Đang có một “cơn sốt nhẹ” gây nên từ các phương pháp phê bình Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Ký hiệu học, Phân tâm học, Sinh thái, Nữ quyền,... đặc biệt mê dụ các cây bút trẻ “thế hệ F”(những người thuộc 7X, 8X), thêm cả những người tự coi mình là “tinh hoa” trong lĩnh vực lý luận phê bình, văn học. Nhưng chung cuộc, như chúng ta thấy, những kết quả viết theo hướng đó nhỡn tiền chỉ tạo nên những “đường viền” của bức tranh phê bình hiện nay. Chúng ta không thể bảo thủ (“ếch ngồi đáy giếng”), nhưng cũng không thể vong bản khi vội vàng tiếp nhận, ứng dụng thiếu chọn lọc các lý thuyết nhập cảng để nhận diện, đánh giá văn chương nước nhà theo kiểu “trói voi bỏ rọ”.
Với tâm thế ấy, nên khi đọc Sóng đồng & Cây núi của Lê Quang Trang, tôi cảm nhận được động hướng trở về cội rễ, phục dựng những nền tảng căn cơ của sáng tác và lý luận phê bình văn học hiện nay trên tinh thần đến hiện đại từ truyền thống. Phải nói thêm, Lê Quang Trang là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - một trung tâm đào tạo khoa học cơ bản ở miền Bắc trước 1975 cũng như của cả nước sau ngày thống nhất giang sơn. Ngòi bút của anh, cả khi sáng tác thơ ca, cả khi viết lý luận phê bình, tôi nghĩ, có “chất Tổng hợp”.
Viết phê bình từ trải nhiệm sống và trải nghiệm văn hóa là một quá trình tích lũy và phát lộ của ngòi bút Lê Quang Trang. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1970, anh đã may mắn có cơ hội tham dự lớp viết văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam. Hành trang lên đường đi vào chiến trường Nam Bộ (ngày đó gọi là đi B) của anh có cả sự hào hứng của tuổi trẻ, có cả sự thăng hoa của một người có năng khiếu sáng tác, có cả sự tự tin vững vàng của một sinh viên ngành khoa học cơ bản Ngữ văn. Nhưng khi khoác ba-lô tạm biệt quê hương, bạn bè và mái trường Tổng hợp thân yêu lên đường vào chiến trường miền Nam, Lê Quang Trang lại trong vai một nhà báo - một phóng viên chiến tranh của báo Văn nghệ Giải phóng. Thời kỳ ở chiến trường, Lê Quang Trang nghiên cứu Văn nghệ đô thị tại phòng nghiên cứu Ban Tuyên huấn, Trung ương Cục miền Nam. Đó là điều kiện để anh mở rộng nhãn quan, để có cơ sở so sánh, đánh giá văn hóa - văn nghệ của hai chính thể, hai hệ thống chính trị khác nhau trên cùng một lãnh thổ.
Người ta nói “nghề chọn người” (người không chọn được nghề) là luôn luôn đúng. Với nghề báo, Lê Quang Trang đã trải qua nhiều năm tháng và vị trí công tác khác nhau: Thư ký tòa soạn tuần báo Văn nghệ; phóng viên rồi Phó ban, Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần (Báo Nhân Dân); Tổng biên tập báo Đại đoàn kết. Nghề báo tưởng như lấn át, ăn lẹm nghề văn với Lê Quang Trang. Nhưng nhờ ân huệ của thời gian, với anh, báo và văn hài hòa, quấn quýt, nâng đỡ, phát tỏa nhau. Trong phạm vi hoạt động văn học Lê Quang Trang đã từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Hội Nhà văn Việt Nam các khóa VI, VII (2000-2010); Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khóa VI (2010-2015); Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010-2015); Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (2011-2016); Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2012 đến nay).
Trích ngang lý lịch trên cho chúng ta thấy những dữ kiện, điều kiện quan trọng để khi cầm bút sáng tác văn thơ và viết lý luận phê bình, Lê Quang Trang đã tích lũy, hun đúc cho mình một chất sống dồi dào, một tố chất văn hóa của tư duy và biểu đạt tư tưởng, tình cảm bằng con chữ.
Sóng đồng & Cây núi là tập tiểu luận, phê bình thứ sáu của Lê Quang Trang, gồm hai phần: Phần thứ nhất - Sóng đồng (gồm 17 tiểu luận, tôi gọi là “phần cứng”) về những vấn đề chung của văn hóa, văn nghệ: Vươn tới những giá trị đỉnh cao, Đổi mới văn học: Chuyển động và bước tiếp, Kinh tế phát triển cần tương thích với văn hóa, Phẩm chất dân tộc trong văn nghệ, Bàn chuyện nóng về thể loại nặng, Hài hòa giữa yêu cầu xã hội và trách nhiệm nghệ sỹ, Phê bình văn học: Nhận diện và thúc đẩy tiến tới, Xã hội hóa văn học nghệ thuật,... Đọc những tiểu luận viết công phu này dễ dàng nhận ra tác giả tựa vững trên nền tảng văn hóa để soi chiếu vấn đề hay luận giải hiện tượng văn học nghệ thuật.
