Nhãn hàng 'đoạn tuyệt' với nghệ sĩ Việt
Mới đây, Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong sự nghiệp từ trước đến nay. Dù chưa có thông báo chính thức nào Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh liên quan đến bê bối bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha nhưng những động thái liên quan đến 2 nghệ sĩ này đã gây chú ý của dư luận.
Hết Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thông báo cắt/giảm những chương trình có sự xuất hiện của Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh đến Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết cả hai nghệ sĩ này đang tại ngoại ở Tây Ban Nha và đã có luật sư bảo vệ quyền lợi và chờ gặp thẩm phán.
Không chỉ thế, các nhãn hàng còn có động thái gắt khi những lùm xùm xung quanh cả hai đang tạo ra làn sóng tẩy chay trên mạng xã hội. Đối với Hồ Hoài Anh, SEA Bank, P/S đã xóa hết hình ảnh có nam nhạc sĩ làm quảng cáo. Còn Hồng Đăng cũng bị Meta Fresh, TV LG, Yody, Lof dừng hoạt động quảng bá.
Điều đáng nói là trước Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh bị các nhãn hàng quay lưng thì cũng có không ít nghệ sĩ Việt vướng vào các bê bối bị các thương hiệu thẳng tay hủy hợp tác. Cụ thể như Hoài Linh vướng vào ồn ào "ngâm" tiền từ thiện đã bị một sàn thương mại điện tử đình đám từng gỡ bỏ hầu hết hình ảnh hay Phạm Anh Khoa bị Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) gỡ bỏ hình ảnh trog chiến dịch phòng chống bạo lực giới đồng thời cũng bị một số nhãn hàng tuyên bố hủy hợp đồng quảng cáo.
Hồ Ngọc Hà cũng từng lao đao khi hơn 10 nhãn hàng cô đại diện thương hiệu quay lưng vì ồn ào làm người thứ ba với một đại gia. Hay Ngô Kiến Huy cũng từng vướng bê bối có con với em gái Thanh Thảo nhưng không nhận khiến các nhãn hàng phải lập tức "đoạn tuyệt". Chính giọng ca "Truyền thái y" cũng từng thừa nhận không có gì trong tay khi bị mất show diễn và hợp đồng quảng cáo.
Khi khán giả tẩy chay, ngoài việc tấn công trang Facebook cá nhân khiến các nghệ sĩ phải "đóng cửa" mạng xã hội để tránh "gạch đá" của dư luận thì fanpage của nhãn hàng do nghệ sĩ vướng bê bối làm đại diện cũng bị 'vạ lây'. Không chỉ yêu cầu các nhãn hàng hủy hợp đồng với nghệ sĩ mà còn dùng những lời lẽ nặng nề, thậm chí tuyên bố không dùng sản phẩm của thương hiệu đó khiến các doanh nghiệp phải lập tức có hành động bảo vệ thương hiệu của mình.
Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu các nghệ sĩ có phải bồi thường tiền hợp đồng làm ảnh hưởng đến thương hiệu họ đang đại diện hay không?
Trước vấn đề này, trả lời trên báo Lao Động, giám đốc truyền thông của một nhãn hàng cho biết, hầu hết các nhãn hàng, công ty, ngân hàng... khi mời nghệ sĩ quảng bá thì luôn phải có điều khoản yêu cầu chặt chẽ về việc giữ gìn hình ảnh của mình. Trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực mà xảy ra bê bối đời tư ảnh hưởng đến nhãn hàng thì sẽ phải bồi thường hợp đồng và nhãn hàng đó cũng sẽ chấm dứt hợp tác vĩnh viễn với nghệ sĩ có đời tư không trong sạch. Còn việc bồi thường như thế nào sẽ tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng và giá trị thương mại hai bên đã ký trong hợp đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì việc mời nghệ sĩ làm đại diện thương hiệu sẽ là con dao 2 lưỡi. Một mặt sẽ được những nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lan tỏa đến công chúng trong các chiến dịch quảng cáo nhưng cũng có thể bị vạ lây bất cứ lúc nào khi scandal của nghệ sĩ đó bùng nổ. Doanh nghiệp có thể sẽ chịu tổn thất nặng nề khi hình ảnh của nghệ sĩ không còn được công chúng trọng dụng.
