý kiến của mình.
6/7 nhà sản xuất cho rằng nếu người dùng sử dụng sản phẩm chính hãng, chất lượng cao thì việc vo gạo trong ruột nồi là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, với các loại nồi không đảm bảo chất lượng, việc dùng ruột nồi để đựng gạo và vo gạo sẽ khiến lớp chống dính dễ bong tróc. Điều này không chỉ làm chất lượng nồi giảm sút nhanh chóng, gây mất thẩm mĩ mà còn khiến cơm dễ cháy khét, có mùi kim loại, không tốt cho sức khỏe.
Hãng sản xuất còn lại nhận định rằng việc vo gạo trong ruột nồi cơm điện về cơ bản không gây hại gì nhưng để nồi được bền, người dùng nên sử dụng rổ rá riêng để vo gạo.
Như vậy, nếu đang sử dụng các loại nồi cơm điện chính hãng, chất lượng cao, bạn có thể vo gạo trong ruột nồi cơm điện. Tuy nhiên, để nâng cao tuổi thọ của thiết bị, việc sử dụng rổ/rá hay thau nhỏ để vo gạo nên được ưu tiên.
Một số lưu ý khác khi sử dụng nồi cơm điện
- Lau khô mặt bên ngoài của ruột nồi trước khi đặt vào nồi
Sau khi vo gạo, bạn nên dùng khăn lau khô ráo phần bên ngoài của ruột nồi để loại bỏ hết nước. Nếu không lau, nước sẽ làm ướt mâm nhiệt, tăng nguy cơ chập cháy, rò rỉ điện trong quá trình sử dụng.
- Sử dụng muôi gỗ, nhựa, silicone chịu nhiệt để xới cơm
Khi xới cơm, bạn nên dùng muôi bằng gỗ, nhựa, silicone chịu nhiệt để tránh làm hỏng bề mặt chống dính của nồi. Việc sử dụng dụng cụ bằng kim loại có thể mà mất lớp chống dính, giảm tuổi thọ của thiết bị.
- Vệ sinh nồi thường xuyên
Bạn nên vệ sinh nồi thường xuyên để loại bỏ cặn bẩn, bụi bám bên trong và bên ngoài nồi.
Cần chú ý lau phần mâm nhiệt của nồi. Đây là bộ phận cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình nấu cơm. Ngoài ra, nên lau sạch cả phần nắp nồi, lỗ thoát hơi nước để đảm bảo các cặn bẩn được loại bỏ, giúp cơm luôn thơm ngon.