Trong bài Vươn tới những giá trị đỉnh cao, ông viết: “Nhưng ở nước ta, có một nghịch lý khá trớ trêu là, trong khi nhận thức vai trò vị trí của văn học nghệ thuật ngày càng toàn diện, khoa học và sâu sắc hơn, việc chăm lo cho văn hóa, văn học nghệ thuật được quan tâm hơn, đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật nhiều hơn, thế mà tác phẩm dường như có phần sa sút về chất lượng. Tại sao vậy?” (tr. 11). Những kiến giải của Lê Quang Trang về các nguyên nhân “sa sút” chất lượng của văn học nghệ thuật là khá thuyết phục khi nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo văn hóa, chính sách văn hóa và quản lý văn hóa còn mang nặng dấu ấn “tư duy nhiệm kỳ”. Lê Quang Trang khi viết về những vấn đề văn hóa của văn học nghệ thuật không đặt mình ở vị trí lãnh đạo, tất nhiên, mà ở vị trí của một người làm nghề quan tâm đến cái rường cột nhất- văn hóa - như nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự phát triển của các giá trị tinh thần. Những bài viết ở phần thứ nhất của cuốn sách có thể gợi nên những bàn thảo tiếp tục về giá trị văn hóa của sáng tạo văn học nghệ thuật.
Nhưng với nhiều người đọc thì Phần thứ hai (tôi gọi là “phần mềm”) - Cây núi - gồm 18 bài phê bình có hình hài chân dung mới thực sự tạo nên sự hấp dẫn của cuốn sách. Nói cách khác là 18 gương mặt văn nghệ của thời hiện đại gắn với cách mạng và chiến tranh được “dựng” nên khá bề thế và sinh sắc: Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Bổng, Lý Văn Sâm, Lê Đình Kỵ, Trang Thế Hy, Trần Bạch Đằng, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Nguyễn Thi, Viễn Phương, Giang Nam, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Thu Bồn, Lê Văn Thảo, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm (trong số 18 nhà văn này chỉ có ba nhà văn đang còn nói cười và có thể gặp gỡ chúng ta: Vũ Hạnh, sinh năm 1926; Giang Nam, sinh năm 1929 và Nguyễn Khoa Điềm, sinh năm 1943). Tôi chú ý đến cách Lê Quang Trang dừng lại ở sự kiện Hội nghị các nhà văn Giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức ngày 17/6/1975, tại Sài Gòn, chỉ hơn một tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Nhà thơ Chế Lan Viên trong đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam từ Hà Nội vào tham dự đã đọc một bài phát biểu xúc động và cuốn hút Bay theo đường dân tộc đang bay. Nếu không có tầm kích văn hóa thì một bài chào mừng, có tính chất bình luận một phong trào văn nghệ cũng chỉ nằm trong phên giậu của lễ nghi, có tính hình thức. Khi dựng chân dung các nhà văn, Lê Quang Trang thường cố gắng đi tìm “năng lượng”, “phẩm chất” văn hóa của họ. Viết về Vũ Hạnh, ông nhấn mạnh: “Vũ Hạnh là con người văn hóa”, tác giả đã gắn nhà văn với sự kiện viết Người Việt cao quý (1965), với bút danh A. Pazzi (độc giả đương thời tưởng là một nhà văn Italia). Vũ Hạnh sáng tạo tác phẩm này với tinh thần phải viết “một cái gì đó đề cao tinh thần dân tộc để mà gián tiếp đánh Mỹ”. Nếu ai đó hôm nay cứ mải miết ôm ấp một ý tưởng tưởng ngông cuồng “văn chương là một trò chơi vô tăm tích”, có lẽ là vì họ không đọc sáng tác của các văn nhân lớp trước chăng? Khi viết về Trần Bạch Đằng, tác giả gọi nhà văn là một “cây đại bút”. Trần Bạch Đằng là một nghệ sỹ đa tài, tất nhiên. Nhưng ông là biểu trưng cho cốt cách văn hóa Nam Bộ - phóng khoáng, hào hiệp nên: “Cây đại bút ấy không chỉ là của Thành phố chúng ta, mà còn xứng đáng trên bình diện của cả Nam Bộ, của cả nước” (tr. 284).
Nhiều người đọc thích lối viết chân dung văn nghệ sỹ, ở đó tác giả đặt cái nhìn hiện thực thật gần, tự nhiên, phi sử thi hóa, gia tăng chuyện đời, nhẹ chuyện nghề. Cách viết chân dung văn nghệ sỹ của Lê Quang Trang, theo tôi, nghiêng về khám phá, phát hiện nhân cách, văn hóa của người nghệ sỹ ngôn từ nên đã “chạm” được bản chất của đối tượng thể hiện. Vì, tột cùng văn hóa là con người.