Vì sao Google Maps thường không đưa ra gợi ý tuyến đường ngắn nhất mà chọn đường vòng: Câu trả lời khá hợp lý

Khi bạn nhập một địa chỉ vào Google Maps, ứng dụng không luôn chọn tuyến đường ngắn nhất mà thay vào đó là tuyến đường trông có vẻ dài hơn.

Khi bạn nhập một địa chỉ vào Google Maps, ứng dụng không luôn chọn tuyến đường ngắn nhất mà thay vào đó là tuyến đường trông có vẻ dài hơn. Tuy nhiên, việc đưa ra đề xuất này là có lý do hợp lý.

Theo Geographic FAQ Hub, Google Maps dựa vào nhiều yếu tố và phân tích khác nhau để xác định tuyến đường nào là tốt nhất giúp mọi người đến đích nhanh hơn, ngay cả khi khoảng cách phải di chuyển dài hơn so với các tuyến đường khác hiển thị trong ứng dụng.

Google Maps

Google Maps

Google Maps không chỉ đơn thuần là một ứng dụng bản đồ và điều hướng. Nó là một nền tảng lưu trữ hồ sơ các địa điểm mà người dùng đã ghé thăm, cùng với các tuyến đường và phương tiện di chuyển mà họ đã sử dụng.

Ứng dụng này có thể phát hiện rằng một tuyến đường ngắn hơn sẽ làm chậm thời gian di chuyển của bạn do các vấn đề như tai nạn xảy ra vài phút trước hoặc mật độ giao thông đông đúc. Trong những trường hợp này, Google Maps sẽ chuyển hướng bạn sang một tuyến đường thay thế dài hơn nhưng có thể giúp bạn đến đích nhanh hơn so với việc "chôn chân" tại một tuyến đường trong thời gian dài.

Google Maps cũng không muốn tất cả người dùng cùng đi trên một tuyến đường duy nhất, điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn giao thông. Bằng cách đề xuất các tuyến đường khác nhau, ứng dụng giúp phân phối lưu lượng xe đều hơn trên các tuyến đường.

Đôi khi, ngay cả vào lúc sáng sớm hay đêm muộn, khi không có bất kỳ trường hợp ách tắc giao thông nào, Google Maps vẫn gợi ý cho bạn tuyến đường dài hơn. Điều này là vì Google Maps ưu tiên các tuyến đường tiết kiệm nhiên liệu nhằm giảm thiểu lượng khí thải CO2. Những tuyến đường này có thể dài hơn về khoảng cách nhưng giúp tối ưu hóa mức tiêu thụ nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường. Biểu tượng chiếc lá màu xanh trên bản đồ cho thấy sự chênh lệch về lượng khí thải giữa các tuyến đường để người dùng có thể chọn lựa.

Google Maps cũng ghi nhận sở thích của người dùng khi khám phá thành phố. Nếu ứng dụng thấy rằng người dùng thường thích sử dụng một con đường cụ thể khi đi qua một số khu vực nhất định, điều đó có thể được coi là dấu hiệu cho thấy họ ưa chuộng con đường đó, bất kể thời gian hay tình hình giao thông ra sao.

Trong mọi trường hợp, khi nhập một tuyến đường vào Google Maps và người dùng chắc chắn rằng không có tắc nghẽn giao thông hoặc bất kỳ vấn đề nào, họ có thể thay đổi tuyến đường bằng cách nhấp vào một trong các lựa chọn thay thế xuất hiện bằng màu xám thay vì màu xanh lam.

Mỗi con đường trên Google Maps đều có các vạch màu khác nhau biểu thị lưu lượng giao thông tại khu vực đó: màu xanh lá là đường thông thoáng, màu cam là tương đối đông, còn màu đỏ là rất đông, thậm chí có thể tắc nghẽn. Bằng cách này, người dùng có thể biết được mình sẽ mất bao lâu cho mỗi tùy chọn và trong quá trình đó, người dùng sẽ dạy cho Google Maps biết rằng khi không có ách tắc giao thông, họ vẫn muốn đi theo một con phố nhất định.

Tuy nhiên, đôi khi cập nhật của Google Maps không chính xác. Chẳng hạn, đường được báo "xanh" nhưng thực tế lại đang tắc. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến thuật toán của Google, làm cho thông tin không phản ánh đúng tình hình thực tế.