Đó là vào ngày 26 tháng 10 năm 1967. Ngày đó, không lực Mỹ lại tấn công vào Hà Nội, mục tiêu chính là phá hủy nhà máy điện Yên Phụ. Một máy bay cường kích của hải quân Mỹ trong khi lao xuống ném bom vào mục tiêu nhà máy điện Yên Phụ, đã bị tên lửa phòng không Việt Nam hạ gục. Phi công rơi xuống hồ Trúc Bạch. Còn quả bom, bị lạc mục tiêu, đã rơi vào một nhà dân trên phố Quán Thánh. Chính xác là rơi đúng ngôi biệt thự số nhà 47 của phố này. May quá, khi Hà Nội phát còi báo động, toàn gia đình của ngôi biệt thự số 47 đã kịp xuống hầm. Hầm đây, chính là hầm rượu vang cũ của gia đình, được xây dựng từ hồi còn Tây thực dân, vừa rộng rãi vừa hết sức chắc chắn. Quả bom đã san phẳng ngôi biệt thự, gạch và đất vùi lấp căn hầm, thành một đống lớn. Phải 3 ngày sau, lực lượng cứu hộ mới bới từ đống đổ nát và cứu được nguyên vẹn cả gia đình, không ai bị hề hấn gì, chỉ bị… khát và đói.
Tôi mới nghe câu chuyện này từ một người em, là kỹ sư nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhân khi ngồi uống rượu vang và nghe em kể về hầm rượu vang từ ngày xưa của gia đình mẹ mình. Kỹ sư Quốc Minh kể: “Gia đình mẹ em là gia đình tư sản cũ, ngôi nhà ở 47 phố Quán Thánh là một ngôi biệt thự được xây cất từ hồi Tây, mẹ em sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà này. Còn số nhà 49, láng giềng nhà mẹ em, cũng là một ngôi nhà đẹp, có vườn cây rộng, chủ nhân là gia đình vợ cố Tổng bí thư Đỗ Mười. Như thế, gia đình nhà vợ bác Đỗ Mười không phải là nhà nghèo”.
Khi nghe chuyện, tôi đã hỏi, và biết quả bom ấy rơi vào cuối tháng 10 năm 1967, và tìm hiểu thêm, tôi biết chắc chắn, quả bom ấy từ máy bay cường kích của viên phi công Mỹ bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch. Kể tới đây, thì chắc ai cũng biết tên tuổi viên phi công ấy rồi. Đó chính là thiếu tá John McCain, phi công hải quân Mỹ, bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội vào đúng ngày 26/10/1967.
May quá, là quả bom từ máy bay của ông John McCain không sát hại một người dân Hà Nội nào, chỉ làm sập đổ ngôi biệt thự số 47 phố Quán Thánh. Chính cái hầm rượu vang cũ của ngôi biệt thự đã cứu cả gia đình thoát chết.
Xem ra, có tiền mà xây hầm rượu vang thật chắc chắn, cũng có lợi.
Sau vụ máy bay bị bắn rơi, phi công bị thương rớt xuống hồ Trúc Bạch, được người dân Hà Nội cứu khỏi… chết đuối, sau đó phải ”nghỉ mát” ở Hilton Ha Noi (tên các phi công tù binh Mỹ gọi nhà tù Hỏa Lò) tới 5 năm rưỡi, tai nạn ấy đã khiến ông John Mc Cain, vốn là cháu nội và con của hai Đô đốc hải quân Mỹ, sau khi về Mỹ và trở thành Thượng nghị sĩ (TNS) Mỹ, đã là một trong hai TNS Mỹ yêu thương Việt Nam nhất (người kia là TNS - cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry), và đã làm hết sức mình để nước Mỹ từ kẻ thù trở thành bạn, rồi thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Phải “đánh nhau vỡ đầu mới nhận ra bạn ” là như vậy.
Tôi nghe chuyện, và chợt nhớ tới bài thơ dài của cố nhà thơ Phan Vũ, đã được nhạc sĩ Phú Quang trích phổ nhạc trong một ca khúc nổi tiếng, bài hát Em ơi, Hà Nội phố. Lời thơ trong bài hát có đoạn: “Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ/ Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân/ Ta còn em…”. Vâng, ta luôn còn em, ta mê em. Vì đàn ông mà không mê gái thì biết mê cái gì nữa bây giờ?
