Tờ VOV thông tin, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10/8 tại các địa phương (trừ TP Đà Nẵng và một số huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam). Đến thời điểm này, cùng với hoàn thành chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ làm công tác thi, các địa phương đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn.
Tại thành phố Hà Nội, mỗi điểm thi đều bố trí 2 phòng thi dự phòng để cách ly cán bộ, giáo viên, thí sinh có biểu hiện nhiễm bệnh như ho, sốt, khó thở… trong quá trình thi. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường từ 5-7 cán bộ coi thi cho mỗi điểm thi để bổ sung, thay thế trong trường hợp cần thiết, đồng thời có phương án bố trí xe y tế vận chuyển giáo viên, học sinh từ điểm thi đến khu vực cách ly nếu quá trình dự thi xác định giáo viên, học sinh là đối tượng F1.
Tại tỉnh Hà Nam, 23 điểm thi trên địa bàn tỉnh đã bố trí camera an ninh trong phòng bảo quản đề thi, bài thi. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam trích ngân sách cấp bổ sung kinh phí 2 tỷ đồng để hỗ trợ tổ chức kỳ thi, trong đó dành gần 600 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hiện 23 điểm thi và các khu vực liên quan như in sao đề thi, làm phách, chấm thi đã được lực lượng chức năng phun thuốc tiêu độc khử trùng.
Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường THPT B Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết: "Hiện tại nhà trường đã chuẩn bị số lượng khẩu trang, nước sát khuẩn và tới đây thì sẽ vệ sinh, phun khử khuẩn các phòng thi và đảm bảo trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020".
Sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 tại huyện Sơn Động, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai phòng dịch và tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng. Trong ngày diễn ra kỳ thi, cán bộ y tế tại điểm thi phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt, thí sinh phải đeo khẩu trang với mục tiêu để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Đối với ngành thông tin và truyền thông, Công an tỉnh không được để xảy ra tình trạng tin giả, tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Còn tỉnh Bắc Ninh có hơn 14.600 thí sinh dự thi tại 25 điểm thi, với hơn 630 phòng thi. Do thí sinh đông nên ngoài giáo viên bậc trung học phổ thông, ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh huy động 300 giáo viên khối trung học cơ sở tham gia coi thi. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị an ninh, phòng chống dịch bệnh cũng được các điểm thi trang bị đầy đủ theo hướng dẫn.
Các địa phương sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Tại tỉnh Hà Giang hiện có 29 điểm thi đã được trang bị đầy đủ các điều kiện phòng chống dịch. Năm nay các trường cũng phối hợp với phụ huynh bố trí cho các thí sinh nhà ở xa điểm thi di chuyển đến ở trọ tại các nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn gần điểm thi để đảm bảo an toàn và đề phòng tình huống mưa lũ. Do gần 70% thí sinh của tỉnh phải thuê trọ trong thời gian diễn ra kỳ thi nên các nhà trường đã chủ động trao đổi với các chủ nhà trọ, khách sạn, nhà nghỉ để đảm bảo an toàn, an ninh trong khu vực.
Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, các giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm quản lý, giữ thông tin liên lạc của học sinh và phụ huynh.
Ban chỉ đạo tỉnh cũng đã thống nhất chỉ đạo toàn tỉnh thực hiện việc phun trùng, khử độc cho tất cả các điểm thi vào ngày 6/8/2020 trên địa bàn tỉnh. Tất cả các điểm thi phải được chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và máy đo thân nhiệt để có thể đáp ứng cho việc thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh trước khi tham gia vào mỗi buổi thi theo quy định.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để hỗ trợ các địa phương triển khai phương án thi phù hợp, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.
Theo tờ VnExpress, tại TP. HCM, trả lời trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19, ông Lê Hồng Sơn (Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP HCM) cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, Phòng giáo dục quận, huyện rà soát và lập danh sách các thí sinh, cán bộ, giáo viên thuộc diện F0-F2.
Đây là những người chưa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt một, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Danh sách sẽ hoàn thành trong ngày 5-8, được sắp xếp cho phù hợp ngay hôm sau.
"Phòng thi dự phòng, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay... đã được chuẩn bị đầy đủ ở từng điểm thi. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã sẵn sàng", ông Sơn nói.
Trả lời VnExpress về việc đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho thí sinh, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, ở mỗi điểm thi các em sẽ được đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi và đều có những khu vực dự phòng cho các trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe.
100% cán bộ coi thi được tập huấn kỹ công tác phòng chống dịch. Phương châm là ai làm nhiệm vụ gì phải hiểu nhiệm vụ đó, làm đúng các quy tắc, đảm bảo an toàn.
Tuần này, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tại TP HCM sẽ tập huấn cho trưởng các điểm thi. "Chúng tôi đã yêu cầu trưởng điểm thi hoặc hiệu trưởng trường điểm thi có báo cáo cụ thể với UBND quận, huyện cần bao nhiêu công an, lực lượng hỗ trợ để giải tỏa nhanh thí sinh sau giờ thi, tránh tụ tập đông người", ông Hiếu cho biết.
Từ nay đến trước ngày thi, tất cả thí sinh được lấy tờ khai y tế. Ngành giáo dục và y tế sẽ phối hợp để sàng lọc, phân loại thí sinh, có phương án sắp xếp chỗ thi đảm bảo an toàn.
Ban chỉ đạo kỳ thi ở TP HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế có chỉ đạo cụ thể các vấn đề có liên quan đến quy chế thi, tính bảo mật, an toàn của kỳ thi, xây dựng các phương án đề phòng các tình huống có thể xảy ra.
Thành phố cũng đề nghị Giáo dục và Đào tạo cho phép không tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi chung 10 bài thi theo quy chế, nên chia nhỏ theo các tổ để. Bởi nếu làm theo quy chế, thành phố sẽ phải tập trung cùng lúc hơn 600 nhân sự - không đảm bảo việc giãn cách phòng chống dịch.