Cho quần áo vào máy giặt, nên cho quần áo khô hay quần áo ướt?

Các chuyên gia về máy giặt cũng như các nhà sản xuất, phân phối cho biết, thao tác đúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động và tuổi thọ của thiết bị.

Muốn tìm ra câu trả lời, người dùng cần hiểu kỹ về chính các thông số của chiếc máy giặt.

Chuyên gia đưa ra lời khuyên

Nhiều người dùng cho rằng, cho quần áo khô hay quần áo ướt đều hợp lý như nhau. Bởi lẽ quần áo khi đưa vào thiết bị đều sẽ được xả nước, xử lý với chất tẩy rửa rồi vắt. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo rằng, tốt nhất quần áo khi đưa vào máy giặt nên ở trong tình trạng khô ráo, không bị đọng hay ngấm quá nhiều nước.

may-giat

Cho quần áo ướt vào máy giặt như một sai lầm tai hại có thể khiến thiết bị bị hư hỏng, thậm chí tạo môi trường để vi khuẩn bên trong lồng máy sinh sôi. 

Nếu chưa có ý định giặt ngay mà quần áo lại vô tình bị đọng, thấm quá nhiều nước hay mồ hôi, người dùng cần vắt bớt, hoặc để, treo bên ngoài để quần áo khô rồi mới cho vào máy giặt.

Việc nên cho quần áo khô vào máy giặt cũng dựa trên thông số cân nặng, được quy định trên từng thiết bị. Cụ thể, theo Global Weighing News, các con số 7kg, 8kg hay 10kg trên các máy giặt chính là biểu thị cho khối lượng quần áo, trang phục khô.

Sau khi quần áo khô được đưa vào lồng giặt, máy sẽ xả thêm nước đến một mức nhất định rồi mới bắt đầu quá trình giặt. Vì vậy nếu cho quần áo ướt, lồng máy có thể vô tình bị quá tải, trở nên nặng hơn so với mức quy định, từ đó tiềm ẩn nguy cơ khiến thiết bị không thể hoạt động hiệu quả, tối ưu, lâu ngày dẫn tới hư hỏng nghiêm trọng.

Ngoài việc nên cho quần áo khô vào máy giặt, người dùng cũng cần lưu ý không nên cố đè nén quần áo vào thiết bị sao cho đầy nhất có thể. Hãy căn sao cho lượng đồ đầy khoảng 70-80%, hay 2/3 dung tích lồng giặt. Khi này, lồng giặt vẫn có đủ khoảng trống để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Ví dụ: 1kg đồ giặt sẽ bằng 1 áo sơ mi cộng với 2 món đồ vải bò dày, hoặc 5 áo sơ mi, hoặc 2 khăn tắm; 5kg đồ giặt sẽ bằng 5 áo sơ mi cộng với 5 món đồ vải bò dày, hoặc 25 áo sơ mi, hoặc 10 khăn tắm; 7kg đồ giặt sẽ bằng 7 áo sơ mi cộng với 7 món đồ vải bò dày, hoặc 35 áo sơ mi, hoặc 14 khăn tắm...

Với những đồ vật cồng kềnh hơn, chẳng hạn như chăn, màn, ga giường, đây là những vật dụng cần những không gian trong máy giặt hơn để được giặt đúng cách. Vì vậy người dùng hãy cân đối số lượng sao cho vừa phải, không nhồi nhét quá nhiều vào một chu trình giặt.

Lưu ý khi sử dụng máy giặt

Chọn và sử dụng nước giặt (bột giặt) phù hợp

Không dễ tính như máy giặt cửa trên, các loại máy giặt cửa ngang, bạn nên sử dụng nước giặt thay cho bột giặt, dù tạo ít bọt, nhưng vẫn giặt sạch quần áo và tránh hiện tượng đóng cặn, làm ảnh hưởng đến thiết bị.

Bạn hãy lựa chọn cửa hàng uy tín để mua nước giặt chính hãng, giúp làm sạch tốt và an toàn cho da. Đồng thời, khi cho nước giặt (bột giặt) vào máy, bạn nên dùng lượng vừa đủ với quần áo, không nên để quá ít hay quá nhiều, vừa hại máy vừa khó sạch.

Kiểm tra trước và cho vừa đủ lượng quần áo vào máy

Trước khi cho áo quần vào máy, bạn hãy kiểm tra và lấy vật dụng có trong túi quần, áo ra ngoài. Đồng thời, bạn nên kéo khóa quần áo, gỡ vớ (tất) bị cuộn, giũ thẳng áo quần sơ, lộn trái các loại áo len vào áo phông.

Việc trên giúp bảo vệ lồng giặt, tránh những va chạm, tăng tuổi thọ cho thiết bị. Ngoài ra, bạn chỉ nên cho lượng quần áo vừa đủ với khối lượng giặt của máy, nếu cho quá nhiều hay quá ít sẽ khiến máy hoạt động kém hiệu quả và tốn nhiều năng lượng.

Điều chỉnh lượng nước với tỷ lệ phù hợp

Đối với các loại máy giặt đời trước - có ít chu trình giặt, bạn nên điều chỉnh lượng nước phù hợp với số lượng quần áo cần giặt trước khi bắt đầu. Tỉ lệ phù hợp giữa trọng lượng nước và quần áo là 20:1.

Điều chỉnh lượng nước phù hợp sẽ giúp tiết kiệm nước. Đồng thời, tránh cho máy không gặp phải hoạt động với tình trạng quá tải về nước làm giảm tuổi thọ của sản phẩm.

Nên phơi đồ ngay sau khi giặt và không để qua đêm

Một số người dùng có thói quen giặt quần áo vào buổi tối, để qua đêm và sáng mới phơi. Tuy nhiên, việc này là không nên vì trang phục ẩm để lâu trong máy kín khiến vi khuẩn dễ sinh sôi.

Sau khi máy hoàn thành chương trình giặt, bạn hãy lấy đồ ra phơi, mở cửa máy để bên trong lồng được khô, thoáng.

Thường xuyên vệ sinh và bảo dưỡng máy giặt định kỳ

Bạn hãy vệ sinh thường xuyên như lau chùi bên ngoài hay các ngăn chứa bột giặt, giúp ngăn chặn bụi bám và bảo vệ máy luôn sạch mới. Khoảng 2 - 3 tuần/lần, bạn hãy vệ sinh toàn bộ máy giặt.

Đặc biệt là lồng giặt, bạn cần vệ sinh tỉ mỉ, vì đây là nơi tiếp xúc trực tiếp với áo quần. Máy giặt được vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ giúp máy hoạt động ổn định, nâng cao tuổi thọ, đồ đạc sạch hơn, ngăn chặn vi khuẩn và an toàn cho người dùng.