Nhật ký nhà văn và những "shipper" đặc biệt

TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam hiện nay đang là “tâm dịch”. Từ ngày 9/7, toàn thành phố đã áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, và kéo dài đến nay, với nhiều biện pháp gắt gao hơn. Dịch bệnh đã và đang gây đảo lộn cuộc sống của người dân thành phố. Nhà văn, nhất là nữ nhà văn là những người có trái tim nhạy cảm, ban đầu chỉ là “tự phát” thiện nguyện, đến nay đã thành cuộc vận động có tổ chức hướng về “tuyến đầu” chống COVID-19.

 “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”

Nhà văn nữ Thùy Dương hiện sống và viết ở Hà Nội là một trong những người đầu tiên “khởi xướng” công tác thiện nguyện, hướng về “tuyến đầu” chống dịch và bà con đang ở “tâm dịch” TP. Hồ Chí Minh. Ngày 13/7, nghĩa là chỉ sau 4 ngày TP. Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, chị viết trên trang cá nhân: “Những ca mắc Covid vẫn tăng lên mỗi ngày, những khó khăn cứ chồng chất thêm và những phận người kém may mắn nhiều và rất nhiều ở TP. Hồ Chí Minh trong đại dịch này! Từ những chia sẻ đầu tiên đầy trân trọng của các nhà văn nữ tại TP. Hồ Chí Minh với người nghèo, Ban nhà văn nữ Hội nhà văn Việt Nam mong cùng chung tay góp sức với bạn bè trong ấy để có thêm cân gạo chai mắm đến được những nơi cần!

Tôi đã thảng thốt nghe một nhà văn: "Chả còn tâm trí đâu làm văn chương nữa chị ơi, còn nhiều người thiếu đói cần gạo cần mỳ mà mình không đủ sức...!" Bạn bè tôi ơi, giờ là lúc chúng ta phải làm gì đó vì những điều tốt đẹp và nhân ái luôn hiện diện trên những trang viết và trong trái tim mỗi người”

Một ngày sau, chị cho biết: “Thật cảm động khi mới một ngày ngỏ lời, Ban nhà văn nữ Hội nhà văn Việt Nam đã nhận được 40 triệu đồng của các anh chị doanh nhân, nhà báo, nhà văn và bạn bè gửi đến đóng góp chia sẻ với bà con khó khăn ở TP. Hồ Chí Minh”. Tiền do các “Mạnh thường quân”, đồng nghiệp văn chương ủng hộ, các chị chuyển ngay vào “đầu cầu” TP. Hồ Chí Minh để các nhà văn, nhà thơ nữ trong đó mua gạo, các hàng hóa thiết yếu chuyển đến các địa chỉ đang cần chia sẻ.

nvhcm-1630036524.jpg

Thượng tá Phạm Đức Châu Trần, Chỉ huy trưởng quân sự Thủ Đức trao 50 triệu đồng từ Ban nhà văn nữ ( Hội nhà văn VN) cho đại diện bệnh viện Thủ Đức. Nguồn: Fb Thùy Dương.

Ngày 20/7, chị cho biết, khi Ban nhà văn nữ Hội nhà văn Việt Nam tạm dừng việc đóng góp ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh vẫn nhận được đóng góp của nhà văn Lê Khánh Mai, chị Nguyễn Kim Thanh, chị Phạm Thị Thu Hằng nguyên Tổng thư ký VCCI.... Ban nhà văn nữ đã nhanh chóng chuyển toàn bộ số tiền quyên góp được và nhà văn Bích Ngân - Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách Ban Nhà văn nữ, để đã nhờ chuyển tận tay Ban lãnh đạo Bệnh viện TP. Thủ Đức - nơi tuyến đầu chống dịch đang gặp nhiều khó khăn.

Ngày 30/7, nhà văn Thùy Dương viết: “Cô ấy mảnh khảnh mà can đảm. Sáng nay gọi điện tôi lo lắng thấy cô ấy vẫn trên đường mang bình oxy đến giúp người....”Không thể không đi Dương ơi nhiều người cần em mà...!". Vừa xông xáo làm báo vừa cần mẫn làm thiện nguyện và nhất là có niềm tin vào những điều tốt đẹp của con người và cuộc sống của cô ấy thật quý giá trong những ngày khủng khiếp này!Tôi chia sẻ bài viết của cô ấy - sự chuẩn bị tâm thế thật mạnh mẽ, vững vàng ngày Sài Gòn bắt đầu phong toả - như lời động viên chính mình và bạn bè những ngày Hà Nội không bình an, như chính giọng hát tuyệt vời của cô ấy từng làm rung động biết bao người, "Tôi ơi đừng tuyệt vọng...".

gao-1630036524.jpg

Gạo cứu trợ cho bà con vùng dịch. Nguồn: Fb Trần Mai Hường.