Câu thơ và ca từ ấy có dính tới ngôi biệt thự số 47 phố Quán Thánh. Hồi đó, nhà thơ Phan Vũ đang ở ngôi nhà số 52 phố Hàng Bún, cũng rất gần với khu phố Quán Thánh. Ngôi nhà đó sau này đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Trần Văn Thủy về ở. Nhà thơ Phan Vũ trong kháng chiến chống Pháp hoạt động ở miền Nam, và tuy là người Bắc nhưng ông lại tập kết… ra Bắc. Ông ở phố Hàng Bún còn vì hồi đó ông đang làm việc ở Xưởng phim truyện Việt Nam số 4 phố Thụy Khuê. Từ phố Hàng Bún ra phố Quán Thánh số nhà 47 lại rất gần, và ra nhà thờ Cửa Bắc ở phố Phan Đình Phùng cũng không xa. Sự kiện ngôi biệt thự số nhà 47 phố Quán Thánh bị bom Mỹ san phẳng là một sự kiện của cả khu phố Quán Thánh. Chắc chắn, nhà thơ Phan Vũ phải biết sự kiện này. Có thể, vào mùa đông năm 1967 ấy, những buổi chiều nhà thơ Phan Vũ đã lang thang dọc phố Quán Thánh, qua ngôi nhà đổ số 47 và nghe tiếng đàn dương cầm từ đâu đó ở một góc phố, lại nghe tiếng chuông chiều từ nhà thờ Cửa Bắc, và ông đã bật ra mấy câu thơ này. Thơ bắt đầu từ hiện thực. Nhưng thơ cũng mờ ảo chính từ nền hiện thực ấy: “Những chiều phai tóc em bay, chợt nhòa chợt hiện” là như vậy. Tôi rất tiếc, sinh thời, TNS John McCain đã hơn một lần sang thăm Việt Nam, nếu ông được nghe ca khúc Em ơi, Hà Nội phố và biết câu chuyện về quả bom của mình nổ trên phố Quán Thánh, may quá không làm ai thiệt mạng, có thể ông sẽ có rất nhiều xúc cảm. Và tình yêu Việt Nam, yêu Hà Nội của ông sẽ càng sâu đậm hơn. Có những câu chuyện tình cờ, ngẫu nhiên, nhưng nó có thể làm nên một điều lớn lao, miễn người ta biết đến nó.
Nhưng sau hòa bình, có vẻ lãnh đạo Hà Nội lại chưa biết tầm ảnh hưởng của câu chuyện này, nên khi chính quyền muốn lấy cả khu biệt thự sập đổ 47 phố Quán Thánh này để xây trụ sở cho một Bộ ngành gì đó, người ta đã yêu cầu gia đình mẹ kỹ sư Quốc Minh trưng ra những giấy tờ sở hữu ngôi biệt thự. Tiếc thay, toàn bộ giấy tờ nhà đã bị bom Mỹ thiêu cháy hay bị vùi lấp qua nhiều năm. Gia đình không có giấy tờ gì trong tay để chứng minh cả, dù ngôi biệt thự chính là của họ. Chính quyền bảo, nếu gia đình không có giấy tờ chứng minh, thì sẽ không được đền bù. Bí quá, gia đình phải chạy tới cầu cứu bác Đỗ Mười, người láng giềng tốt bụng. Bác Đỗ Mười và gia đình bên vợ bác ở số nhà 49 đã đứng ra làm chứng cho gia đình mẹ kỹ sư Quốc Minh, rằng ngôi nhà số 47 ấy chính là nhà của họ, xây từ hồi thuộc Pháp. Và cái kết “happy ending” đã đến ngay lập tức. Hà Nội đền bù cho gia đình mẹ kỹ sư Quốc Minh… 3 lô đất (hay 3 căn hộ) luôn. Mọi người đều vui vẻ, và nếu biết chuyện này, TNS John McCain chắc sẽ thở phào nhẹ nhõm.
Năm 2018, TNS John McCain qua đời ở Arizona, Hoa Kỳ. Trong sự kiện đau buồn này, tôi đã viết một bài thơ tưởng nhớ ông, xin gửi kèm vào đây:
JOHN MCCAIN
“Bác John thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”
(phỏng thơ Nguyễn Khuyến)
Đó là một người đàn ông mạnh mẽ
ngay lành như cây cơm nguội
bên hồ Trúc Bạch
hay như cây thông
phủ dày hoang mạc
cựu tù binh
5 năm rưỡi ở nhà tù Hỏa Lò
2 lần ứng cử tổng thống Mỹ
như cây xương rồng
chỉ phục vụ cho những điều cao cả
John McCain
trước là thù sau là bạn
chỉ không biến bạn thành thù
điều đơn giản tốt tươi
như cây xanh
như những người lương thiện
Mỹ ra Mỹ
“ thẳng ngay, nhân ái, danh dự”
làm người
có bấy nhiêu
kiêu hãnh vì mình là tù binh chiến tranh
cười rất tươi trước tấm bia hồ Trúc Bạch
ai chẳng có lần lỡ nhịp
trong đời
anh hùng hay không, cũng xong thôi
John McCain
tôi nghĩ
người Mỹ yêu ông vì thế
cũng vì thế người Việt yêu ông
như yêu một người bạn cùng làng
một người lang thang
đôi khi cơ nhỡ
một người khi vui cười hết cỡ
khi buồn, khóc
nước mắt hòa nước mưa
bây giờ, có cơn mưa nào trên hoang mạc Arizona ?
khóc cho một con người
đẹp và mạnh
Quảng Ngãi 28/8/2018