Năm 1982, CCTV chính thức chuẩn bị quay bộ phim thần thoại cổ trang Tây Du Ký và giao nhiệm vụ quan trọng này cho đạo diễn Dương Khiết. Là một trong tứ đại danh tác, Tây Du Ký có giá trị văn chương và giải trí bậc nhất trong văn hóa Trung Quốc.
Để quay tốt, đạo diễn Dương Khiết đã phải làm rất nhiều việc, làm một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Lần đầu tiên bà đến Hong Kong học một thời gian, tiếp thu kiến thức tạo hiệu ứng đặc biệt. Sau đó, bà được tài trợ 6 triệu NDT và một chiếc máy quay phim cũ.
Ngoại trừ Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và những nhân vật chính khác, nhiều vai diễn của phim được đạo diễn Dương Khiết tìm thấy khi đang trong quá trình quay. Chẳng hạn như Phật Tổ Như Lai Chu Long Quảng được nhân viên đoàn phim tiến cử. Bạch Cốt Tinh bị đạo diễn "lừa", diễn viên đóng Bạch Thử Tinh thực chất là người thay thế. Những nhân tốt "không chắc chắn" này nhất định là một đại họa trong đoàn làm phim truyền hình ngày nay. Nhưng đạo diễn Dương Khiết đã biến nguy thành an và để những diễn viên này thể hiện xuất sắc.
Không những vậy, đủ loại "khuyết điểm" trong Tây Du Ký đều trở thành cực phẩm. Dù đã phát sóng 37 năm nhưng một số khán giả vẫn tin những cảnh tiên trong phim là "hàng thật".
Vậy đạo diễn Dương Khiết và cả ekip Tây Du Ký đã sử dụng những chiêu ăn gian nào để cho ra đời một bộ phim kinh điển như vậy?
1. Long cung không có thật
Những người yêu thích Tây Du Ký chắc hẳn có ấn tượng sâu sắc về những rắc rối mà Tôn Ngộ Không gây ra ở Long Cung. Nhiều người xem phim khi còn nhỏ đã ngây thơ nghĩ rằng Long Cung thật sự như trên phim, các diễn viên rất tuyệt vời, quay phim dưới biển mà không sợ chết đuối.
Phải đến khi được người trong cuộc tiết lộ công chúng mới biết Long Cung không hề có thật, đoàn phim cũng chẳng lặn xuống đáy biển để quay. Để quay tốt cảnh này, đạo diễn Dương Khiết đã thảo luận rất lâu với cả ekip trước khi đưa ra kế hoạch đột phá, đó là sử dụng bể cá để quay.
Bà yêu cầu quay phim đặt máy sau bể cá, các diễn viên di chuyển vào khu vực được chỉ định trước bể cá, sau đó bố trí ánh sáng chiếu vào bể tạo thành hiệu ứng gợn sóng và hào quang.
Mỗi khi Tôn Ngộ Không quậy phá Long Cung, đạo diễn lại nhờ người thổi bong bóng xuống nước, thỉnh thoảng dùng tay vỗ vào bể cá để tạo sóng, té nước tạo hiệu ứng trước ống kính cực thực tế.
2. Mãng Xà Tinh là có thật
Trong Tây Du Ký có rất nhiều đạo cụ kỳ quái, trong đó phân cảnh Mãng Xà Tinh giết người là có thật, tạo nên ký ức khó quên của nhiều thế hệ khán giả. Nữ diễn viên đóng vai Mãng Xà Tinh có kỹ năng diễn xuất tuyệt vời, nhưng không dễ để quay các hiệu ứng đặc biệt khi cảnh đánh nhau cần được biến hóa sao cho chân thật. Để làm được điều này, đạo diễn Dương Khiết đã mượn một con trăn sống từ sở thú. Được biết, con vật được ăn hơn 20 con gà mỗi ngày, chỉ nhìn thôi cũng khiến nhiều người sởn gai ốc.
Và các diễn viên đã phải "trông nom" đạo cụ đặc biệt này trong suốt quá trình quay phim. Dù sao nó cũng là đồ đi mượn, kinh phí có hạn, nếu con trăn xảy ra chuyện gì thì đoàn phim không kham nổi.
3. Trì Trọng Thụy đóng nhiều vai
Khi bắt đầu quay "Tây du ký", chỉ có một số diễn viên được chọn. Mặc dù đạo diễn Dương Khiết có khả năng kiểm soát chặt chẽ và giỏi phát hiện diễn viên nhưng điều kiện quay phim lúc đó quá khó khăn, đôi khi để tiết kiệm tiền và đẩy nhanh tiến độ, bà đã cho một nhân vật đóng nhiều vai.
Trong số đó, diễn viên Trì Trọng Thụy, người đóng vai Đường Tăng đã kiêm thêm nhiều vai khác như Tĩnh Long Vương và các quan trong triều.
So với Trì Trọng Thụy có nhiều ưu đãi, Diêm Hoài Lễ còn đảm nhận nhiều vai hơn. Một mình ông đã cân các vai như Sa Tăng, Thiên lý nhãn, Ngưu Ma Vương, Giám thừa, Tây Hải Long Vương, Thái Thượng lão quân.
Nhìn cảnh quay hậu trường có thể thấy Diêm Hoài Lễ ở phim trường lúc nào cũng bận rộn. Ngoài diễn xuất, ông còn phải quản lý hiện trường, khiêng đạo cụ, vô cùng vất vả.
Có thể bạn không biết, với 25 tập phim ngắn ngủi này, đạo diễn Dương Khiết đã phải mất 6 năm ròng để hoàn thành quá trình sản xuất.
4. "Thổi phép" không phải hiệu ứng đặc biệt
Khi còn bé, chúng ta thích Tôn Ngộ Không nhất bởi nhân vật này sở hữu năng lực đặc biệt, có phép cân đẩu vân bay ngàn dặm, thổi phép phù một cái có thể cứu Đường Tăng. Nhưng màn thổi phép của Tôn Ngộ Không chẳng phải hiệu ứng đặc biệt mà là khói thuốc.
Ngoài ra, tại những cuộc họp trên thiên đình và trong cảnh thần tiên xuất hiện, để tạo hình ảnh sương khói, đạo diễn Dương Khiết đã dùng đến băng khô.
Điều đáng nói, băng khô khi bốc khói sẽ tạo cảm giác chóng mặt, khó chịu. Các diễn viên phải có sức chịu đựng phi thường để diễn xuất trên băng.
Vào thời đại mà tiền lương chỉ có 70 NDT/tháng, không có hiệu ứng 3D đặc sắc, Tây Du Ký xứng đáng là kiệt tác. Đã gần 40 năm, bộ phim vẫn được bao thế hệ khán giả trong và ngoài nước yêu thích.
(Theo QQ)