Thế rồi khi ra tới ga, lại thấy Ngọc Tân đã đứng ở cửa ga chờ đưa tiễn. Tình anh em, tình bạn nồng hậu như thế, nói thật, suýt đã làm tôi hủy vé tàu thôi không vào định cư ở TP Hồ Chí Minh nữa. Mà sẽ mãi ở lại Hà Nội với bao tình cảm ấm áp này…
Anh Lê Gia Hội và Ngọc Tân ngày ấy đều là những ca sĩ xuất sắc, người ở Nhà hát Giao hưởng hợp xướng, người ở Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, cả hai đều sống đậm chất Hà Nội, tri thức và hào hoa. Đặc biệt họ cùng hát rất hay những bài hát về Hà Nội. Nếu như Ngọc Tân có những “Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” thì Lê Gia Hội có “Tiếng nói Hà Nội” của Nhạc sĩ Văn An như xốc tâm hồn chúng ta lên ở những năm tháng bom đạn ác liệt nhất.
“Tôi đứng đây bên nhịp cầu Long Biên lộng gió/ Dưới chân cầu Hồng Hà vẫn ngàn năm sóng vỗ…”. Một giọng tenor bay bổng mà vẫn đầy chất thép, vang và hào hùng, rất tiêu biểu cho một Hà nội “thép và thơ”. Ngày ấy tôi yêu tiếng hát anh Lê Gia Hội lắm, yêu đến mức khi viết xong kịch bản Nhạc cảnh “Đường cây mùa xuân”, được Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng phát ngày mồng một Tết, được nhạc sĩ Chu Minh viết phần âm nhạc… thì tôi đã nằng nặc "đòi" đạo diễn Phan Lưu phải mời bằng được anh Lê Gia Hội đóng vai chính - vai Người chiến sĩ của nhạc cảnh. Vì trước đó tôi bị anh" thôi miên" khi xem anh cùng chị Bích Liên trong Nhạc kịch Bông sen - Nhạc kịch duy nhất của tác giả “Tình ca”, vừa từ miền Nam gửi ra . Trong vai chiến sỹ giải phóng quân, anh Lê Gia Hội lúc ấy mới tuổi 30 trẻ trung, giọng hát sang sảng, phong cách diễn chững chạc, vận quân phục giải phóng quân cực đẹp …
…Với tài năng của nhạc sĩ Chu Minh, của các đạo diển Phan Lưu và Trần Minh (biên đạo múa), của nghệ sĩ opera Lê Gia Hội và các em diễn viên múa khóa 8 Trường Múa, vở Opera ngày ấy đã thành công, được đông đảo công chúng khen ngợi. Đây cũng là lần đầu tiên giới thiệu thế hệ học sinh múa tài năng Đặng Hùng, Đặng Sơn (Chính là phụ huynh Thủ môn xuất sắc Đặng Văn Lâm), rồi Vương Linh,Thúy Loan, Danh Long, Thúy Huyền… khi các em còn đang là hoc sinh Trường Múa Việt Nam, với đông đảo công chúng. Và cũng lần đầu tiên nghệ sĩ Lê Gia Hội từ thánh đường opera nhẹ nhàng xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, được đông đảo công chúng yêu hơn qua màn ảnh nhỏ…
Năm tháng qua đi, những nghệ sĩ tham gia vở diễn ngày ấy giờ đây hầu hết đều đã là nghệ sĩ nhân dân, riêng anh Lê Gia Hội - nghệ sỹ xuất sắc không chỉ tham gia, mà từng được lần lượt giao phó những vai chính tất cả những nhạc kịch cổ điển hay hiện đại của thế giới và của Việt Nam, do Nhà hát giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng, lại chưa được đánh giá đúng mức. Anh mới chỉ khiêm tốn dừng lại là NSƯT. Phải nói công bằng rằng, chúng ta từng có những giọng hát Opera sáng chói như NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu, NSND Ngọc Dậu… Nhưng trọn một đời cống hiến, đóng góp, trải qua nhiều thời kỳ lúc vai chính lúc vai phụ, rồi đến lúc lần lượt đóng trọn tất cả các vai chính trong tất cả các nhạc kịch lớn của Nhà hát dàn dựng, thì chỉ có một: Đấy là Lê gia Hội - NSƯT Lê Gia Hội. Chúng ta chưa công bằng với anh, chưa đánh giá hết tài năng và đóng góp của anh, và với hình loại nghệ thuật bác học như Opera, với cách đánh giá này, chúng ta như đang phụ mồ hôi, nước mắt, tài năng… của những người nghệ sỹ đã dành trọn cuộc đời đóng góp cho nó như Lê Gia Hội
