Trong nền văn hóa nước nhà, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện lên sáng chói, có sức lôi cuốn kỳ lạ và là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều ngành nghệ thuật. Trong lĩnh vực văn học, nhiều người đã viết về Bác, nhưng xúc động và sâu sắc nhất phải kể đến nhà văn, nhà báo, anh hùng lao động Sơn Tùng. Cả cuộc đời hiến dâng cho cách mạng, hình ảnh Bác luôn là nguồn sáng trong ông. Từng câu chuyện, từng hình ảnh về Người được ghi tạc trong tâm trí, đã giúp ông vượt lên mọi khó khăn, chung sống cùng bệnh tật để cống hiến cho đời và giữ tròn chữ Tâm, chữ Đạo trong nghề báo, nghiệp văn.
Sơn Tùng bắt đầu sự nghiệp văn chương từ một nhà báo. Thử bút trên hàng chục tác phẩm viết về những nhà cách mạng tiền bối, sau thời gian dài chuẩn bị rất công phu với nguồn tư liệu đồ sộ được kiểm chứng chân thực, ngày giải phóng miền Nam ông mới bắt tay vào viết những tác phẩm về Bác. Bằng con đường riêng, xuất phát từ trái tim và lòng ngưỡng mộ Sơn Tùng đã miêu tả rất tinh tế về cốt cách của một vĩ nhân. Đọc từng trang, từng dòng viết về Bác bằng kiến thức sâu rộng của một ngòi bút tài hoa, người đọc đều cảm nhận sâu sắc tấm lòng tác giả. Có lẽ chính vì điều này, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những tác phẩm của Sơn Tùng có sức lôi cuốn, hấp dẫn lạ thường, được bạn bè 5 châu ngưỡng mộ, luôn tìm đến để cùng chia sẻ.
Nhà văn Sơn Tùng tên thực là Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928 trong một gia đình nho nghèo ở làng Hoa Lũy, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là cháu ruột cụ Bùi Xuân Phong, bạn thân của cụ Hoàng Xuân Hành, là chú ruột thân mẫu Bác Hồ. Cụ Phong đỗ cùng khóa với cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, từng theo các cụ Nguyễn Xuân Ôn, Hoàng Hoa Thám khởi nghĩa chống thực dân Pháp và hy sinh ở Nhã Nam.
Lòng ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc của Sơn Tùng có từ khi gia đình ông trở thành cơ sở bí mật của Đảng trước Cách mạng tháng Tám. Năm 1944, với nhiệt huyết của tuổi 16, ông vào Việt Minh, làm nhiệm vụ tuyên truyền cứu quốc. 27 năm liên tục hoạt động trong các phong trào thanh niên, tuyên huấn, viết báo, làm phóng viên tiền phương… Năm 1971, ông bị trúng đạn trên chiến trường miền Đông Nam Bộ với 14 vết thương đến nay vẫn còn 3 mảnh đạn găm lại trong vùng sọ não. Từ một thương binh bất động phải cáng từ Nam ra Bắc, sau 3 tháng chữa chạy, ông xin về trại sáng tác miền Nam để luyện tập và đem sức còn lại để tập trung cho sự nghiệp văn chương.
Mười một năm bị liệt, tay treo trước ngực; với nghị lực phi thường của người thương binh tàn nhưng không chịu phế, ông đã vượt lên số phận. Bằng ngón tay cái của bàn tay phải không còn lành lặn, Sơn Tùng đã viết trên giường bệnh, giữa những cơn sốt cao, co giật, nhức nhối,… ông vẫn viết, viết để quên đi nỗi đau thể xác. Bằng tâm huyết của người chiến sĩ đã để lại trên chiến trường 81% sự sống, Sơn Tùng đã trở thành một nhà văn vững vàng như cây thông trước gió, trong 16 năm, ông đã cho ra đời 13 cuốn sách. Trong những tác phẩm này, Búp sen xanh là một công trình ông đã tích lũy tư liệu từ những năm 1948, khi cụ Cả Khiêm, anh trai Bác Hồ, đã tin cậy giao cho ông những di sản quý giá về dòng họ Nguyễn và cả tuổi thơ Bác Hồ.
Đọc tác phẩm của Sơn Tùng, cái tâm của nhà văn và nhân cách sống đã được người đọc cảm thụ sâu sắc qua cuộc đời, ý chí và phong cách nghệ thuật. Với khả năng xử lý tư liệu của một nhà sử học, bằng ngòi bút của người viết giầu ý chí không chịu bẻ cong ngòi bút, Sơn Tùng không viết vĩ nhân thành một một nhân vật dị thường, thần thánh mà luôn giữ tâm hồn bình dị, đời thường “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để khắc sâu trong tâm trí mọi người.
