'Ông chủ' công ty xây dựng không phép hơn 6.000 m2 tại An Lạc Green Symphony giàu cỡ nào?

Người đại diện theo pháp luật của công ty xây dựng "hầm chung cư" không phép tại dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (Hoài Đức, Hà Nội), không ai khác chính là doanh nhân Nguyễn Trọng Thông.

Như đã đưa tin, ngày 27/4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc (địa chỉ 62 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) về hành vi “tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng” tại ô đất có ký hiệu C1-CT (công trình chung cư cao tầng – PV) thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc (An Lạc Green Symphony - địa chỉ xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội).

Theo đó, với việc tổ chức thi công không phép phần hầm diện tích xây dựng 6.117 m2, chủ đầu tư bị xử phạt số tiền là 40 triệu đồng. Mức phạt này được dư luận cho rằng là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với chủ đầu tư. Có thể ví von, số tiền phạt 40 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc chỉ như... “nhà giàu đứt tay” mà thôi!. 

ong-chu-cong-ty-xay-dung-khong-phep-hon-6-000-m2-tai-an-lac-green-symphony-giau-co-nao-thanh-nien-1620704585.jpg
Công trình chung cư cao tầng tại ô đất ký hiệu C1-CT được chủ đầu tư tổ chức thi công khi chưa có phép. Ảnh: Thanh Niên.

Qua tìm hiểu, được biết “ông chủ” Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc là một cái tên rất có “máu mặt” trên thương trường nói chung, cũng như lĩnh vực xây dựng, bất động sản nói riêng.

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc thành lập ngày 05/03/2002, Chủ tịch HĐTQ và người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Trọng Thông.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Trọng Thông chính là người sáng lập Tập đoàn Hà Đô và hiện vẫn đang là Chủ tịch HĐQT của một loạt các công ty liên quan như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (nhiệm kỳ 2019 - 2024), Công ty Cổ phần Hà Đô 1; Công ty Cổ phần Hà Đô 2, Công ty Cổ phần Hà Đô 3 và Công ty cổ phần Hà Đô 4.

Được biết, ông Nguyễn Trọng Thông sinh ngày 12/12/1953, trong một gia đình trí thức tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Ngành kỹ sư xây dựng trường Đại học xây dựng năm 1979, sau đó lên đường nhập ngũ. Trong giai đoạn 1979 đến 1989, ông Thông trở thành sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban doanh trại – Viện Kỹ thuật Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng.

Theo chủ phát huy tiềm năng của người lính trong thời bình, năm 1990 ông Thông đề xuất với Bộ Quốc phòng thành lập xí nghiệp Xây dựng trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự. Hai năm sau, xí nghiệp Xây dựng được chuyển sang đơn vị hạch toán độc lập và đổi tên thành Công ty Xây dựng Hà Đô. Năm 1996, Công ty Xây dựng Hà Đô đã sáp nhập với công ty thiết bị cơ điện và đổi tên thành Công ty Hà Đô. Đến năm 2004, Công ty Hà Đô cổ phần hóa và chuyển thành Công ty Cổ phần Hà Đô. 6 năm sau, Công ty Cổ phần Hà Đô chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô và niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM với mã HDG.

Không thể phủ nhận, dưới sự lèo lái của “thuyền trưởng” Nguyễn Trọng Thông, Hà Đô hiện nay đã trở thành tập đoàn lớn mạnh với một hệ thống các công ty con và công ty liên kết hoạt động đa lĩnh vực từ đầu tư, năng lượng, bất động sản cho tới thương mại và dịch vụ.

ong-chu-cong-ty-xay-dung-khong-phep-hon-6-000-m2-tai-an-lac-green-symphony-giau-co-nao1-1620704585.jpg
Chân dung "ông chủ" công ty xây dựng không phép hơn 6.000 m2 tại An Lạc Green Symphony.

Nhắc đến Hà Đô, là phải nhắc đến hàng loạt các dự án thủy điện nghìn tỷ tại Nghệ An, Quảng Nam như Thủy điện Nhạn Hạc (tổng mức đầu tư 1.881 tỷ đồng), Thủy điện Nậm Pông (tổng mức đầu tư 796 tỷ đồng), Thủy điện Sông Tranh 4 (tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng), Thủy điện Za Hưng (tổng mức đầu tư 503 tỷ đồng) và Thủy điện Đăk Mi 2 (tổng mức đầu tư 4.700 tỷ đồng).

Tập đoàn Hà Đô cũng từng bước ghi dấu ấn vào thị trường bất động sản cùng các dự án lớn như Tiểu khu đô thị Nam La Khê, Hà Đông, Hà Nội (diện tích xây dựng 5.250 m2, tổng mức đầu tư 251 tỷ, tổng số vốn 3.347 tỷ đồng); chung cư Phùng Khoang (quy mô 17.200 m2, tổng đầu tư 235 tỷ đồng), chung cư 38 Hoàng Ngân, Hà Nội (quy mô 4.000 m2); Hado Centrosa Garden tại quận 10, TP.HCM (tổng diện tích 68.513,7 m2, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng), Hado Green Lane tại quận 8, TP.HCM (tổng diện tích 23.237,1 m2), Hado Charm Villas tại Hoài Đức, Hà Nội (tổng diện tích 30 ha), Alila Bảo Đại The Imperial House tại Nha Trang, Khánh Hòa (quy mô 8,9 ha), Nongtha Central Park tại trung tâm thủ đô Viêng Chăn (Lào) (diện tích 75 ha); Hado Dragon City tại huyện Hoài Đức, Hà Nội; khu đô thị mới Dịch Vọng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội; Ibis Saigon Airport tại quận Tân Bình, TP HCM (mức đầu tư hơn 550 tỷ đồng, tổng diện tích gần 3.500 m2)...

Còn về phần ông Nguyễn Trọng Thông, tính đến ngày 10/5/2021, vị cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hà Đô là người giàu thứ 70 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Khối tài sản của ông là hơn 1.672 tỷ đồng do đang sở hữu 41.590.838 cổ phiếu HDG.

Ông Nguyễn Trọng Thông cũng đã là Đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam. Vị chủ tịch Tập đoàn Hà Đô đã được nhân Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và nhiều bằng khen, danh hiệu.