Luật cấm đặt tên con quá dài, đặt tên mấy chữ là hợp lý? Cha mẹ đăng ký khai sinh cho con phải biết

Việc đặt tên cho trẻ cũng có những khung giới hạn theo pháp luật do đó cha mẹ muốn đăng ký khai sinh cho con cần biết điều này.

Nhiều người nghĩ rằng mình sinh con mình thích đặt tên con thế nào là tùy ý mình. Sự thực cha mẹ có quyền chọn tên cho con nhưng cũng phải trong giới hạn của luật pháp quy định. Bởi cái tên của một người còn liên quan tới nhiều loại giấy tờ cho con sau này. Cái tên còn liên quan tới thói quen, tập tục, văn hóa, cách dùng tên, cách viết tên, mẫu các giấy tờ có thể hiện phần tên. Nên nếu chỉ đặt theo sở thích mà không chú ý tới các yếu tố trên sẽ gây khó cho con. Đặc biệt một số trường hợp là phạm luật nên cái tên mà cha mẹ thích có thể không được chấp nhận để làm đăng ký khai sinh cho bé.

Theo Khoản 1 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Trẻ có quyền mang theo họ mẹ hoặc họ cha. Trong tập tục số đông người Việt thường khai sinh con theo họ cha, nhưng đó là do tập quán không phải do quy định pháp luật.

Cha mẹ đừng để con khổ vì cái tên không hợp lý

Cha mẹ đừng để con khổ vì cái tên không hợp lý

Liên quan tới quy định đặt tên, Khoản 3 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

Còn Khoản 1 Điều 6 Mục 1 Chương II Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 cũng quy định: Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.

Như vậy pháp luật có quy định liên quan tới độ dài tên của trẻ khi đăng ký khai sinh. Tên không được bằng 1 ký tự mà không phải chữ và không được quá dài. Việc quá dài không quy định chi tiết giới hạn đặt tên con tối đa bao nhiêu chữ mà chỉ quy định một cách chung nhất là cha mẹ không được đặt tên con một cách quá dài dòng và khó sử dụng. Nhưng thực tế có thể thấy trong cấu trúc tên sẽ gồm họ (thường là 1 từ), tên chính (1 từ) và tên đệm. Như vậy phần dài dòng ở đây chủ yếu là phần tên đệm. Tên thông thường sẽ gồm 3 từ (họ, tên đệm, tên) hoặc 4 từ (họ, tên đệm 2 từ, tên chính). Các loại mẫu giấy tờ thông thường khó kê đủ cho một cái tên mà cấu trúc lớn hơn 6, 7 từ. Do đó khi đăng ký khai sinh cho trẻ, cha mẹ mà đặt tên quá dài sẽ được cán bộ hộ tịch tư vấn để đặt cho phù hợp.

Cha mẹ cũng nên lưu ý việc đặt tên con quá ngắn hoặc quá dài sẽ gây khó cho trẻ trong quá trình sau này, vừa khó viết, dễ bị trêu chọc, bị để ý, khó dùng thì nên tránh.