Những người không nên ăn cà muối

Cà muối là món ăn được nhiều người yêu thích, tuy nhiên không phải ai cũng thích hợp để ăn.

Vào những ngày hè nắng nóng, mâm cơm của người Việt thường không thể thiếu bát canh cua, đĩa cà muối. Cà muối ăn rất ngon miệng, cũng chứa những thành phần dinh dưỡng, tuy nhiên không phải ai cũng thích hợp để ăn.

Những người không nên ăn cà muối
Những người không nên ăn cà muối

Người bị cao huyết áp

Cà muối thường chứa lượng muối (natri) khá cao, nhất là những loại cà muối nén thì cực kỳ mặn. Việc ăn nhiều muối sẽ làm tăng áp lực lên thành mạch máu, khiến huyết áp tăng cao đột biến. Với những người bị huyết áp cao, việc tiêu thụ cà muối thường xuyên sẽ khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn, làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não.

Vì thế người cao huyết áp tốt nhất nên loại bỏ hoàn toàn món ăn này khỏi thực đơn của mình.

Người mắc bệnh thận

Cà muối cũng là món đại kị với người bị suy thận hay các bệnh về thận khác. Chức năng chính của thận là lọc máu và đào thải các chất cặn bã, trong đó có natri. Nếu cơ thể tiêu thụ quá nhiều cà muối, lượng muối vào cơ thể vượt ngưỡng lọc của thận, gây áp lực lớn và khiến bệnh thận tiến triển xấu đi. Muối tích  trong cơ thể cũng khiến người bệnh bị phù nề, mệt mỏi, thậm chí suy thận nặng hơn.

Người bị bệnh dạ dày

Cà muối là món ăn rất hại với người dạ dày, trào ngược, bởi món ăn này thường có vị chua do quá trình lên men. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cà muối chưa lên men đủ có thể chứa nitrit – một chất có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Với người có bệnh lý như viêm loét dạ dày, trào ngược axit, ăn cà muối có thể làm tăng axit và gây đau đớn, đầy bụng, khó tiêu.

Chưa kể, cà muối ‘chưa chín’, không được muối đủ thời gian có thể chứa vi khuẩn hoặc nấm mốc gây hại cho đường ruột.

Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai cần được cung cấp một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, lành mạnh và an toàn. Cà muối tuy ngon miệng nhưng lại không đem lại giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời chứa nhiều muối và có nguy cơ nhiễm vi sinh vật nếu không được chế biến đúng cách. Ăn nhiều cà muối có thể khiến thai phụ bị tăng huyết áp, phù nề, rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm. Chưa kể, một số phụ nữ ăn cơm với cà muối sẽ bon miệng ăn rất nhiều, làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ do nạp quá nhiều tinh bột.

Trẻ nhỏ

Đối với trẻ nhỏ cà muối cũng không phải lựa chọn tốt. Hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, còn non yếu nên rất dễ bị tổn thương bởi các loại thực phẩm lên men. Cà muối thường rất mặn và có thể chứa nitrit – một chất không an toàn với trẻ nhỏ. Ngoài ra, món ăn này không phù hợp với khẩu vị và nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

Người bị bệnh tim mạch

Người tim mạch cũng đại kỵ với muối. Nếu không kiểm soát được muối, ăn nhiều cà muối mặn sẽ làm bệnh tình xấu đi. Ăn nhiều cà muối sẽ khiến cơ thể giữ nước, làm tăng gánh nặng lên tim, gây ra tình trạng mệt mỏi, khó thở, loạn nhịp tim, thậm chí suy tim.

Người đang bị ngộ độc hoặc có vấn đề về tiêu hóa

Cà muối chưa đủ độ có thể chứa vi khuẩn gây hại như E. coli, Salmonella hoặc nấm mốc sinh độc tố aflatoxin. Điều này sẽ khiến bạn bị nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy rất nguy hiểm.

Lưu ý khi ăn cà muối

Chỉ ăn cà đã muối kỹ (ít nhất 3–5 ngày).

Không ăn cà muối bị nhớt, có mùi lạ, bị mốc.

Không ăn quá thường xuyên – chỉ nên ăn 1–2 lần/tuần và với lượng nhỏ.

Nên tự muối tại nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.