Trong quan niệm dân gian, người xưa từng có câu: “Làm nhà to là dại”. Câu nói tưởng chừng như lạ lùng trong thời hiện đại, khi nhiều người vẫn quan niệm "nhà càng to, càng oai", nhưng nếu suy ngẫm kỹ, bạn sẽ nhận ra đây là một lời cảnh tỉnh đầy thấm thía. Không chỉ xét trên khía cạnh phong thủy mà còn cả trong đời sống thực tế, việc xây nhà quá to so với nhu cầu thực sự của gia đình có thể mang đến nhiều hệ lụy ngoài mong muốn.

1. Ngốc mới xây nhà to vì Hao tài, tốn sức và mất hòa khí
Nhiều người khi có điều kiện tài chính thường mong muốn xây dựng ngôi nhà khang trang, bề thế, thể hiện sự sung túc. Thậm chí, không ít người sẵn sàng vay mượn, gồng gánh tài chính chỉ để xây một ngôi nhà lớn vượt quá khả năng chi trả thực tế. Thế nhưng, việc xây nhà quá to, không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt lại có thể gây ra những tác động tiêu cực:
- Hao tổn dương khí theo phong thủy: Theo phong thủy, ngôi nhà được xem là nơi tích tụ sinh khí, là “tổ ấm” cần được giữ ấm bằng năng lượng sống của con người. Nếu nhà quá lớn mà số lượng người sinh sống ít, dương khí trong nhà dễ bị phân tán, tạo cảm giác lạnh lẽo, cô lập. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn khiến người sống trong đó dễ bị suy giảm sức khỏe, tâm trạng u uất, khó ngủ, dễ sinh bệnh.
- Tốn công vệ sinh và bảo trì: Một căn nhà rộng sẽ cần thời gian và công sức dọn dẹp nhiều hơn. Với những gia đình không có người giúp việc, việc giữ nhà sạch sẽ có thể trở thành áp lực, đặc biệt là với người cao tuổi hoặc gia đình ít người. Nếu không thường xuyên lau dọn, ngôi nhà rất nhanh xuống cấp, sinh bụi bẩn, nấm mốc và ẩm thấp – ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống.
- Cô lập các thành viên trong gia đình: Nhà quá rộng sẽ khiến các thành viên mỗi người một phòng, không gian sinh hoạt riêng biệt, dễ làm giảm sự kết nối, giao tiếp trong gia đình. Khi xảy ra mâu thuẫn, sự xa cách về không gian lại càng khiến tình cảm khó hàn gắn. Một mái nhà đúng nghĩa là nơi sum vầy, ấm áp, chứ không phải chốn mỗi người một cõi.
- Dễ bị soi mói, dị nghị: Khi xây nhà quá to, đặc biệt ở những nơi xung quanh chưa phát triển, dễ khiến người ngoài sinh lòng ghen tỵ, nghi ngờ về nguồn tài chính. Từ đó dễ bị dị nghị, điều tiếng, thậm chí rơi vào thị phi không đáng có.
- Tăng nguy cơ bị làm phiền và lợi dụng: Người sống trong nhà to thường bị người khác nhìn vào như "giàu có", dễ dẫn đến chuyện bị vay mượn, nhờ vả. Không cho vay thì bị trách, mà cho vay thì có thể mất tình cảm nếu không đòi được. Từ một không gian đáng ra là bình yên, ngôi nhà to lại có thể trở thành cái cớ khiến chủ nhân bận lòng, lo nghĩ nhiều hơn.

2. Mua đất ven sông: Rẻ mà không khôn
Cùng với quan niệm “làm nhà to là dại”, ông bà xưa còn cảnh báo về việc làm nhà trên đất ven sông. Mặc dù hiện nay, đất ven sông nhiều nơi có giá trị cao vì cảnh quan đẹp, khí hậu thoáng mát, nhưng xét về phong thủy và thực tế an toàn, khu vực này tiềm ẩn không ít rủi ro.
- Nguy cơ sụt lún, ngập lụt: Đặc điểm địa chất của đất ven sông là mềm, dễ thấm nước và có độ ổn định thấp. Nếu không có nền móng chắc chắn và kỹ thuật xây dựng cao, nhà ở khu vực này rất dễ bị sụt lún hoặc nứt vỡ theo thời gian. Trong mùa mưa bão, nước sông dâng cao cũng khiến ngôi nhà có nguy cơ bị ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, thậm chí là an toàn tính mạng.
- Âm khí và độ ẩm cao: Phong thủy cho rằng đất gần sông thường chứa nhiều âm khí do nước mang tính âm. Hơi nước bốc lên từ sông có thể khiến không khí trong nhà luôn ẩm thấp, gây ảnh hưởng xấu đến dương khí và sức khỏe của người sống. Trẻ em sống ở những nơi này cũng dễ gặp tai nạn sông nước nếu không được trông coi kỹ lưỡng.
- Nguy cơ trộm cắp và hoang vắng: Vì ven sông thường vắng người, nhiều bụi cây hoặc đường vắng vẻ, những ngôi nhà ở đây dễ trở thành mục tiêu của trộm cắp hoặc các đối tượng xấu. Nếu gia đình ít người hoặc không có biện pháp an ninh phù hợp, sống ở nơi này không khác gì “đem thân gửi hiểm nguy”.

Lời dặn của người xưa đến nay còn ứng dụng được không?
Xã hội phát triển, đời sống nâng cao, nhiều người vẫn ưa chuộng nhà to, đất rộng. Nhưng những quan điểm truyền thống về xây dựng nhà cửa vẫn là kinh nghiệm quý báu, có giá trị tham khảo lớn. Việc chọn nơi ở, quy mô nhà không chỉ nên xét đến yếu tố hình thức mà cần chú trọng đến sự phù hợp với nhu cầu sống, phong thủy, an toàn và sự kết nối gia đình.
Thay vì chạy theo sự phô trương, một ngôi nhà vừa đủ, ấm cúng, tiện nghi và an toàn mới là nơi mang lại hạnh phúc lâu dài cho cả gia đình.
Còn đất ven sông thì tùy nơi mà giá cao hay rẻ. Do đó khi mua cần tính toán kỹ lưỡng hơn tránh rơi vào cảnh rẻ mà lại thành đắt.
*Thông tin tham khảo chiêm nghiệm