Thầy trò Trường ĐH FPT mở lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ kém may mắn

Dự án lớp vẽ thiện nguyện ở mái ấm tình thương được khởi xướng từ tháng 6/2023 bởi hai giảng viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM gồm cô La Hồng Anh Thi và thầy Nguyễn Quốc Khang.

“Dự án mong muốn tạo ra sân chơi vui tươi và bổ ích, giúp các em nhỏ kém may mắn thể hiện suy nghĩ, ý tưởng và ước mơ của mình qua tranh.

Tham gia dự án cũng là cơ hội để sinh viên ngành Thiết kế mỹ thuật số Trường ĐH FPT được vận dụng kiến thức đã học để mang đến giá trị cho cộng đồng, bồi dưỡng tình yêu thương và sự cảm thông chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn”, cô Thi cho biết.

“Nhìn các em vẽ tương lai với nụ cười rạng rỡ, có em cuối giờ học níu tay mình hỏi nhỏ “nay liên hoan là không học nữa à cô?”, "tháng sau cô đến dạy tụi con nữa nhé”. Những khoảnh khắc bé nhỏ ấy thôi cũng đủ khiến mình rưng rưng xúc động, chỉ mong có thể mở thêm thật nhiều lớp học ở thật nhiều mái ấm, mang hội họa đến gần hơn với các em", cô La Hồng Anh Thi (GV Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM), founder dự án lớp vẽ thiện nguyện cho trẻ kém may mắn chia sẻ. 

anh1-Bai 201 TS FPTU 2024.docx

Cô Thi (thứ 2 từ trái sang) và các thành viên dự án lớp vẽ thiện nguyện chụp ảnh cùng các bạn nhỏ ở mái ấm tình thương.

Bắt đầu từ hai thành viên chủ chốt, dự án ngày càng thu hút đông đảo giảng viên và sinh viên ngành Thiết kế mỹ thuật số Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM tham gia. Cứ cuối tuần là cô trò lại rong ruổi lên đường, khi là lớp dạy vẽ ở chùa Diệu Giác (Quận 2), khi là mái ấm Thiên Thần (Thành Phố Thủ Đức)… Mỗi giờ lên lớp là lỉnh kỉnh bao nhiêu chì màu, tập vẽ, vậy mà chỉ cần một nụ cười, một bức tranh hồn nhiên hay những chăm chú hí hoáy của trẻ, từ cô đến trò đều thấy hân hoan, ấm áp trong lòng.

anh2-Bai 201 TS FPTU 2024.docx

Lớp học lúc nào cũng lấp lánh niềm vui và sự háo hức của các bạn nhỏ.

anh3-Bai 201 TS FPTU 2024.docx

Nụ cười rạng rỡ của các em là niềm vui của BTC dự án.

Ở lớp vẽ thiện nguyện, mỗi buổi học đều được thầy cô và các bạn sinh viên thiết kế theo chủ đề riêng, phù hợp với từng thời điểm. Khi thì trang trí đồ chơi trung thu, phụ kiện giáng sinh, Tết đến thì dạy các em trang trí heo đất. “May mắn là các bé ở mái ấm tình thương rất thích vẽ và hào hứng khi được anh chị sinh viên dạy học cho mình. Dự án còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhà trường và các thầy cô ở Mái ấm tình thương, nhờ đó mà có thể phát triển ngày một tốt hơn, cả về số lượng nhân sự và chất lượng dạy - học”, cô Thi bộc bạch.

anh4-Bai 201 TS FPTU 2024.docx

Tham gia dự án cũng là cách để sinh viên Trường ĐH FPT học cách chia sẻ, yêu thương nhiều hơn.

Cũng theo nữ giảng viên, để dạy vẽ ở lớp thiện nguyện cũng đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng và sự kiên trì. Bởi trẻ em ở các mái ấm thường thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, có nhiều em chậm phát triển… nên sẽ gặp khó khăn trong quá trình dạy học. Thách thức là thế nhưng với niềm đam mê hội họa, tình yêu thương và mong muốn san sẻ cùng cộng đồng, cô trò Trường ĐH FPT luôn tràn đầy động lực và nhiệt huyết để “giữ lửa” cho lớp vẽ thiện nguyện.

"Nhìn các em vẽ tương lai với nụ cười rạng rỡ, có em cuối giờ học níu tay mình hỏi nhỏ “nay liên hoan là không học nữa à cô?”, "tháng sau cô đến dạy tụi con nữa nhé”... Những khoảnh khắc bé nhỏ ấy thôi cũng đủ khiến mình rưng rưng xúc động, chỉ mong có thể mở thêm thật nhiều lớp học ở thật nhiều mái ấm, mang hội họa đến gần hơn với các em", cô Thi tâm sự.

Nữ giảng viên cho biết trong thời gian tới sẽ tìm cách phát triển dự án này ở nhiều địa điểm hơn, bổ sung những hoạt động khác nhằm tăng trải nghiệm cho các bạn sinh viên tham gia dự án, đồng thời lan tỏa thông điệp nhân văn, tích cực đến cộng đồng. 

thuongnt