 

Hành trình kết nối trái tim

Trong danh sách các nhà hảo tâm, có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, nhiều nhà thơ, nhà văn không chỉ trong điạ bàn TP. Hồ Chí Minh. Nhà văn Xuân Phượng, năm nay đã ngoài 90 tuổi, tác giả cuốn sách “Gánh gánh gồng gồng” nồi tiếng, vẫn quan tâm theo dõi hoạt động cuả Ban Nhà văn nữ và không chỉ đóng góp 3 triệu đồng mua gạo giúp bà con mà còn động viên nhắn nhủ các nhà văn nữ bằng tình cảm trìu mến và xiết bao ấm áp.

NSƯT. Lê Chức - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, vừa góp 100 kg gạo vừa sáng tác bài thơ “Hạt gạo nghĩa tình” tràn đầy cảm xúc. Nhà giáo - nhà văn Nguyễn Tấn Phát- nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng đã gửi tới Ban nhà văn nữ 1.000.000 đồng ủng hộ bà con nghèo khó khăn trong đại dịch. Không thể kể hết những tin nhắn, những sẻ chia ấm áp từ mọi người.

Không thể ngờ, chỉ sau ba ngày, số tiền ủng hộ từ các nhà văn, nhà báo, các nhà hảo tâm đến từ mọi miền đất nước, kể cả ở nước ngoài, lên tới 80 triệu đồng, và thế là gần 5 tấn gạo thơm lành nữa, kết tinh tình người ấm áp tới hôm nay đã đến với bà con nghèo ở 5 quận huyện như Thủ Đức, Quận 12, Gò Vấp, Bình Chánh, Q4.

Tất cả những điều này là sự động viên lớn lao với chị em Ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Có vất vả đấy nhưng niềm vui thì nhân lên gấp bội khi nhìn những bao gạo đến tận tay từng người dân lúc cơ hàn...

“Suốt một tuần, cả ba chị em, mình, chị Bích Ngân, Mai Hường thực sự đã trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc cùng hạt gạo. Có nhiều nụ cười nhưng cũng rơi nước mắt khi Mai Hường nhiều lần gọi từ Vĩnh Lộc: "Thương lắm, các chị ơi! Hết gạo rồi, cho em xin một tạ nữa nhé để phát cho bà con"”, nhà thơ Triệu Huệ viết trên trang cá nhân.

Nhiều nhà thơ, nhà văn khác như Nguyễn Bính Hồng Cầu, Nguyên Hùng cũng tham gia hỗ trợ giao, phát gạo cũng như kịp thời hỗ trợ thêm gạo, thực phẩm tặng bà con; hoặc hoạt động hiệu quả như nhóm thiện nguyện của nhà văn Phuơng Huyền. Có những độc giả nhiệt tâm xung phong cùng Ban Nhà văn nữ tổ chức phát gao cho bà con như anh Đào Minh Tâm ở xã Vĩnh Lộc A.

Ban Nhà văn nữ đã trao 60 phần gạo ủng hộ anh chị em hậu đài, bảo vệ, công nhãn vệ sinh đang gặp khó khăn ở Hội Sân khấu thành phố. Đặc biệt, trích tiền ủng hộ tặng 40 suất gạo 400 kg hỗ trợ các nhà văn có hoàn cảnh khó khăn là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định chẳng mấy dễ dàng. Nhà văn Bích Ngân chia sẻ trên trang cá nhân, những nguời viểt nghèo luôn là những người giàu tự trọng. Chị tin rằng món quà từ tấm chân tình sẽ được nhận về ấm áp!

“Thế là, chỉ trong vòng 1 tuần, qua 2 đợt quyên góp, 130 triệu đồng thành gần 8 tấn gạo đã được huy động và chuyển tới tay bà con lúc khó khăn vì dịch bệnh. Đúng là một kỳ tích, và không gì khác hơn để làm nên kỳ tích là những tấm lòng cùng san sẻ, yêu thương! Tạm kết lại một hành trình, nhưng lửa hồng ấm áp còn lan toả mãi...”, Huệ Triệu xúc động.

Còn rất nhiều “Mạnh thường quân” khác, nhiều nhà văn, nhà thơ bằng những hành động âm thầm, đã và đang hướng về những vùng “tâm dịch”, không riêng thành phố Hồ Chí Minh. Theo nhà văn Thùy Dương, chị luôn mang trong mình niềm tin mãnh liệt rằng sớm có ngày chúng ta sẽ khép lại đau thương này và mở ra một thế giới mới mạnh mẽ và yêu thương nhiều hơn! Đó cũng là niềm tin của đông đảo văn nghệ sỹ Việt Nam.