"Cô Tấm" hát chèo giữa đại dịch Covid-19

Ngày 9/10, tại Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề "Phòng, chống dịch bệnh Covid-19".

Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thị Mùi cho biết: “Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề "Phòng, chống dịch bệnh Covid-19" được tổ chức nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của các tổ chức, cá nhân trên cả nước trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19”. Chỉ trong vòng hai tháng phát động, Ban tổ chức Giải thưởng đã nhận về hơn 200 tác phẩm dự thi.

le-phat-dong-1633790611.jpg

Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề "Phòng, chống dịch bệnh Covid-19".

Qua vòng sơ loại, 143 tác phẩm hợp lệ đạt chất lượng chuyên môn cao đã được chọn vào vòng chấm giải của Ban giám khảo. Đa số các tác phẩm đều có sự đầu tư về chuyên môn như nội dung, dàn dựng, diễn xuất của các nghệ sỹ. Các nội dung đều bám vào quy chế của cuộc thi: Ca ngợi tinh thần Việt Nam, ca ngợi công lao của các y bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội khi giãn cách hoặc cách ly, cũng như tuyên truyền về các cách phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, nhiều tác phẩm còn đề cập đến các vấn đề như giáo dục, sự hi sinh của những người lính tuyến đầu, niềm tin vào Đảng, vào sự lãnh đạo của Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19.  Có 38 giải A, 24 giải B cho các tác phẩm và 2 giải cá nhân xuất sắc, trong đó có tác phẩm Covid sẽ tan bình an Hà Nội của tác giả Lê Thế Song, và do nữ nghệ sỹ chèo Diệu Hằng (Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định) thể hiện…

*

Diệu Hằng là một cô gái chân quê, người Giao Thủy, Nam Định. Nhưng nghệ thuật chèo đã chọn cô, chứ không phải những cánh đồng một nắng hai sương củ khoai hạt  lúa. Năm 16 tuổi, cô được chọn đi học Khoa Chèo, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Nam Định. Và từ đây, cô sớm tên tuổi trong làng chèo, không chỉ trong tỉnh Nam Định mà bay xa khắp vùng vì tài sắc vẹn toàn, giọng hát chèo ngọt ngào, vang rền, ánh mắt đưa tình tứ, giàu cảm xúc… Gần như cứ được cử đi Hội diễn là cô lại đoạt giải cao nhất: 18 tuổi, khi còn học trong trường, cô đã loé sáng đích thực là ngôi “Sao Mai” khi đoạt Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu các trường văn hóa, nghệ thuật toàn quốc.  Năm 1998, Diệu Hằng đoạt giải nhì tại Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc trong vai Bà Chài trong trích đoạn “Vợ chồng ông Chài”. Năm 2000, tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc, Diệu Hằng đoạt Huy chương Vàng với vai Hoàng hậu trong vở chèo “Trần Anh Tông” (tác giả: Trần Đình Ngôn; đạo diễn Trịnh Quang Khanh). Và tiếp đó là những  Huy chương Vàng trong các vai diễn tại các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc các năm 2001, 2002, 2005, 2009, 2011, 2013, 2016.

co-tam-1633790611.jpg NSƯT Diệu Hằng.

Năm 2012, nghệ sĩ Diệu Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Nhiều bà con Thành Nam nói vui: Thế là “cô Tấm” quê ta đã trở  thành Nghệ sỹ ưu tú của cả nước (Cô Tấm là vai diễn chèo đầu tiên và rất ân tượng của nghệ sỹ trẻ Diệu Hằng).

*

“Chèo, đó là tất cả tình yêu của tôi” - NSƯT Diệu Hằng hằng tâm sự như vậy. Tình yêu ấy từ thuở chị giã từ quê hương, vào học ttrường nghệ thuật, theo tiếng gọi của nghệ thuật ông cha. Tình yêu ấy thể hiện trong mỗi câu hát, mỗi đêm diễn, mỗi vai diễn mà chị lao động nghệ thuật còn quần quật, còn vất vả hơn người nông đân trên cánh đồng, luôn trong cảnh: “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”.

Từ một diễn viên  trẻ, nay chị là nghệ sỹ ưu tú, tên tuổi vang xa khắp nước, người dân yêu thích, đồng nghiệp trân trọng, các tác giả trân trọng gửi gắm. Đồng thời, chị cũng trở thành một nữ giám đốc trẻ của một nhà hát từng rất truyền thống là Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định. Tình yêu với nghệ thuật chèo như càng nhân lên cho chị, bởi bên cạnh nỗi đắm say hát chèo và diễn xuất, đảm nhận các vai diễn trong hầu hết các vở diễn của Nhà hát Chèo Nam Định, chị còn là cánh chim đầu đàn, là Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định. Chị cho hay trên cương vị này, dường như tình yêu và trách nhiệm càng đong đầy trong chị. Để nghệ thuật chèo có sức lan tỏa trong thế hệ trẻ, chị đã dành tâm huyết chỉ đạo nghiên cứu, sưu tầm, dàn dựng các vở diễn, trích đoạn chèo cổ, hát chầu văn, phối hợp với một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh dàn dựng các hoạt cảnh chèo có nội dung từ các tác phẩm văn học trong chương trình sân khấu học đường, tăng cường phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố, khai thác, bảo tồn những làn điệu chèo cổ, dân ca, ca trù, hát văn và múa hát văn hầu đồng - nghệ thuật diễn xướng tâm linh…

bieu-dien-1633790611.jpg NSƯT Diệu Hằng trong một vở diễn.

Khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Phòng, chống dịch bệnh Covid-19” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về công tác phòng, chống dịch; tôn vinh những đóng góp, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh (đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, dân quân, cán bộ địa phương…); cũng như thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ trong công cuộc phòng, chống dịch chung của đất nước… thì Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định đã hưởng ứng tham gia một cách nhiệt tình. Và “Giọng hát vàng” của Nữ Giám đốc - NSƯT Diệu Hằng đã cất lên lanh lảnh với màn hát “Covid sẽ tan bình an Hà Nội” của tác giả Lê Thế Song. Ban giám khảo đã vô cùng đánh giá cao tiết mục, lời hát, và giọng hát người nghệ sỹ thể hiện, đã trao giải A, như với tác phẩm “Tình anh Người chiến sỹ áo trắng” cũng  của tác giả Lê Thế Song, do NSND Tự Long biểu diễn.

chung-nhan-1633790611.jpg

Tâm sự về giải thưởng này, NSƯT Diệu Hằng cho hay: “Cả nước đoàn kết, đồng lòng chung sức chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi những nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, xin được đóng góp phần rất nhỏ bé của mình với tấm lòng biết ơn, tri ân, tất cả các lực lượng nơi tuyến đầu đã và đang ngày đêm vô cùng vất vả hy sinh, đối diện hiểm nguy giành lại sự sống cho mọi người, vì sự bình yên của nhân dân, của đất nước!”.

Rất mộc mạc, chân tình, mà cũng rất ý nghĩa, giàu ý thức trách nhiệm của người nghệ sỹ với trong bối cảnh đại dịch này.