Ở làng giải trí nước ngoài, các nhãn hàng cũng vô cùng khắt khe với nghệ sĩ
Trong gần 10 năm trở lại đây, việc nhãn hàng 'tuyệt tình" với nghệ sĩ vướng bê bối đã xuất hiện ở showbiz Việt. Tuy nhiên, nếu so với các nước phát triển nền công nghiệp giải trí như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ... thì ở Việt Nam, các nghệ sĩ vẫn còn được khán giả "giơ cao đánh khẽ". Hầu hết các nghệ sĩ vướng bê bối đều quay lại làm nghệ thuật thậm chí còn tái xuất rất sớm. Đặc biệt, dù nhãn hãng gỡ hình ảnh quảng cáo nhưng vẫn chưa từng có thương hiệu nào công khai đòi bồi thường các nghệ sĩ Việt nên sau thời gian ồn ào vẫn có thể quay lại showbiz.
Nếu như ở nước ngoài, hàng loạt nghệ sĩ khó quay lại showbiz không chỉ bởi khán giả khắt khe mà các nhãn hàng cũng vô cùng khó tính. Tiêu biểu như ở làng giải trí Trung Quốc, loạt nghệ sĩ như Đặng Luân, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm... không chỉ bị hủy hợp tác nhanh chóng khi ồn ào xảy ra mà các nhãn hàng còn kiện ngược lại các nghệ sĩ và yêu cầu bồi thường vì đời tư không trong sạch của họ làm doanh nghiệp điêu đứng.
Trang Sohu đưa tin, riêng Đặng Luân đã phải đối mặt với hàng loạt động thái gắt của nhãn hàng như đòi đền bù phú quảng cáo, phí bồi thường thiệt hại và tổn thất kinh tế của nhãn hàng. Riêng trong vụ kiện dân sự, Đặng Luân phải đối mặt với số tiền yêu cầu bồi thường là 18,13 triệu nhân dân tệ (65 tỷ đồng) từ phía thương hiệu. Không chỉ thế, nam diễn viên "Hương mật tựa khói sương còn phải chịu trách nhiệm về các chi phí luật sư và kiện tụng.
Theo QQ, Ngô Diệc Phàm cũng phải bồi thường số tiền 77 triệu USD (hơn 1.700 tỷ đồng) cho các nhãn hàng, nhà sản xuất vì bê bối tình dục chấn động của nam diễn viên này.
Ở một đất nước phát triển công nghiệp giải trí Hàn, yêu cầu về giữu hình ảnh của nghệ sĩ còn chặt chẽ hơn nhiều. Chỉ một bê bối nổ ra, nghệ sĩ đó có thể rơi vào tình trạng mất trắng sự nghiệp khi đối diện với làn sóng tẩy chay cực kỳ mạnh mẽ của khán giả và các nhãn hàng. Tiêu biểu gần đây như Seo Ye Ji, từ một nữ diễn viên được nhiều quảng cáo sau phim Điên thì có sao nhưng chỉ với ồn ào về nhân cách đã bị các nhãn hàng gỡ bỏ quảng cáo. Điều đó đồng nghĩa với việc cô phải bồi thường hàng tỷ won cho các nhãn hàng. Theo giới trong ngành ước tính thì nữ diễn viên có thể bồi thưởng khoảng 2-3 tỷ won (tương đương hơn 50 tỷ đồng).
Hay nhóm nhạc T-ara cũng từng bị thương hiệu thời trang chấm dứt hợp đồng vì mâu thuẫn nội bộ. Nhóm nhạc nữ này đã phải nộp 400 triệu won (8.42 tỷ VNĐ), gấp đôi so với phí hợp đồng. Hay Lee Soo Geun cũng từng bị nhãn hàng ô tô yêu cầu bồi thường 2 tỷ won sau khi vướng vào vòng lao lý vì đánh bạc trái phép.