Ai bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư?

Khi sống ở chung cư sẽ có phần sử dụng chung của tòa nhà như hành lang, thang máy và phần riêng từng căn hộ vậy ai là người bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư?

Nhà chung cư thuộc đối tượng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Điều 4 Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm:

- Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình, máy móc, thiết bị.

- Các loại hàng hóa, vật tư (gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Mục 2 Phụ lục II Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000m3 trở lên, nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên là đối tượng thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Như vậy, nhà chung cư và toàn bộ tài sản liên quan đến nhà chung cư đều là đối tượng của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Đối tượng đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho nhà chung cư

Theo khoản 1 Điều 11 Luật Nhà ở 2014 thì chủ sở hữu nhà chung cư là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cháy, nổ đối với nhà ở thuộc diện bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, phải thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh, môi trường, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 23/2018/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức và cá nhân là bên mua bảo hiểm phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.

Như vậy, đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho nhà chung cư là chủ đầu tư dự án trong trường hợp dự án nhà chung cư vẫn thuộc sở hữu của chủ đầu tư.

Nếu người mua chung cư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và nhà chung cư đã đi vào hoạt động thì cư dân chung cư sẽ có trách nhiệm phải mua bảo hiểm cháy nổ phần nhà chung cư đã mua.

Chủ sở hữu căn hộ chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình và có trách nhiệm đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với phần sở hữu chung.

Nội dung giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Điều 7a Nghị định 23/2018/NĐ-CP (bổ sung khoản 4 Điều 1 Nghị định 97/2021/NĐ-CP) quy định, doanh nghiệp phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm.

Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau:

- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

- Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy).

- Địa chỉ tài sản được bảo hiểm.

- Tài sản được bảo hiểm.

- Số tiền bảo hiểm.

- Mức khấu trừ bảo hiểm.

- Thời hạn bảo hiểm.

- Tỉ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm.

- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Nếu như cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bảo hướng dẫn thi hành, Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định nêu trên.

Mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phải đóng

Phụ lục II Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định tỉ lệ phí bảo hiểm cháy nổ phải đóng đối với nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động (springkler), nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ là 0,05%, nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động (springkler) thì tỉ lệ là 0,1%.