Những trường hợp con ruột cũng không được thừa kế từ cha mẹ mà ai cũng cần biết

Thông thường con cái thuộc hàng thứ nhất được thừa kế di sản cha mẹ để lại nhưng có những trường hợp sau con cái cũng không được thừa hưởng tài sản từ cha mẹ.

Theo quy định Điều 651 Bộ luật Dân sự về hàng thừa kế thì: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Thế nhưng không phải mọi trường hợp con ruột đều có quyền hưởng thừa kế. 

Các trường hợp con ruột nhưng không được hưởng thừa kế từ cha mẹ"

Con không còn sống hoặc chưa thành thai

Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Theo đó thì con ruột nhưng lại đã qua đời khi mở thừa kế hoặc là con ruột nhưng trong tương lai (chưa thành thai ở thời điểm thừa kế, ví như còn đang là phôi trữ đông...) thì sẽ không được hưởng thừa kế.  

Nhiều trường hợp con ruột nhưng không có quyền được thừa kế

Nhiều trường hợp con ruột nhưng không có quyền được thừa kế

Con bị kết án về hành vi vi phạm quyền của cha mẹ

Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Những trường hợp con cái như trên và đã có kết luận thì nếu cha mẹ không để lại di chúc, những người con khác có thể khởi kiện khiến những người con đã vi phạm điều trên không được thừa kế. Còn trong trường hợp nếu cha mẹ để lại di chúc hợp pháp và trong di chúc vẫn đồng ý chia thừa kế cho những người con mắc lỗi trên thì họ vẫn có quyền hưởng thừa kế theo di chúc. 

Con trưởng thành mà không có tên trong di chúc thừa kế

Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Tuy nhiên một số trường hợp người đã chết viết di chúc và không nhắc tới một số người thì pháp luật vẫn bảo vệ quyền thừa kế của họ. Điều đó gọi là thừa kế không phụ thuộc di chúc bao gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. Những trường hợp này được hưởng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Quy định trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật dân sự 2015.

Do đó nếu cha mẹ để lại di chúc mà không nhắc tới việc cho người con đã thành niên có khả năng lao động nào đó thừa kế, thì họ sẽ không được hưởng thừa kế bất kỳ tài sản nào (bao gồm cả nhà, đất) theo nội dung di chúc.

Con bị truất quyền thừa kế

Tại khoản 1 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định, người lập di chúc có quyền sau: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Như vậy nếu người con đủ điều kiện hưởng thừa kế nhưng cha mẹ lại truất quyền thừa kế ngay trong di chúc thì người thừa kế sẽ không được thừa kế di sản. Do đó, con bị cha, mẹ truất quyền hưởng di sản sẽ không được quyền hưởng thừa kế nhà, đất từ cha, mẹ.