Có nên dùng mỡ động vật thay cho dầu ăn? Lợi ích dưới góc nhìn khoa học và những lưu ý quan trọng

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thận trọng với chất lượng dầu ăn, việc nhiều người lựa chọn mỡ động vật như một sự thay thế triệt để: liệu đây là một quyết định sáng suốt cho sức khỏe?

Việc loại bỏ hoàn toàn mỡ động vật hay dầu thực vật khỏi khẩu phần ăn là điều không nên. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, thay vì loại bỏ hoàn toàn dầu ăn, chúng ta nên kết hợp sử dụng cả dầu thực vật và mỡ động vật để đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể. 

Một trong những ưu điểm lớn nhất của mỡ động vật chính là khả năng chịu nhiệt cao, ít bị biến đổi thành các chất độc hại khi chiên rán ở nhiệt độ cao. Chất béo trong mỡ động vật, chủ yếu là axit béo không no, ít bị oxy hóa, từ đó giảm thiểu nguy cơ hình thành các chất gây ung thư.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã nhấn mạnh rằng, mỗi gram dầu và mỡ đều cung cấp cùng một lượng calo (9 calo). Vì vậy, việc kết hợp cả hai loại chất béo này trong chế độ ăn uống sẽ tạo nên sự hỗ trợ và cân đối, giúp cơ thể hấp thụ tốt nhất các chất dinh dưỡng cần thiết.

Tùy vào từng độ tuổi, thể trạng và nhu cầu sức khỏe, tỷ lệ sử dụng giữa mỡ và dầu có thể điều chỉnh linh hoạt:

  • Trẻ em: Cần nhiều năng lượng và dưỡng chất phát triển thần kinh – có thể ưu tiên mỡ động vật (tỷ lệ khoảng 70% mỡ, 30% dầu).

  • Người trưởng thành khỏe mạnh: Nên duy trì tỷ lệ cân đối (50% mỡ – 50% dầu).

  • Người lớn tuổi hoặc có bệnh tim mạch: Nên hạn chế mỡ động vật, ưu tiên dầu thực vật (tỷ lệ 30% mỡ – 70% dầu).

Điều quan trọng không nằm ở việc chọn bên nào “tốt hơn”, mà là ở cách sử dụng có chọn lọc, đúng liều lượng và phù hợp với phương pháp chế biến. Ví dụ, nên dùng mỡ cho các món chiên vì khả năng chịu nhiệt tốt, trong khi dầu thực vật thích hợp cho các món trộn, hấp, nấu ở nhiệt độ thấp.

Mỡ động vật: Không hẳn là “kẻ xấu”

Trong nhiều năm qua, mỡ động vật, đặc biệt là mỡ heo từng bị gắn với hình ảnh gây hại cho tim mạch do chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Nhưng thực tế, mỡ heo cũng cung cấp một lượng lớn vitamin tan trong chất béo như A, D và một số axit béo thiết yếu mà cơ thể cần để duy trì các chức năng sinh học. 

Ngoài ra, khả năng chịu nhiệt cao của mỡ heo khiến nó ít bị biến chất trong quá trình nấu nướng, từ đó hạn chế việc tạo ra các chất độc hại như aldehyde (một sản phẩm phụ) nguy hiểm khi dầu ăn bị đun ở nhiệt độ cao.

Dầu ăn thực vật: Không phải lúc nào cũng “lành”

Dầu ăn thực vật như dầu olive, dầu hướng dương, dầu cải… được biết đến là lựa chọn tốt cho sức khỏe vì không chứa cholesterol và giàu axit béo không bão hòa. Những loại dầu này giúp giảm cholesterol xấu trong máu và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, dầu thực vật lại có một điểm yếu mà không phải ai cũng nhận ra: chúng rất dễ bị oxy hóa khi chịu nhiệt độ cao.

Điều này có thể dẫn đến sự hình thành các chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng trong việc chiên rán lâu dài. Vì thế, dầu ăn thực vật thường được khuyến khích dùng cho các món trộn, salad hoặc chế biến ở nhiệt độ thấp thay vì sử dụng trong việc chiên nấu ở nhiệt độ cao.

"Ứng viên sáng giá" bị bỏ quên

Trong nhóm mỡ động vật, mỡ cá (đặc biệt là cá biển) nổi bật bởi hàm lượng omega-3 cao. Dưỡng chất này đã được khoa học chứng minh có tác dụng chống viêm, cải thiện chức năng não bộ, ngăn ngừa bệnh tim và hỗ trợ hệ miễn dịch. 

Mỡ cá cũng chứa vitamin D tự nhiên, đây là yếu tố quan trọng giúp hấp thụ canxi tốt hơn và cải thiện sức khỏe xương khớp. Thế nhưng ở Việt Nam, mỡ cá vẫn chưa được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày, phần vì mùi đặc trưng, phần vì thói quen chế biến truyền thống.

Cả mỡ và dầu đều có vai trò nhất định trong dinh dưỡng. Việc sử dụng một cách thiên lệch hoặc hoàn toàn loại bỏ một bên đều có thể gây mất cân bằng và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe lâu dài. Hãy nhìn nhận chúng dưới góc độ khoa học và sử dụng linh hoạt để có một chế độ ăn uống lành mạnh, thông minh.

Quỳnh Trâm