Thực hư thông tin thi trắc nghiệm môn Ngữ văn

Liên quan đến thông tin môn Ngữ văn thi tự luận kết hợp với trắc nghiệm từ năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng phủ nhận.

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin từ năm học 2022-2023 học sinh sẽ bắt đầu kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn bằng hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan khiến nhiều người xôn xao. Đáng nói là thông tin này gây xôn xao khi tiết lộ điểm đánh giá ở phần làm văn sẽ giảm thấp còn tăng số điểm ở phần đọc hiểu.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định rằng thông tin môn Ngữ văn sẽ kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm là không chính xác.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, cơ quan này chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào có nội dung từ năm học tới sẽ kiểm tra, đánh giá bằng kết hợp cả hai hình thức gồm tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan đối với môn học này.

Thực hư thông tin thi trắc nghiệm môn Ngữ văn Bộ GD-ĐT đã lên tiếng phủ nhận thông tin môn Ngữ văn thi tự luận kết hợp với trắc nghiệm. Ảnh NLD

Trước đó, hồi tháng 7, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông để tránh tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, Vietnamnet đưa tin.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên Ngữ văn dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.

Suốt quá trình dạy học, các giáo viên cần phải giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với năng lực của học sinh; các yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành; chú trọng kiểm tra, đánh giá hỗ trợ động viên để thực hiện nhiệm vụ học tập. 

Giáo viên có thể đưa ra thêm những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế những suy nghĩ của học; tránh đọc chép, yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức theo một cách máy móc. 

Đối với việc dạy viết, chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo và có sức thuyết phục. 

Bộ GD&ĐT yêu cầu đảm bảo nguyên tắc phát huy những mặt tích cực của cá tính, tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. 

Bên cạnh đó, tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu; tạo cơ hội để học sinh tìm hiểu tri thức, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động vốn sống vào quá trình, đọc, viết, nghe, nói. 

Về công tác đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp, tránh dùng các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu để kiểm tra đọc hiểu và viết đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hay sao chép nội dung có sẵn. 

Bên cạnh đó, khuyến khích xây dựng và sử dụng các đề thi mở trong kiểm tra, đánh giá. Mục đích phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.