
Con đường sìn lầy, những cánh đồng rộng cứ tưởng chừng viễn cảnh của một vùng quê, nhưng đó lại là hình ảnh tại phường Long Phước, TP. Thủ Đức, TP.HCM, Linh Chi tay cầm sách vở, đi qua con đường rồ rề sỏi đá, để sang nhà người thân hỏi mượn điện thoại vì sắp đến giờ vô lớp học trực tuyến.

“Mợ 4 ơi cho con mượn điện thoại con học nha” - Giọng hồn nhiên được thốt ra của cô bé Linh Chi vẫn chưa thể hiểu hết được khó khăn của cuộc sống, chỉ cần biết qua được ngày hôm nay là có thêm một cơ hội để tốt lên trong cuộc sống bằng con đường học vấn.

“8h bé qua bé mượn học đến 11h, ngày nào bé học là bé qua bé mượn, cũng không khó chịu gì, con cháu thì mình giúp đỡ cho nó thôi. Mẹ nó thì 2 đứa con, gia đình thì mẹ nó đi lụm ve chai bán kiếm sống thôi, kiếm tiền không có đủ khả năng lo cho 2 bé, cho nên cũng không có điện thoại, tụi này mới nói có cái điện thoại nên kêu bé qua cho bé mượn để bé học.” Bà Lê Thị Hoa – Mợ của em Trịnh Linh Chi tâm sự về đứa cháu tội nghiệp của mình.

Linh Chi hiện đang là học sinh lớp 4, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có khả năng sắm một chiếc điện thoại thông minh. Dù vậy, hơn 2 tháng qua từ khi nhập học đến giờ, Linh Chi chưa bỏ sót buổi học nào cùng các bạn.

Thực vậy, dịch bệnh và giãn cách khiến cho bao người lao động phải thất nghiệp, chưa kể là những người cơ cực như mẹ của cô bé Linh Chi, phải lụm nhặt kiếm sống bằng những cái ve chai, nhôm đồng phế liệu mỗi ngày, lo cho chính bản thân còn khó, huống hồ là lo cho một gia đình bé nhỏ, thì một chiếc smartphone dành cho con gái của mình làm phương tiện đến trường online có lẽ là một điều xa xỉ với người mẹ này.
Bé Linh chi hồn nhiên chia sẻ“Con mượn điện thoại mợ xong con học trong đây luôn, xong rồi chừng nào con đói bụng con về bển con ăn cơm. Con mượn điện thoại của mợ con học ở đây luôn tại nhà con không có mạng.”

Ngôi nhà lá nhỏ là nơi trú ngụ của 3 thế hệ, ông bà ngoại của Linh Chi đã ngoài 80 tuổi, ba em bỏ đi khi em còn nhỏ, tất cả gánh nặng đều đè lên đôi vai người mẹ với đôi mắt khiếm khuyết. Thu nhập từ nghề lượm ve chai quá ít ỏi làm cho người mẹ nghèo đau đáu về tương lai của con.
Chị Trịnh Thị Vũ - Mẹ bé Linh Chi“Ở nhà lo cơm nước cho ông bà, không làm được gì vì mắt bị tật mà. Mong cho nó có máy để học chứ ai đi mượn hoài.”

Vì có một hiện tại không tốt, nên chị Vũ cũng hiểu phần nào của việc học đối với đứa con gái của mình. Nên có lẽ, điều ước to lớn nhất của chị hiện tại chỉ là mong muốn cho con học hành thật tốt ở bất kỳ hoàn cảnh nào đặc biệt là trong thời gian giãn cách, đối với chị chỉ cần có một chiếc điện thoại có chức năng học online là đủ.
Còn với Liên Tâm, mẹ em là nhân viên y tế hợp đồng của trường học, mức lương thấp, đồng thời mẹ phải dùng điện thoại để xử lý công việc nên em đều nhờ vào chiếc điện thoại đời cũ của ông Ngoại.

“Ngày thường em hay nhà ông ngoại để mượn điện thoại để học, còn ông ngoại không có thì em không có gì để học hết. Ngồi trên bàn học đó không đủ mạng, nên em xuống đây em ngồi.” Em Lê Phạm Liên Tâm không giấu được nỗi buồn khi chia sẻ về cuộc sống của gia đình mình.
Có thể nói điện thoại thông minh là một vật thiết yếu đối với các em học sinh, nhưng có điện thoại thôi cũng chưa đủ, đôi lúc học nhờ bằng điện thoại cũng nhờ luôn phần kết nối internet.

Ông Trần Văn Viên – Ông Ngoại em Lê Phạm Liên Tâm cho biết “4g thì nó không có buộc lòng wifi bên đây xa phải kéo ra ngoài học vậy đó chứ không có được học trong phòng, nó cứ chập chờn chập chờn mất quài hà. Đang học vậy tự nhiên mất wifi thì thôi ngưng không học được.”

Trong khi đó em Đoàn Huỳnh Lê Nguyễn không đủ điều kiện để học trực tuyến cùng các bạn, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, mẹ em lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp nhiều tháng liền.

Chị Huỳnh Thị Thu Hằng – Mẹ của em Đoàn Huỳnh Lê Nguyễn“Các bạn thì học online qua máy tính bảng này kia, còn bé thì nhà không có máy tính bảng, không có điện thoại thông minh, cho nên học qua thầy giao bài, ví dụ thầy nhắn tin giao bài thì mẹ đọc xong thì mẹ hướng dẫn bé học một ngày 2 buổi.”

Bé Lê Nguyễn là trẻ tăng động, dù nhà đang gặp khó khăn, tuy nhiên cả cha và mẹ đều đang cố gắng đồng hành cùng với em khi học trực tuyến, qua những dòng tin nhắn trên chiếc điện thoại cũ, mẹ em sẽ giảng lại để bé không bỏ sót bài giảng của giáo viên.
Câu chuyện của các em đã lay động đến trái tim của rất nhiều người trong cộng đồng. Nhiều mạnh thường quân đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các chương trình thiện nguyện, ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chương trình Sóng và Máy tính cho em.

Việc học trực tuyến tại TP.HCM được dự tính sẽ còn kéo dài đến hết học kỳ 1. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh khó lường, việc học trực tuyến được xem là phương pháp tối ưu. Vì thế, việc trang bị công cụ học tập bằng những chiếc máy vi tính là đã góp phần bật nguồn tương lai cho các em.