Nóng: Tìm các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân tử vong do bạch hầu

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong

Sáng 8/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông báo về trường hợp một bệnh nhân 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu. Bệnh nhân là em P. T. C., trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.

Ngày 24/6, bệnh nhân C. có triệu chứng sốt, ho, đau họng và đã tự mua thuốc điều trị (cả thuốc tây và thuốc nam) nhưng không khỏi. Đến đêm 30/6, bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn với tình trạng mệt mỏi, da niêm mạc kém hồng, sốt 37,8°C, ho, đau họng, khàn tiếng, sưng vùng cổ phải, nuốt đau, nổi hạch góc hàm hai bên, amydal to có dịch mủ, có giả mạc trắng bám amydal và lưỡi gà, dễ bóc tách. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh bạch hầu.

Sáng 8/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông báo về trường hợp một bệnh nhân 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu (Ảnh minh họa)

Sáng 8/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông báo về trường hợp một bệnh nhân 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu (Ảnh minh họa)

Ngày 3/7, bệnh nhân sốt 39°C, ho, đau rát họng nhiều, khàn tiếng, nói khó, nuốt đau, ăn uống kém, sưng hạch góc hàm hai bên, sưng đau vùng cổ phải, không khó thở, không nôn, mạch 85 lần/phút, huyết áp 110/60 mmHg. Niêm mạc họng loét đỏ, sưng nề, nhiều tổ chức loét thâm, hoại tử, amydal to có giả mạc trắng bám amydal và lưỡi gà, dễ chảy máu.

Ngày 4/7, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: theo dõi sốc nhiễm khuẩn (R 57.2), bạch hầu (A36) biến chứng viêm cơ tim (I40); theo dõi đợt cấp suy thận mạn (N18); rối loạn đông máu (D68); giảm tiểu cầu (D69.6).

Lúc 23 giờ 50’ ngày 4/7, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà với chẩn đoán lúc xuất viện: theo dõi bạch hầu ác tính (A36), biến chứng viêm cơ tim (I40), suy đa tạng (T94.0). Đến 4 giờ 00’ ngày 05/7, bệnh nhân C. tử vong trên đường về nhà.

Ngay sau khi nhận thông tin từ Bệnh viện HNĐK Nghệ An về trường hợp mắc bệnh bạch hầu, CDC Nghệ An đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chẩn đoán. Đồng thời, đội phản ứng nhanh đã đến địa phương để điều tra, giám sát và hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh bạch hầu.

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định có 119 người tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến khi tử vong.

Ngày 5/7, CDC Nghệ An nhận được thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với vi khuẩn C.diphtheria (bạch hầu).

Bệnh bạch hầu là gì, có nguy hiểm không?

Bệnh bạch hầu (tên tiếng Anh là Diphtheria) là bệnh nhiễm trùng cấp tính xuất hiện giả mạc dày, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh, bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da và các màng niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục,…).

 Vi khuẩn bạch hầu trú ngụ ở các giả mạc và tiết ra ngoại độc tố, khiến người bệnh bị suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màn khẩu cái làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể rơi vào hôn mê và tử vong. Một số trường hợp có thể gây biến chứng viêm cơ tim hoặc viêm dây thần kinh ngoại biên.

Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan qua đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho... Giọt bắn chứa vi khuẩn hòa vào không khí và người khỏe mạnh hít phải sẽ mắc bệnh nếu không có miễn dịch. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn chứa vi khuẩn. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 – 5 ngày hoặc hơn.

Hippocrates – ông tổ của ngành y học phương Tây – đã miêu tả bệnh bạch hầu lần đầu tiên vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Một số tài liệu cũng nhắc đến sự hoành hành của bệnh bạch hầu ở Ai Cập cổ đại và Syria. Vi khuẩn gây bệnh được tìm ra vào khoảng năm 1883-1884 và kháng độc tố được nghiên cứu thành công vào cuối thế kỷ XIX.

Ở Việt Nam, nhờ thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin bạch hầu cho trẻ em trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi, người bị rối loạn miễn dịch, sống trong môi trường đông đúc, chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đều là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu.