IFC hợp tác với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á để mở rộng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Để hỗ trợ các doanh nghiệp và giúp họ phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19, IFC sẽ cung cấp khoản vay 40 triệu đô-la Mỹ (USD) cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank).

Đây là hợp phần đầu tiên của gói tài trợ lên đến 150 triệu USD nhằm giúp mở rộng cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính khí hậu, và thúc đẩy thương mại quốc tế. 

Gói tài trợ này sẽ bao gồm 80 triệu USD từ IFC và 50 triệu USD được huy động từ các bên cho vay quốc tế, cùng với hạn mức tài trợ thương mại 20 triệu USD. Với mục tiêu bao trùm là gia tăng danh mục cho vay DNNVV của SeABank, tối thiểu 20 triệu USD sẽ được dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, với hỗ trợ của Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ Doanh nhân (We-Fi). Với chiến lược mở rộng tiếp cận DNNVV do phụ nữ làm chủ, tài trợ của IFC sẽ giúp ngân hàng tăng gấp ba dư nợ cho vay DNNVV do phụ nữ làm chủ hiện tại, chiếm khoảng 25% tổng danh mục DNNVV của ngân hàng vào năm 2024. 

ifc-hop-tac-voi-seabank-mo-rong-tiep-can-tai-chinh-cho-doanh-nghiep-1624866911.jpg
IFC hợp tác với SeABank để mở rộng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam.

 

Tài trợ khí hậu là một lĩnh vực mới ở Việt Nam với cơ hội đầu tư khí hậu trị giá 753 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2030 khi quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. IFC sẽ hỗ trợ SeABank đóng góp vào việc hiện thực hóa mục tiêu này với 30 triệu USDphân bổ cho các dự án thân thiện với môi trường. Hỗ trợ của IFC dự kiến ​​sẽ giúp SeABank xây dựng danh mục tài chính khí hậu trị giá 60 triệu USD vào năm 2024.

 

“Khoản tài trợ dài hạn và tư vấn kỹ thuật của IFC sẽ cho phép SeABank tập trung vào hai phân khúc chiến lược – DNNVV do phụ nữ làm chủ và tài trợ khí hậu - và định vị ngân hàng trở thành ngân hàng được lựa chọn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các dự án thân thiện với môi trường trong năm năm tới,” bà Lê Thu Thủy, Tổng Giám đốc SeABank cho biết. “Trước tình hình đại dịch, khoản đầu tư kịp thời của IFC cũng cho phép chúng tôi mở rộng hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp hơn vào thời điểm quan trọng này, đồng thời cũng góp phần cho sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam nói chung.”

Cùng với gói hỗ trợ tài chính, IFC cũng sẽ triển khai chương trình tư vấn giúp SeABank phát triển danh mục cho vay cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đẩy mạnh tài trợ khí hậu và nâng cao năng lực quản lý các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động của ngân hàng. IFC sẽ tư vấn cho SeABank xây dựng chiến lược ngân hàng dành cho phụ nữ để giúp thu hẹp mức thiếu hụt tài chính 4,9 tỷ USD của các DNNVV do phụ nữ làm chủ, chiếm hơn 20% tổng thiếu hụt tài chính của DNNVV tại Việt Nam. Ngân hàng sẽ tài trợ nhiều hơn cho các công trình xanh và các dự án sử dụng tài nguyên hiệu quả để giúp giảm phát thải khí nhà kính. Thiết lập một hệ thống đồng bộ quản lý các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị phù hợp với các yêu cầu của IFC sẽ tăng cường năng lực đánh giá và quản trị rủi ro môi trường và xã hội, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của SeABank cũng như giúp mở rộng danh mục tài trợ dự án xanh.

“Quan hệ đối tác mới của IFC với SeABank khẳng định lại cam kết của IFC đối với sự phát triển vững mạnh hơn của ngành tài chính Việt Nam,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia, và Lào cho biết. “Khoản đầu tư này thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi vào SeABank và định hướng chiến lược của ngân hàng trong việc gia tăng tài trợ cho DNNVV và các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm, và hỗ trợ Việt Nam phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa sau đại dịch COVID-19.”

Hạn mức bảo lãnh thương mại trị giá 20 triệu USD của IFC trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP) sẽ tăng cường năng lực tài trợ của SeABank cho các doanh nghiệp xuất  nhập khẩu để giảm thiểu gián đoạn thương mại trước đại dịch hiện nay. Việc tham gia GTFP sẽ cho phép SeABank gia nhập mạng lưới trên 500 ngân hàng đối tác tại gần 100 thị trường mới nổi.

Về IFC

IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi hoạt động tại trên 100 quốc gia, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở các quốc gia đang phát triển. Trong năm tài chính 2020, tổng đầu tư của chúng tôi vào các doanh nghiệp tư nhân và định chế tài chính tại các nước đang phát triển đạt trên 22 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin truy cập www.ifc.org.

Cập nhật thêm tại

www.ifc.org/eastasia
www.twitter.com/IFC_EAP
www.youtube.com/IFCvideocasts
www.ifc.org/SocialMediaIndex
www.instagram.com\ifc_org
www.facebook.com/IFCeap
www.facebook.com/IFCwbg

Về SeABank

Được thành lập vào năm 1994, SeABank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam với gần 1,6 triệu khách hàng, hơn 4.000 nhân viên và gần 180 điểm giao dịch trên toàn quốc. Mục tiêu của SeABank là trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm bằng cách cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn. SeABank là một trong những ngân hàng có tầm ảnh hưởng trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam với số vốn điều lệ gần 12.088 tỷ đồng, được Moody’s xếp hạng B1 và đáp ứng đầy đủ cả 3 trụ cột của tiêu chuẩn Basel II.

Chi tiết vui lòng truy cập website: www.seabank.com.vn 

Về We-Fi

Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ Doanh nhân (We-Fi) là quan hệ đối tác giữa 14 chính phủ có đóng góp tài chính, 6 ngân hàng phát triển đa phương đóng vai trò đối tác triển khai, và các bên liên quan khác thuộc khu vực nhà nước và tư nhân. We-Fi được chính thức thành lập vào tháng 10/2017 với tư cách là Quỹ Trung gian Tài chính do Ngân hàng Thế giới tổ chức. We-Fi đầu tư vào các chương trình và dự án giúp giải phóng nguồn tài trợ hàng tỷ đô la để giải quyết một loạt những rào cản mà nữ doanh nhân phải đối mặt — tăng cơ hội tiếp cận tài trợ, thị trường, công nghệ, và cố vấn, đồng thời củng cố các khung chính sách, pháp lý, và quy định. Là một trong những Đối tác Triển khai của We-Fi, IFC hỗ trợ cung cấp dịch vụ tư vấn và đầu tư cho khách hàng tư nhân nhằm mở rộng dịch vụ tài chính và cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ/lãnh đạo, cũng như nâng cao năng lực điều hành của các nữ doanh nhân để có thể điều hành những doanh nghiệp tăng trưởng cao. Để biết thêm thông tin, truy cập www.we-fi.org.