Trồng 1 chậu bạc hà rất dễ dàng, không những nhìn đẹp, thơm mát, mà còn tha hồ ăn

Bạc hà là một loại cây đặc biệt dễ trồng. Trong sân nhỏ ở quê gần như nhà nào cũng có. Bạn có thể trồng ở đất hoặc trồng thủy canh đều tốt, chăm sóc cũng hết sức đơn giản mà cây vẫn phát triển tốt.

1. Cách trồng bạc hà trong đất

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây bạc hà.

Lưu ý: Dưới đáy khay/chậu có lỗ để thoát nước.

Chậu nên có lỗ thoát nước

Chậu nên có lỗ thoát nước

Đất trồng

Bạc hà có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất thịt, đất cát, đất xám… Tuy nhiên, cây sẽ phát triển tốt nếu không bị nhiễm phèn hoặc mặn, thoát nước tốt.

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Giống

Hiện nay, trên thị trường có nhiều giống cây bạc hà như bạc hà Pháp, bạc hà chanh, bạc hà Âu… Bạn có thể chọn giống tùy thuộc vào sở thích và điều kiện.

Bạc hà thường được trồng bằng thân hoặc cành. Cành và thân được cắt thành từng đoạn dài từ 10 - 15cm, phải có từ 3 - 4 mắt.

Trồng cây

Đất sau khi làm kỹ, lên luống và bón phân lót, rạch từng hàng cách nhau 20cm, sâu 10cm.

Đặt nghiêng đoạn hom xuống rãnh cách nhau 20cm, lấp đất kín 2/3 hom, nén nhẹ để hom tiếp xúc với độ ẩm của đất thuận lợi chp nảy mầm.

Sau khi trồng, hàng ngày tưới ẩm theo hàng. Sau 5 - 7 ngày đoạn thân mọc thành cây lên khỏi mặt đất.

Chăm sóc bạc hà rất dễ chỉ cần đủ ẩm là cây phát triển

Chăm sóc bạc hà rất dễ chỉ cần đủ ẩm là cây phát triển

Chăm sóc

Khi trồng bạc hà được khoảng 15 - 20 ngày, tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… Cứ khoảng 20 - 30 bón 1 lần cho cây.

Ở giai đoạn cây chưa bò lan ra thì dùng cuốc xới phá váng đất. Nhưng sau khi cây bò rộng ra và thân rễ đã phát triển mạnh thì nhổ cỏ bằng tay và xáo xới ở chỗ đất hở và má luống.

Bạc hà gặp hạn thì khô cằn, nếu thiếu nước nghiêm trọng thì lá sẽ rụng trụi. Vậy cần phải tưới nước kịp thời.

Khi đất quá khô thì nên tưới nước qua các rãnh để ngấm sâu vào thân rễ, hoặc bơm tháo nước vào qua một đêm, hôm sau tháo kiệt. Ngoài ra thường xuyên nhổ cỏ sạch sẽ, ngắt bỏ thu gom các lá gốc già úa.

Nếu gặp mưa to cần tháo nước nhanh chóng cho khỏi thối lá.

Thu hoạch

Sau khi trồng khoảng 4 - 5 tháng, khi thấy khối lượng thân lá cao nhất, hoa nở rộ thì thu hoạch. Sau khoảng 2 tháng thân cành phát triển mạnh, có thể thu hoạch được lần thứ 2; lần thứ 3 thường thu hoạch sau đấy 3 tháng.

Chọn ngày nắng ráo, vào buổi sáng lúc đã ráo sương, dùng dao sắc cắt phần thân cành có lá, để từng nắm nhỏ nơi râm mát.

2. Trồng bạc hà thuỷ canh trong nước

Cắt vài thân cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại. Dùng nước rửa sạch sau đó đặt vào trong một bình nước, cho đến khi đạt tới độ cao phù hợp (ít nhất cũng cao hơn tất cả các đốt bị cắt lá).

Cuối cùng, đặt ở môi trường sáng, chú ý không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Nước tốt nhất nên là nước tự nhiên để 2 ngày trở lên.

Bạc hà trồng thủy canh cũng rất đơn giản

Bạc hà trồng thủy canh cũng rất đơn giản

Trong một tuần khi nuôi bằng nước, sẽ có hiện tượng lá khô héo, có thể tạm thời di chuyển tới nơi râm mát, thông gió, tưới cho lá ít nước. Thông thường sau 2 ngày, hiện tượng này sẽ biến mất. Cành cây sau 2-3 ngày có thể tự sinh ra những chiếc rễ trắng xinh xắn.

Theo kinh nghiệm của những người trồng bạc hà theo phương pháp thủy sinh, ánh sáng càng nhiều, nhiệt độ càng cao, thì rễ mọc càng nhanh.

Trong thời gian trồng bằng nước, có thể cho một ít chất dinh dưỡng vào trong nước, để cây có thể sinh trưởng tốt. Lá ở gần phần dưới rất dễ khô héo và rụng, nên loại bỏ kịp thời. Nếu như chất lượng nước xấu đi, cũng nên thay nước kịp thời.