Âm nhạc không còn là cuộc chơi của riêng nghệ sĩ
Không còn là những sân khấu quy mô nhỏ phục vụ khán giả nội địa, thị trường âm nhạc Việt Nam đang chứng kiến một bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều nhà sản xuất (NSX) âm nhạc Việt đã bắt đầu hành động sau khi nhìn thấy dòng người đổ về Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore hay Nhật Bản để tham dự các concert quốc tế. Xu hướng "đu idol" này không chỉ mang về hàng tỷ USD cho các quốc gia đăng cai mà còn vô tình khiến Việt Nam thất thoát một lượng lớn nguồn thu tiềm năng từ du lịch, giải trí, thương mại và dịch vụ.
Chứng kiến những “cơn sốt vé” liên tiếp của các show quốc tế như BlackPink tại Hà Nội (2023), Taylor Swift ở Mỹ, hay thậm chí là làn sóng Hallyu mang lại hàng chục tỷ USD cho Hàn Quốc, các NSX âm nhạc Việt đã không đứng ngoài cuộc. Từ sự kiện "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" của YeaH1 cho đến các chuỗi concert tại TP.HCM, Hà Nội... thị trường âm nhạc nội địa đang tạo nên làn sóng mới: Biến âm nhạc thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp với du lịch và dịch vụ.
“Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” – Bước đi bản lĩnh của sản xuất âm nhạc Việt
Concert "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" không chỉ là một đêm nhạc giải trí đơn thuần, mà là một sản phẩm giải trí tổng hợp, được đầu tư bài bản về sân khấu, công nghệ ánh sáng, hiệu ứng và chất lượng nghệ thuật. Hàng chục ngàn khán giả đã đổ về hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội để tham dự các đêm nhạc, tạo nên "hiện tượng" chưa từng có với lượng thảo luận lên tới hàng triệu lượt và hơn 12 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội. Chương trình liên tục dẫn đầu top rating truyền hình VTV3 điều mà trước đây hiếm có chương trình âm nhạc nội địa làm được.

Không chỉ dừng ở đó, sức lan tỏa của chương trình còn vượt ra khỏi biên giới. Gần 500 thành viên của cộng đồng fan quốc tế ( xưng là "gai con") từ hơn 30 quốc gia đã bay về Việt Nam để tham dự concert. Đặc biệt, một fan nữ người Hàn Quốc gây chú ý khi tự tay quay vlog về concert để chia sẻ lên YouTube và TikTok, khiến cộng đồng mạng quốc tế thích thú. Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh fan Việt bay đi "đu idol", giờ đây Việt Nam trở thành điểm đến âm nhạc được săn đón.
Du lịch âm nhạc: Cơ hội vàng cho kinh tế địa phương
Hiệu ứng của các concert lớn không chỉ dừng lại ở vé bán ra hay sản phẩm phụ trợ, mà còn tạo động lực cho cả ngành du lịch và dịch vụ. Theo báo cáo từ Techcombank nhà tài trợ Kim Cương sau chuỗi concert của “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”, các khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ vận chuyển, ăn uống xung quanh khu vực tổ chức đều cháy phòng, giá tăng cao gấp 2–3 lần so với bình thường.
Ngay sau khi concert "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" gây tiếng vang lớn, tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng cách tổ chức hội thảo chuyên đề “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh”. Sự kiện là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp cùng ngồi lại, bàn về chiến lược phát triển du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, âm nhạc và điện ảnh.

Tại đây, bà Ngô Thị Vân Hạnh, CEO của YeaH1 đơn vị sản xuất nhiều chương trình âm nhạc đình đám đã bày tỏ sự quan tâm tới Ninh Bình. Bà chia sẻ rằng YeaH1 từng tính toán phương án mang concert "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" về vùng đất này bởi tiềm năng không gian tổ chức rộng rãi và các dịch vụ hỗ trợ cho du khách.
Câu chuyện đó để lại một câu hỏi còn bỏ ngỏ: liệu Ninh Bình có thể trở thành điểm đến tiếp theo cho các đại nhạc hội quy mô? Nếu điều đó thành hiện thực, đây sẽ là cú hích quan trọng cho cả ngành du lịch và văn hóa địa phương.
Sự phát triển sôi động của thị trường âm nhạc trong nước đang tạo ra cơ hội lớn để kết nối với du lịch và dịch vụ. Tuy nhiên, để biến âm nhạc thành sức mạnh mềm, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, vẫn cần những chiến lược lâu dài và sự đồng hành chặt chẽ từ cả cơ quan quản lý lẫn các nhà sản xuất, đơn vị tổ chức sự kiện.
Khi âm nhạc chuyển mình thành một cỗ máy kinh tế mới.
Năm 2023, sự kiện BlackPink tổ chức concert tại Hà Nội là một minh chứng điển hình. Chỉ sau hai đêm diễn, doanh thu từ du lịch đã vượt mốc 600 tỷ đồng, thu hút gần 170.000 lượt khách, bao gồm hàng ngàn khán giả quốc tế. Vé máy bay tới Hà Nội trong dịp này tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Đáng chú ý, không chỉ du khách trong nước mà khán giả từ khắp châu Á cũng đổ về, tạo ra một cú hích chưa từng có cho ngành du lịch và dịch vụ của thủ đô.
Ở tầm quốc tế, Taylor Swift với The Eras Tour (2023–2024) đã tạo ra hiệu ứng kinh tế trị giá 5 tỷ USD, đóng góp 4,3 tỷ USD vào GDP Mỹ. Riêng ngành khách sạn tại các bang diễn ra concert đã thu về 208 triệu USD. Hàng không cũng chứng kiến sự bùng nổ khi Air New Zealand phải tăng thêm 14 chuyến bay tới Australia và mở bán thêm 2.000 ghế ngồi để phục vụ fan. Tác động này lan rộng tới ngành du lịch, khi doanh thu khách sạn toàn nước Mỹ tăng khoảng 4% so với mức trung bình và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Không thể không nhắc tới Hallyu Làn sóng văn hóa Hàn Quốc, khi dự kiến đến năm 2029 sẽ đóng góp khoảng 12,3 tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp nội dung Hàn Quốc đạt 14,16 tỷ USD, tăng 5,1% so với 2022. Những sản phẩm liên quan đến Hallyu như K-pop, K-drama, K-movies, K-Beauty, K-Fashion, K-Food đều có mức tăng trưởng vượt trội, gấp đôi so với sản phẩm không liên quan. Ngay trong năm 2019, trước đại dịch, Hàn Quốc đã đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, trong đó gần 32% đến vì sức hút của Hallyu.
Tất cả những con số trên cho thấy âm nhạc không còn là một sản phẩm tiêu dùng đơn thuần, mà là trải nghiệm đa chiều, mở ra chuỗi giá trị khổng lồ cho các ngành kề cận như du lịch, hàng không, bán lẻ, tài chính, truyền thông, F&B. Các quốc gia nếu biết nắm bắt và đầu tư đúng cách vào công nghiệp âm nhạc sẽ có cơ hội nâng tầm vị thế kinh tế và văn hóa trên bản đồ thế giới.
Duyên