Vì sao giá xăng không giảm xuống 4.550 đồng/lít ngày 21/7?

Nếu cơ quan điều chỉnh không trích quỹ bình ổn xăng dầu thì giá xăng dầu sẽ giảm mạnh hơn.

Mới đây, trong kỳ điều hành ngày 21/7, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng/lít với mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.070 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 3.600 đồng/lít với mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.070 đồng/lít. 

Không chỉ điều chỉnh giá xăng mà giá dầu cũng được điều chỉnh mạnh như  dầu diesel giảm hơn 1.000 đồng/lít còn 25.200 đồng/lít, dầu hỏa còn 25.240 đồng/lít...

Ở kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel 550 đồng/lít, dầu mazut 950 đồng/kg và dầu hỏa 500 đồng/lít. Tinh chung ở cả 2 lần điều chỉnh gần đây nhất thì cơ quan điều hành đã trích tới 1.900 đồng/lít/kg với mặt hàng xăng, dầu mazut; 1.500 đồng/lít với dầu hỏa và 1.100 với dầu diesel.

Nếu cơ quan điều hành không trích lập vào quỹ bình ổn xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 21/7 thì giá xăng đã có thể giảm tới 3.660-4.550 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới 2.280 đồng/lít. Việc cơ quan điều hành tiếp tục trích quỹ bình ổn ở mức cao là một trong những nguyên nhân khiến mức giảm giá xăng trong nước thấp hơn so với thế giới.

Theo lý giải của cơ quan điều hành thì quỹ bình ổn được sử dụng liên tục để bình ổn giá xăng dầu trong nước. Do đó, số dư hiện vẫn còn ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn âm. Liên Bộ quyết định giữ nguyên mức trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu, giảm mức trích lập đối với mặt hàng dầu hỏa để ưu tiên việc giảm mạnh giá xăng dầu trong nước để hỗ trợ cho đời sống và sản xuất của người dân và doanh nghiệp sau dịch bệnh Covid-19.

Vì sao giá xăng không giảm xuống 4.550 đồng/lít ngày 21/7? Ảnh minh họa

Ngoài ra, việc trích lập xăng dầu, liên Bộ việc này để bảo đảm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý...

Liên quan đến Quỹ BOG, trước đó, nhiều lần Hiệp hội Xăng dầu VN cũng kiến nghị bỏ Quỹ BOG để hoạt động theo cơ chế thị trường. Báo Thanh Niên trích dẫn lời nói của PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân: "Mục tiêu của quỹ, như tên của chính nó là “bình ổn”, hay làm giảm sự truyền tải biến động của giá thế giới vào giá trong nước. Các mục tiêu khác, nếu có, chỉ là phụ. Thế nhưng, trong thời gian qua, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ với xăng dầu là khá nhỏ. Có nghĩa là chức năng “bình ổn” giá khá mờ nhạt. Càng duy trì, càng âm và phải bù miệt mài khi nền kinh tế cần có tác động lớn để giảm lạm phát bởi giá xăng tăng”.

Đồng quan điểm với PGS-TS Phạm Thế Anh, trao đổi với Tri thức trực tuyến, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng quỹ bình ổn giá xăng được xây dựng và đã có nhiều giai đoạn phát huy hiệu quả tích cực là giúp bình ổn giá mặt hàng này, nhất là trong thời điểm Việt Nam chưa hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới.

Thế nhưng, đến nay nước ta đã ký nhiều hiệp định thương mại và hội nhập sâu rộng vào các nền kinh tế thế giới. Đồng thời, giá xăng dầu thế giới cũng đang diễn biến thất thường mà quỹ bình ổn khó có thể điều hành kịp được trong bối cảnh giá biến động mạnh như thời gian qua. Đồng thời ông cũng cho biết chính sự can thiệp này nó làm mất đi tính hiệu quả của quỹ bình ổn và dẫn đến tình trạng trục lợi như buôn lậu, găm hàng chờ tăng giá...

Vì vậy, TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất nên để giá xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và để các chủ thể tự tính toán, tự chịu những rủi ro nhất định với giá thị trường bất luận là sử dụng xăng dầu vào mục đích gì để tạo sự bình đẳng, tự chủ cho các thành phần kinh tế.