…Vâng, bao giờ tôi cũng rất yêu tiếng hát của anh, dù anh chưa là NSND. Yêu không chỉ ở những vai nhạc kịch lớn như vai Hà (Cô Sao của Đỗ Nhuận), vai Ác tơ - Ruồi Trâu trong nhạc kịch “Ruồi Trâu”, Pinkenrton trong nhạc kịch “Madam Butterfly”, hay vai Trương Chi trong nhạc kịch “Trương Chi”… mà cả những bài hát đầy chất thép anh hát về Hà nội rất hay ngày ấy,
*
Bao năm qua, người nghệ sỹ từng như một vầng sáng lung linh trên sân khấu nhạc kịch, nay lại thầm lặng trong vai trò “người chèo đò”. Học trò của anh - những ngôi sao nghệ thuật tương lai, đều rất trân quý và yêu thương người thầy bản tính đôn hậu, nhẫn nại, ngày ngày truyền đạt cho họ bao tri thức, kinh nghiệm để một mai trở thành những nghệ sỹ lớn. Anh dạy cho họ bằng chính cuộc đời nghệ thuật của mình - một cuộc đời không màng chức tước danh vị, một cuộc đời chỉ biết hiến dâng cho nghệ thuật, cho những vở Opera của dòng âm nhạc bác học! Mà cũng bởi như thế, đó cũng là một cuộc đời “trẻ mãi không già”.
Nhớ những ngày đầu Thủ đô mới giải phóng, một lớp trẻ Hà Nội thông minh, hào hoa bước chân vào nghệ thuật, và rồi sau này họ đều là những ngôi sao nghệ thuật rực rỡ, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, âm nhạc: Quý Dương, Trung Kiên, Trần Hiếu, Lê Gia Hội, Thế Anh, Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng, Thanh Huyền, Bích Liên, Mỹ Bình.. Lê Gia Hội là một gương mặt , vừa có vẻ đẹp chung của thế hệ , lại vừa có vẻ đẹp riêng rất đặc biệt của một cuộc đời chỉ dành cho dòng âm nhạc cổ điển bác học, những vai diễn Opera chói sáng của Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam...
*
Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Thanh nhạc loại giỏi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia và tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Đạo diễn Sân khấu tại Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội bằng vở nhạc kịch "Cô Sao" của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Đấy là nữ đạo diễn opera Huyền Nga. Chị công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam từ năm 1997 đến 2016. Chị đã tham gia nhiều vở Opera trong đó có “Orphee et Eurydice” của Gluck, "Viên đạn thần" của Wagner, "Cosi fan tutte” của Mozart, "Paglachi", “LaBoheme” của Puccini, “Blog Opera”, “Kiều”... cùng rất nhiều chương trình hoà nhạc lớn, nhỏ khác.
Đặc biệt năm 2012, chị được Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt nam, Nhà hát Giao hưởng Việt Nam mời dàn dựng vở opera “Cô Sao” với sự góp mặt của gần 200 diễn viên tham gia. ...
Nữ đạo diễn opera trẻ ấy, chỉ một lời tâm đắc về con đường nghệ thuật của mình,là biết ơn, biết ơn Thầy Lê Gia Hội đã dắt dẫn và chắp cánh cho chị trên con đường nghệ thuật: "Thầy là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo cả về nghề nghiệp cũng như lối sống. Thầy rất hiền hoà, dung dị, nhưng cũng rất nghiêm khắc và đầy bao dung với học sinh và lớp trẻ. Những học trò của Thầy luôn biết ơn những gì thầy đã tận tâm truyền dạy, trau chuốt từng nốt nhạc, từng chữ, từng lời. Thầy dạy cho chúng tôi hiểu thế nào là “lao động nghệ thuật” ngay từ khi bước chân vào học nghề qua những gì Thầy nói và làm, cống hiến hết mình cho nghệ thuật không chút so đo, không màng quyền cao, chức trọng!! Chúng tôi luôn cảm thấy mình rất may mắn khi được là học trò của Thầy! Với một đời cống hiến cho nghệ thuật Opera với những vai diễn đỉnh cao và sự nghiệp đào tạo đã có nhiều học trò là NSƯT, năm nay mong Thầy Lê Gia Hội được nhận danh hiệu NSND cao quý!".
...Và tôi biết, ơn và nghĩa dành cho Thầy Lê Gia Hội, không chỉ một nữ đạo diễn Huyền Nga...