Gan nhiễm mỡ không chỉ do rượu: Cảnh báo 5 loại đồ uống “tưởng tốt” nhưng gây hại gan nếu dùng sai cách

Những loại đồ uống được gắn mác “tốt cho sức khỏe” nếu tiêu thụ quá mức còn có thể gây hại cho gan nhiều hơn cả bia rượu.

Gan nhiễm mỡ từ lâu được xem là căn bệnh gắn liền với rượu bia. Tuy nhiên, sự thật là không chỉ người uống nhiều rượu mới bị gan nhiễm mỡ. Ngày nay, với lối sống hiện đại và thói quen ăn uống tưởng chừng lành mạnh, nhiều người vẫn có thể rơi vào tình trạng “lá gan quá tải” mà không hề hay biết. 

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ chiếm hơn 5% trọng lượng của gan, bệnh thường gặp ở người béo phì, người nghiện rượu, người mắc tiểu đường hoặc rối loạn chuyển hóa mỡ. Gan nhiễm mỡ được chia thành hai nhóm chính: do rượu và không do rượu. Dù khác nguyên nhân, nhưng ở cả hai nhóm đều gây suy giảm chức năng gan và dẫn đến hàng loạt hệ lụy về sức khỏe.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, đường (đặc biệt là đường fructose) được xác định là "thủ phạm" chính đứng sau nhiều ca gan nhiễm mỡ không do rượu. Dưới đây là 5 loại đồ uống tưởng chừng vô hại, nhưng thực chất lại đang âm thầm “bơm mỡ” vào gan mỗi ngày nếu dùng sai cách.

1. Nước ép trái cây

Một ly nước ép cam hay táo có thể khiến bạn nghĩ mình đang chăm sóc sức khỏe. Nhưng sự thật là, khi trái cây bị ép lấy nước, phần chất xơ bị loại bỏ gần như hoàn toàn, chỉ còn lại nước và đường (chủ yếu là fructose). Khi vào cơ thể, loại đường này được chuyển hóa trực tiếp tại gan. Nếu lượng fructose vượt ngưỡng xử lý, gan sẽ biến chúng thành chất béo, tích tụ dần dần và hình thành gan nhiễm mỡ.

Đặc biệt, nước ép từ các loại quả ngọt như xoài, nho, dứa… nếu tiêu thụ thường xuyên với khối lượng lớn sẽ càng làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Thay vì ép nước, hãy ăn trái cây nguyên miếng để giữ lại chất xơ để điều hòa hấp thu đường.

2. Cà phê đóng hộp

Cà phê nguyên chất vốn được chứng minh là có lợi cho gan nếu dùng vừa phải, đặc biệt là cà phê đen không đường. Tuy nhiên, các loại cà phê pha sẵn, đóng hộp hay thêm hương liệu lại là một câu chuyện khác. Những sản phẩm này thường chứa nhiều đường, sữa đặc, và siro glucose-fructose thì chúng sẽ biến thành những thành phần gây tăng mỡ gan đáng kể.

Caffeine trong cà phê đóng hộp còn kích thích gan chuyển hóa nhanh carbohydrate thành chất béo. Uống loại cà phê này mỗi sáng để “nạp năng lượng” thực chất là đang âm thầm tạo thêm gánh nặng cho gan.

3. Nước mật ong

Mật ong được ca ngợi với nhiều công dụng như kháng viêm, làm dịu cổ họng, hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, mật ong bản chất vẫn là một loại đường đơn, chủ yếu là glucose và fructose. Dùng nước mật ong pha ấm mỗi ngày có thể trở thành con dao hai lưỡi, đặc biệt nếu bạn uống khi đói hoặc pha quá đặc.

Theo các chuyên gia, khi lượng fructose liên tục đổ về gan trong thời gian dài, gan sẽ phải xử lý quá tải, dễ dẫn đến tích tụ mỡ. Do đó, hãy dùng mật ong một cách tiết chế và hợp lý – xem như một liệu pháp hỗ trợ chứ không phải thay thế nước uống hàng ngày.

4. Nước ép trái cây – rau củ đóng chai

Nhiều người bận rộn chọn nước ép đóng chai như một giải pháp nhanh gọn để bổ sung vitamin. Tuy nhiên, đa số các sản phẩm này lại sử dụng tinh chất cô đặc pha lại hoặc có bổ sung đường để tăng hương vị. Kết quả là lượng đường trong những chai nước này cao hơn cả một lon nước ngọt thông thường.

Ngoài ra, việc lọc bỏ hoàn toàn chất xơ khiến tốc độ hấp thu đường tăng vọt làm gan làm việc cật lực hơn bình thường. Nếu duy trì thói quen uống “nước ép công nghiệp” mỗi ngày, bạn đang vô tình tích trữ mỡ thừa trong gan từng chút một

5. Đồ uống thể thao và nước tăng lực

Được quảng bá là giúp bù nước, điện giải và năng lượng, các loại nước uống thể thao và tăng lực lại chứa hàm lượng đường rất cao, đặc biệt là siro bắp giàu fructose. Đây là loại đường cực kỳ dễ gây béo phì và gan nhiễm mỡ.

Điều nguy hiểm là nhiều người tiêu thụ các sản phẩm này mà không hề vận động cường độ cao khiến lượng đường không được chuyển hóa thành năng lượng mà tích trữ dưới dạng mỡ trong gan. Chưa kể caffeine trong nước tăng lực cũng góp phần thúc đẩy quá trình này nhanh hơn.

Quỳnh Trâm