
Theo quy định mới, các câu lạc bộ sẽ không được phép chi hơn 80% tổng ngân sách hàng năm vào quỹ lương. Điều này nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, đảm bảo dòng tiền (cash flow) ổn định và ưu tiên việc thanh toán lương cầu thủ một cách nhất quán. Phát biểu từ MFL nhấn mạnh: "Biện pháp này nhằm đảm bảo mọi đội bóng tại Liga Super đều duy trì tình hình tài chính ổn định và bền vững. MFL nỗ lực xây dựng văn hóa trách nhiệm tài chính, minh bạch và quản lý chuyên nghiệp trong các câu lạc bộ, không chỉ để tạo ra một sân chơi công bằng mà còn để bảo vệ sự tồn tại lâu dài của các đội bóng."
Siết chặt giám sát để tạo dựng tương lai
Kể từ mùa giải 2025-26, công tác giám sát sẽ được tăng cường đáng kể. Các câu lạc bộ sẽ phải nộp hai báo cáo chính trước mùa giải – Báo cáo Ngân sách và Báo cáo Tiền mùa giải – cùng với năm báo cáo định kỳ xuyên suốt mùa giải Liga Super.
Đơn vị FFP của MFL sẽ xem xét kỹ lưỡng các tài liệu tài chính như báo cáo tạm thời, báo cáo thu nhập và chi phí, cũng như xác nhận không nợ đọng với nhân viên và các đối tác liên quan. Những câu lạc bộ không tuân thủ sẽ phải đối mặt với các biện pháp xử lý theo quy định của MFL Financial Fair Play Edition 2025-26.
Việc MFL mạnh tay trong việc thực thi FFP và cơ chế salary cap được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng các câu lạc bộ "vung tay quá trán", nợ lương và đối mặt với nguy cơ phá sản. Đây là bước đi chiến lược, mở ra một kỷ nguyên mới của sự minh bạch, trách nhiệm tài chính và phát triển bền vững cho bóng đá Malaysia. Liệu các câu lạc bộ sẽ thích nghi thế nào với "luật chơi" mới này? Hãy cùng chờ xem!
Ở mùa giải 2024/25 vừa qua, Johor Darul Ta'zim tiếp tục cho thấy sự thống trị với chức vô địch tuyệt đối sau 24 vòng đấu họ thắng tới 23 trận và chỉ 1 kết quả hòa, đạt 70 điểm, bỏ xa đối thủ phía sau tới 18 điểm. Johor Darul Ta'zim cũng là đại diện Malaysia gây ấn tượng tại AFC Champions League Elite với việc vào đến vòng 16 đội trước khi dừng bước trước đại diện Thái Lan, Buriram United.