Dân gian cho rằng trong tháng âm lịch có những ngày xấu gọi là ngày Tam Nương. Điều này gắn liền với những truyền thuyết dân gian. Đến nay nhiều người vẫn ghi chú ngày Tam Nương để tránh làm việc lớn nhưng còn nhiều chưa rõ ngày đó là ngày gì, vì sao lại kiêng kỵ.
1. Tam Nương là gì?
Trong quan niệm dân gian thì có nhiều giả thuyết lý giải về ngày Tam Nương. Chiết tự thì chữ Tam Nương nghĩa là 3 bà vương phi.
Theo truyền thuyết xuất xứ từ Trung quốc thì đó là ba người phụ nữ trong lịch sử Trung Hoa xưa bị cho là nguyên nhân làm sụp đổ các triều đại lớn: Muội Hỉ (thời Hạ), Đát Kỷ (thời Thương) và Bao Tự (thời Chu). Dân gian cho rằng sự mê muội vì sắc đẹp của các vua khiến đất nước rơi vào loạn lạc, suy vong. Ngày Tam Nương được xem là ngày họ nhập cung, báo hiệu nguy cơ tới.
Còn có thuyết từ Việt Nam cho rằng Tam Nương là 3 người con gái đẹp do Ngọc Hoàng gửi xuống trần gian để thử thách con người. Sắc đẹp của họ có thể mê hoặc dụ dỗ người trần, không vượt qua được cám dỗ có thể gặp xui xẻo vì bỏ bê công việc gia đình, sa ngã vào cờ bạc rượu chè...
Do đó theo lịch âm mỗi tháng có 6 ngày Tam Nương là mùng 3, mùng 7, 13, 18, 22 và 27 hàng tháng.

Tại sao người xưa sợ Tam Nương?
Người Á Đông theo thuyết âm dương thì những ngày này xảy ra sự kiện xung khắc âm dương. Ngày Tam Nương bị cho là ngày âm thịnh nên không tốt cho cuộc sống người trần, con người dễ u mê, không sáng suốt.
Hơn nữa kinh nghiệm dân gian thường đúc kết từ một số sự kiện trùng lặp. Sau đó sự kiện hiện tượng được truyền tai nhau dẫn tới lâu dần thành niềm tin và ăn sâu vào tiềm thức nhiều người.
Khoa học có cơ sở gì về ngày tam nương?
Mặc dù ngày Tam Nương chủ yếu là do niềm tin tâm linh nhưng ở góc độ khoa học có thể thấy những ngày này có liên quan tới sự di chuyển mặt trăng.
Theo đó những ngày Tam Nương trong tháng âm lịch là ngày mặt trăng di chuyển gần trái đất nên gây ảnh hưởng lên sự sống. Đó là những ngày mà người trái đất quan sát thấy mặt trăng thay đổi hình dạng rõ ràng và có thể gần hoặc xa hơn. Đó là những ngày năng lượng mặt trăng ảnh hưởng tới trái đất, liên quan tới sự dâng lên hạ xuống của dòng nước.

Ngày Tam Nương kiêng kỵ gì?
Dân gian thường nhắc nhở con cháu về việc kiêng kỵ ngày Tam Nương gồm:
- Cưới hỏi: Dễ xung khắc, không bền lâu, hôn nhân không may mắn
- Khởi công xây dựng: Bị cho là dễ gặp sự cố, không thuận lợi, có thể trục trặc về nhà ở, công trình
- Khai trương, mở hàng: Bán buôn không thuận, hao tài, ế khách
- Xuất hành đi xa: Dễ gặp tai nạn, trở ngại bất ngờ.
- Ký kết hợp đồng quan trọng: Dễ bị lật kèo hoặc không như ý, thua thiệt.
Dân gian nhiều nơi còn quan niệm những ngày Tam Nương thì không nên mua sắm, cắt tóc, không nên mua hàng giá trị lớn, không chuyển nhà.
Tuy nhiên một tháng mà có tới 6 ngày Tam Nương nên trong đời sống hiện đại những kiêng kỵ này đã được giảm dần và chỉ kiêng những việc lớn như cưới hỏi, khai trương, động thổ.
Trong các ngày Tam Nương thì dân gian thường nhắc nhiều nhất tới ngày 3, ngày 7 bởi con số 3 và 7 là những con số liên quan tới niềm tin về sự may rủi nhiều hơn nữa.
Mặc dù tới nay ngày Tam Nương vẫn chủ yếu là góc nhìn tâm linh phong thủy nên có người tin người không. Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy không yên tâm, tâm lý không vững, hoặc khi làm việc có liên quan tới người khác thì nên tránh những ngày này để tránh những tác động tâm lý tiêu cực. Trong tình huống không thể tránh hãy cố gắng chu đáo nhất chuẩn bị kỹ nhất cho công việc của mình.
Nỗi sợ ngày Tam Nương của người xưa phản ánh niềm tin của người xưa vào quy luật tâm linh, trời đất âm dương. Mặc dù ngày nay cuộc sống hiện đại hơn nhưng dân gian vẫn có câu nhắc nhau có kiêng có lành, bởi thế hãy nghĩ ngày Tam Nương là một lời nhắc nhở để chúng ta cẩn trọng hơn trong mọi việc, tỉnh táo và tu rèn bản thân, tránh gặp nguy cơ như những vị vua xa xưa mất nước chính là bởi sự u mê, ham chơi.