Vỏ tôm hay thịt tôm giàu canxi hơn? Có nên cho trẻ ăn vỏ tôm không? Rất nhiều người đang hiểu sai

Dân gian vẫn nói vỏ tôm giàu canxi và gây ra không ít tranh cãi, vậy sự thực thế nào? Nhiều người lâu nay vẫn hiểu sai về quan niệm này.

Trong các loại thực phẩm giàu canxi và protein thì tôm là loại phổ biến và dễ ăn, thường được xếp vào nhóm dinh dưỡng bổ dưỡng.

Đặc biệt tôm là món ăn mà cả người già, trẻ nhỏ đều thích và thường được chọn là 1 món ăn trong bữa tiệc. Tôm không chỉ có vị ngon tự nhiên, mà còn chứa hàm lượng cao protein, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt rất tốt cho trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, một quan niệm dân gian khá phổ biến lâu nay là vỏ tôm chứa nhiều canxi. Liệu điều này có đúng hay không?

Vỏ tôm hay thịt tôm mới giàu canxi hơn?
Vỏ tôm hay thịt tôm mới giàu canxi hơn?

1.Vỏ tôm có canxi không, có giàu canxi hơn thịt tôm?

Nhiều người cho rằng lớp vỏ cứng của tôm là nhờ có canxi, canxi mới tạo ra độ cứng đó. Cũng vì thế mà dân gian cho rằng ăn vỏ tôm giúp trẻ nhỏ cao lớn, xương chắc khỏe. Hóa ra đây lại là hiểu lầm tai hại.

Thực tế, vỏ tôm gần như không chứa canxi. Lớp vỏ cứng của tôm được cấu tạo chủ yếu từ chitin – một dạng polymer sinh học có vai trò tạo độ cứng và bảo vệ cơ thể tôm, chứ không phải do canxi. Phần canxi chủ yếu nằm trong thịt tôm, đó mới là nơi cơ thể người có thể hấp thụ hiệu quả dưỡng chất này.

Với tôm nhỏ, nhiều người có thói quen ăn luôn cả vỏ do vỏ mềm, dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, với tôm lớn, việc bóc vỏ là cần thiết, không chỉ để dễ ăn mà còn tránh gây khó chịu cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi.

2. Ăn vỏ tôm có hại gì không?

Không chỉ không chứa canxi, vỏ tôm còn có thể gây hại nếu ăn sai cách. Khi nhai không kỹ, vỏ tôm có thể cọ xát và gây tổn thương vùng miệng, như lợi hoặc lưỡi. Ngoài ra, lớp vỏ này khó tiêu, dễ gây đầy bụng hoặc đau dạ dày, nhất là ở người có hệ tiêu hóa yếu.

Một số người còn có khả năng dị ứng với chitin trong vỏ tôm, gây ngứa ngáy, nổi mẩn, thậm chí là phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Vì vậy, tốt nhất là nên loại bỏ vỏ tôm khi chế biến các món ăn, đặc biệt nếu dùng cho trẻ em.

Vỏ tôm cứng còn có thể gây hóc, kích thích cổ họng làm tăng cơn ho
Vỏ tôm cứng còn có thể gây hóc, kích thích cổ họng làm tăng cơn ho

3. Có nên ăn đầu tôm không?

Ngoài vỏ, phần đầu tôm cũng được nhiều người yêu thích, nhất là khi được chiên giòn. Tuy nhiên, đây lại là khu vực chứa các cơ quan nội tạng của tôm, nơi tích tụ chất thải và kim loại nặng từ môi trường sống. Khi ăn, các chất này nếu tích tụ lâu trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến gan, thận, gây rối loạn tiêu hóa và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi lượng kim loại nặng dù chỉ nhỏ trong thực phẩm. Chúng có thể dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt, còi cọc hoặc chậm phát triển trí não. Vì vậy, đầu tôm chỉ nên dùng như một món ăn chơi, không nên ăn thường xuyên, nhất là đối với trẻ em.

4. Những bộ phận của tôm nên bỏ khi chế biến

  • Đường chỉ đen trên lưng tôm là ống tiêu hóa, chứa cặn bã và vi khuẩn – nên được loại bỏ trước khi nấu.
  • Phần đầu và vỏ tôm như đã nói ở trên – không nên ăn nếu muốn đảm bảo an toàn vệ sinh và hiệu quả dinh dưỡng.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể luộc vỏ tôm để lấy nước dùng, bởi chitin và các phần còn sót lại có thể giúp nước thêm ngọt, tạo vị đậm đà cho các món canh, cháo hoặc bún.

5. Lưu ý khi cho trẻ nhỏ ăn tôm

Nên cho trẻ ăn phần thịt tôm, đã bóc vỏ và bỏ đầu để tránh hóc hoặc dị ứng.

Tôm cần đảm bảo tôm tươi còn tôm ươn có thể sinh độc tố gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.

Nên bắt đầu với lượng nhỏ khi cho bé mới tập ăn để theo dõi phản ứng của cơ thể.

Tôm tép nhỏ, vỏ mềm và thịt dễ tiêu là lựa chọn hợp lý hơn cho trẻ nhỏ.

6.Tác dụng tuyệt vời của thịt tôm đối với sức khỏe

Không chỉ ngon miệng, thịt tôm còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:

1. Hỗ trợ chế độ ăn giảm cân: tôm chứa lượng protein cao nhưng ít calo, giúp bạn có cảm giác no lâu mà không nạp quá nhiều năng lượng. Protein từ tôm cũng giúp cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn khi tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

2. Tốt cho tim mạch: tôm giàu omega-3 và vitamin B12 – những chất giúp giảm viêm, hạ cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch. Đây là lý do tôm được các chuyên gia khuyến khích đưa vào khẩu phần ăn hàng tuần.

3. Tăng cường chức năng não bộ: Omega-3 cùng với vitamin B12 trong tôm còn có tác dụng tăng cường trí nhớ, hỗ trợ chức năng não, giúp cải thiện khả năng tập trung, đặc biệt cần thiết cho trẻ em và người cao tuổi.

4. Tăng sức đề kháng: Kẽm trong thịt tôm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đây là khoáng chất thiết yếu giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập.

Tôm là một loại thực phẩm dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bạn cần hiểu đúng để sử dụng hiệu quả: vỏ tôm không có canxi như nhiều người lầm tưởng, ngược lại còn có thể gây hại nếu ăn không đúng cách. Hãy ưu tiên sử dụng thịt tôm tươi, loại bỏ vỏ, đầu và chỉ đen để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt khi chế biến cho trẻ nhỏ. Khi dùng đúng cách, tôm sẽ là nguồn dưỡng chất tuyệt vời trong mỗi bữa ăn gia đình bạn.