Từ cõi chết trở về, ông quyết không chịu sống hèn mà luôn mang khí khái nho gia. Ông theo chân Bác từng chặng đường đời, dựng lại những nét sinh hoạt bình dị đến sự bình tĩnh, quyết định sáng suốt khi vận mệnh dân tộc, đất nước trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”. Hàng vạn trang ông viết về Bác trong hàng trăm tác phẩm, bài báo đã lý giải sâu sắc nhân cách và tư tưởng của Người từ tuổi ấu thơ cho đến khi trở thành danh nhân kiệt xuất. Hình ảnh Bác Hồ đã được ông khắc họa bằng lời: “Khi Bác là một tượng đài giữa non sông đất nước, thì tuổi thơ trong sáng của Người là một cái nền; khi Bác là ngọn cờ vời vợi giữa bầu trời bao la thì tuổi thơ của Người chính là cái gốc; khi Người là biển cả mênh mông của tình yêu con người thì thời niên thiếu của Bác cũng đã hội tụ biết bao tinh hoa dân tộc”.
Sự vĩ đại của Bác trong tác phẩm của Sơn Tùng dường như đều nằm ở nền đạo đức. Bác đã vượt lên so với thiên tài đương thời là ở việc làm, trong phong cách ứng xử bình dị chứ không dừng ở luận bàn đạo đức. Tích hợp những cái bình dị, đời thường của Bác trong tác phẩm của nhà văn có thể nhận ra phong cách đạo đức của Người. Đọc những tác phẩm của Sơn Tùng, người đọc nhận rõ sự hòa mình của Bác cuộc sống đời thường để tạo nên sức cảm hóa diệu kỳ. Thay vì kết luận, Sơn Tùng thường để người đọc suy ngẫm và tự đưa ra.
Sơn Tùng sống với nghiệp văn trọn vẹn bằng một chữ Tâm. Ông quan niệm phải luôn tự hoàn thiện mình bằng chữ đạo, chữ tâm. Ông từng tâm sự: “Tôi dấn thân vào văn xuôi với suy nghĩ phải “sống” trước khi viết nên nghiệp văn đến có muộn. Tôi hiểu trong văn có “đạo”, đạo vốn là cái gốc của văn. Cuộc đời con người làm một việc ác đã thừa tội lỗi, còn hành thiện một đời vẫn thấy chưa đủ đức nhân, “vạn biến như lôi, nhất tâm văn đạo” triết lý của tôi trước sau vẫn là như vậy!”. Có lẽ điều này cũng lý giải vì sao trong văn Sơn Tùng luôn hội tụ cá tính mạnh mẽ của con người với nghị lực phi thường để vượt qua thương tật và sự tỉnh táo với niềm đam mê, khát vọng đã giúp ông viết nhiều tác phẩm để đời.
Trong những trao đổi khi được tiếp cận cùng tác giả, nhà văn cho biết, việc sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ban đầu đến với ông xuất phát từ ý thức muốn tìm hiểu về cuộc đời của một con người được ông coi là thần tượng. Nhờ Cụ Thanh và cụ Cả Khiêm, từ những năm 1950, ông đã được gặp người thân trong gia đình cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ông đã tiếp cận với cụ Hà Văn Quận người sống lâu nhất Việt Nam, thọ 122 tuổi để tìm hiểu về gia đình Bác Hồ. Những tư liệu viết tay của cụ Cả Khiêm trao lại mà ông lưu giữ từng trang xác thực, có lẽ là những tư liệu quý giá nhất về cuộc đời và hoàn cảnh gia đình của một vĩ nhân.
Chưa thỏa mãn với những tư liệu có được, với cách nhìn của một nhà báo giầu kinh nghiệm, ông đã đi khắp mọi miền đất nước, từ Việt Bắc đến đảo Cô Tô; khu 4, vượt Trường Sơn vào Đông Nam Bộ, rồi đến Đồng bằng sông Cửu Long…ở đâu ông cũng rõi tìm dấu tích về gia đình Bác Hồ. Bất cứ nơi nào cụ phó bảng Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua ông đều tìm đến, chắt chiu tích lũy từ những hình ảnh nhỏ đến tình cảm sâu nặng của các tầng lớp nhân dân đối với gia đình của Bác.
