Trong thời đại ngày này, những giá trị của Tết Việt không chỉ dừng lại ở phạm vị trong nước, mà người Việt còn có thể tự hào kể về câu chuyện văn hóa sống động này đến bạn bè quốc tế, cuốn sách song ngữ Tết Ba Miền chính là nơi kể về hành trình khám phá nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Việt.
Với "Tết Ba Miền", tác giả Lê Rin đã ấp ủ rất lâu về khát vọng một lần nữa dùng khả năng hội họa của mình, dẫn dắt độc giả vào hành trình khám phá không khí Tết cổ truyền ba miền Bắc - Trung - Nam qua góc nhìn đầy sáng tạo và sâu sắc.
Hình ảnh quen thuộc của người dân đi sắm Tết. |
“Tết không chỉ là một kỳ nghỉ lễ, mà còn là biểu tượng sống động của tình yêu thương, sự gắn kết và khát vọng cho một khởi đầu mới, an vui, tràn đầy hy vọng. Thay vì Tết Việt được nhìn ngắm qua các bức ảnh được ghi lại từ máy chụp ảnh, hay điện thoại có phần quen thuộc, tôi muốn tái hiện từng khoảnh khắc ấy bằng một chất liệu rất khác, vừa gần gũi mộc mạc nhưng cũng sáng tạo, không kém phần ấn tượng” - tác giả sinh năm 1989 cho biết.
Nét văn hóa Việt được tái hiện trọn vẹn
“Tết Ba Miền" không chỉ kể về Tết mà còn tái hiện sống động những phong tục, tập quán độc đáo: từ cảnh gói bánh tét bên bếp lửa hồng, làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên, đến nghệ thuật chế tác đầu lân tinh xảo ở Chợ Lớn hay khung cảnh tấp nập tại chợ hoa Sa Đéc. Qua đó, tác giả không chỉ mang lại cho độc giả những thước phim ký ức đong đầy cảm xúc mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị cội nguồn và sự giao thoa tinh tế giữa truyền thống và hiện đại.
Hành trình khám phá Tết của người Việt sẽ được kể từ ngày 15 tháng Chạp cho đến hết mùng 3 Tết. Đây không chỉ là những trang sách, mà còn là một hành trình khám phá nét đẹp văn hóa Tết qua các hoạt động và đồ vật đặc trưng của mỗi giai đoạn.
Từ những ngày đầu tháng Chạp, độc giả sẽ thấy cả gia đình Việt tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ thờ cúng và nhặt lá mai để cây kịp ra hoa đúng dịp. Khi đến ngày 23 tháng Chạp, không khí trở nên trang trọng hơn với lễ cúng ông Công, ông Táo – một nghi thức truyền thống tiễn Táo quân về trời. Sau đó, từng mốc thời gian lại được khắc họa sinh động qua các hoạt động như gói bánh chưng, bánh tét, bày mâm ngũ quả, mua sắm Tết ở chợ hoa, hay làm các món ăn quen thuộc như dưa hành, nem rán, giò thủ.
Từ ẩm thực Việt đến văn hóa Việt ra nước ngoài
Tác giả Lê Rin mong muốn mang góc nhìn của người trẻ Việt Nam để kể về nét văn hóa dân tộc với bạn bè quốc tế bằng một chất liệu rất khác. |
Tác giả Lê Rin đến từ Ninh Thuận được nhiều người biết đến là họa sĩ minh hoạ ẩm thực từ những năm 2019. Bằng chính sở thích ăn uống của mình, anh lấy đó làm chất liệu để thổi hồn vào những bức tranh. Trước "Tết Ba Miền", anh đã cho xuất bản 3 đầu sách minh hoạ trong đó một cuốn mang tên “Việt Nam Miền Ngon” và hai cuốn “Việt Nam Dọc Miền Du Ký” tập 1 và tập 2.
Món ăn đậm vị miền Tây như canh chua cá hú ăn kèm với bạc hà, rau muống và bắp chuối. |
Với cuốn Việt Nam Miền Ngon cũng được anh trình bày dưới hình thức song ngữ nên dễ quảng bá và tiếp cận ẩm thực Việt với khách quốc tế. Tác giả chia sẻ về kỉ niệm với người bạn quốc tế trong lần tình cờ gặp được cuốn Việt Nam Miền Ngon: “Trước đây có người bạn nước ngoài đến TP.HCM du lịch. Tình cờ họ biết trang cá nhân của tôi trên Instagram, từ những hình vẽ minh họa về ẩm thực, họ tìm đến sách và theo những món ăn trong sách, trải nghiệm thực tế. Họ bắt đầu nhận ra ẩm thực Việt Nam thật sự đa dạng."
Cốm làng Vòng Hà Nội. |
Đó cũng là những động lực khiến anh tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, không ngừng học hỏi để cho ra đời các tác phẩm tiếp theo. Được biết, các cuốn sách của anh đều do chính tay tác giả đặt bút, từ khâu lên ý tưởng rồi đến bố cục, hình ảnh và tựa sách cũng như nội dung truyền tải qua các bức minh họa.