Sau ngày thống nhất, mặc dù chỉ còn 19% sức khỏe, ông vẫn vẫn từ Bắc vào Nam để tìm dấu vết Bác Hồ thời trẻ. Ông đến cố đô Huế, Phan Thiết rồi vào Sài Gòn… trực tiếp gặp những người còn lại trong gia đình cụ Hồ Tá Bang, học giả Lê Hướng, nhà sư Hồ Thị Tường Vân… để làm rõ thêm từng chi tiết cần làm sáng tỏ; tìm đến tận nơi tu hành gặp bà Lê Thị Huệ, người đã để lại những tình cảm sâu nặng trong những ngày đầu Bác Hồ ra đi cứu nước…
Trong nghiên cứu về Bác, Sơn Tùng cho rằng phải công bằng và cần đi tới cội nguồn để thường xuyên bổ sung từng vấn đề cho hoàn chỉnh. Ông vô cùng cẩn trọng, tìm đến tận cùng sự việc để đủ độ tin cậy; không công bố bất kỳ một thông tin nào một khi chưa rõ ngọn nguồn. Ông nói Nguyễn Tất Thành sinh năm Tân Mão vì ông có trong tay lá số tử vi ngày nhỏ của Người do cụ Cả Khiêm giao lại. Chính sử nước nhà ghi nhận Bác Hồ đến 4 châu lục, để làm rõ Bác đã đến châu Úc, ngay khi Sài Gòn giải phóng, ông đã tìm gặp bằng được cụ Đào Nhật Vịnh, một thủy thủ xuống tầu năm 1912, gặp Bác ở Nam Mỹ và năm 1913 đã cùng Người đi đến Sydney (châu Úc). Để làm rõ thêm những chi tiết về Hồ Chủ tịch những năm tuổi trẻ, ông từng lặn lội đi tìm các cụ Lê Thước, Phạm Nguyên Cẩn và nhiều đồng môn xưa ở nhiều nơi để làm cho tỏ ngọn nguồn. Quá trình thu thập tư liệu về Bác Hồ, ông tìm dấu vết của Người từ nhiều phía, song nặng về dân tộc. Theo ông, trước hết cần khẳng định Bác là con đẻ của dân tộc. Tư tưởng Mác - Lê nin vô cùng quan trọng nhưng chỉ là mảng cấu thành quan trọng thứ hai. Nền tảng để hình thành tư duy của Bác chính là văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông; điều mà từ năm 1924 Người đã viết: “…Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu, mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thế giới…”. Người từng nhấn mạnh: “…Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”.
Ước mong lớn nhất của Sơn Tùng là xây dựng được hình tượng trung thực về Bác để từ đó gìn giữ và phát triển được bản sắc dân tộc. Ông đã làm rõ Bác gặp và chịu ảnh hưởng từ những gương mặt nào và đã rút ra: Trên chiếu văn của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại kinh thành Huế, nơi hội tụ của những danh nhân đương thời như Đào Tấn, Nguyễn Thượng Hiền, Cao Xuân Dục, Đặng Nguyên Cẩn…và sau này là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Tá Bang… đều đã ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của Bác từ thở thiếu thời. Sơn Tùng có duyên may gặp được những người thân trong gia đình Bác để hiểu rõ thêm về thời tuổi trẻ của Người. Ông còn được tiếp cận với những người từng làm việc lâu năm bên Bác như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… và những thư ký tận tụy như Vũ Đình Huỳnh, Vũ Kỳ… để có được những tư liệu đầy đủ nhất trong suốt cuộc đời đấu tranh cứu nước và xây dựng đất nước của Người. Những tư liệu nhiều năm ông thu thập được là kết quả của một tấm lòng chân thành, bền bỉ của người thương binh tàn nhưng không phế, giúp ông thêm nghị lực để viết về Người với tâm nguyện “…. viết thành được cái gì đó thì hay, không thì dể làm tài kiệu cho người khác…”.
Trải nghiệm đi cùng thời gian năm, tháng; đến nay Sơn Tùng đã trở thành người viết nhiều và thành công nhất về hình tượng con người và cuộc sống của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi từ trái tim của người viết chân chính, nhất quán trong quá trình sáng tạo và kế thừa lớp người đi trước; Sơn Tùng đã thực hiện bước đột phá theo phong cách riêng và mang lại diện mạo mới cho tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. Điều này có ý nghĩa không chỉ đối với người trong nước mà bạn bè năm châu đều biết đến với niềm cảm phục.
Soi mình vào tâm hồn cao cả của Bác, với tầm vóc của nhà văn giầu trí tuệ. Sơn Tùng đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhìn nhận về ông, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng xúc động ghi nhận: “ … Nhà văn còn có 3 ngón tay mà vẫn bấu vào cuộc đời để làm việc bằng bộ óc, dẫu rằng bộ óc ấy còn găm lại tới 3 mảnh đạn…”.
Tưởng nhớ về người đã đi về cõi vĩnh hằng, bài viết thay một nén hương để vĩnh biệt một nhà báo, nhà văn luôn giữ trong mình trọn vẹn chữ Tâm.