5 tuyệt chiêu giúp hoa hồng nở nhiều, lâu tàn

Khi trồng hoa hồng tại nhà, bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây để cây có thể ra nhiều hoa, tạo ra khung cảnh đẹp rực rỡ cho khu vườn của mình.

Hoa hồng là loại cây cảnh quen thuộc với mọi người. Giống cây cũng đa dạng, có nhiều lựa chọn tùy theo sở thích. Cây này có thể ra hoa quanh năm. Hoa hồng vừa có tác dụng trang trí cho căn nhà thêm sức sống, vừa có thể sử dụng làm trà, mứt, bánh, tốt cho sức khỏe. Khi trồng hoa hồng tại nhà, nhiều người gặp vấn đề cây ít ra hoa hoặc hoa không đẹp. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần chú ý tới một số mẹo nhỏ dưới đây.

Chọn giống hoa hồng phù hợp

Hoa hồng có nhiều giống khác nhau, từ các giống hồng nội trong nước cho đến các giống hoa nhập khẩu, cho ra hoa với màu sắc, hình dáng và hương thơm khác nhau. Tùy theo sở thích, bạn có thể lựa chọn giống hoa mà mình muốn. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ trước khi trồng vì mỗi giống lại có đặc điểm sinh trưởng khác nhau, khả năng ra hoa khác nhau. Ở Việt Nam, giống hoa hồng nội như hồng cổ Sapa hoặc giống hồng ngoại như Abraham Darby, Double Delight được ưa chuộng vì không khó trồng và hoa chơi được lâu.

Cây hoa hồng có thể trồng trực tiếp trong đất vườn hoặc trồng trong chậu. Dù trồng ở đâu, bạn cũng cần chú ý lựa chọn vị trí có thể đón nắng trực tiếp 6 tiếng/ngày. Cây hoa hồng vốn ưa nắng và cần có nắng để phát triển, ra hoa liên tục.

Khi trồng hoa hồng, bạn cần nắm chắc một số bí quyết để cây ra hoa liên tục, hoa nở đẹp và lâu tàn.
Khi trồng hoa hồng, bạn cần nắm chắc một số bí quyết để cây ra hoa liên tục, hoa nở đẹp và lâu tàn.

Đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng

Cây hoa hồng cần được trồng trong loại đất có độ tơi xốp cao, khả năng thoát nước tốt. Trước khi trồng, hãy trộn đất với xơ dừa, một ít trấu, phần chuồng hoai mục để tăng độ tơi xốp của đất, tăng dinh dưỡng cung cấp cho cây. Ngoài ra, để giữ cho đất luôn màu mỡ, bạn cũng nên bón phân hữu cơ định kỳ.

Cách tưới nước và bón phân

Cây hoa hồng cần được cung cấp đủ ẩm để phát triển. Bạn có thể tưới 1-2 lần/ngày và nên lựa chọn tưới vào buổi sáng hoặc chiều mát. Không tưới cây vào lúc nắng gắt khiến cây bị sốc nhiệt. Mỗi lần tưới chỉ dùng một lượng nước vừa phải để tránh làm cây bị úng.

Về bón phân, có thể dùng phân NPK (loại 20-20-15) hoặc phân dynamic pha loãng. Trong giai đoạn phát triển của cây, 10-15 ngày bón cho cây một lần. Khi cây sắp ra hoa, hãy sang phân kali hoặc nước gạo lên men (pha loãng với nước sạch theo tỷ lệ 1:10 với nước) để kích thích nụ to, hoa bền màu.

Cắt tỉa cây

Muốn cây hoa hồng khỏe mạnh, ra nhiều hoa, nhất định không thể thiếu bước cắt tỉa cành cho cây. Nên loại bỏ các cành già, cánh yếu, lá vàng, hoa tàn. Sau mỗi đợt cây ra hoa, nên làm việc này để chuẩn bị cho đợt hoa tiếp theo. Khi cắt, hãy dùng khéo sạch vắt cắt dứt khoát. Cắt chéo 45 độ ngay trên mắt lá khỏe, cách nụ khoảng 1cm. Sau khi cắt tỉa cành, để cây phục hồi nhanh, ra đợt hoa mới rực rỡ hơn hãy bón thêm phân.

Phòng ngừa sâu bệnh

Hoa hồng dễ bị sâu bệnh, nhất là rệp sáp và nấm phấn trắng. Để diệt trừ cũng như phòng ngừa sâu bệnh cho cây, bạn có thể sử dụng dung dịch tỏi ớt (tỏi giã nhỏ, ngâm với ớt và nước trong 24 giờ) để phun định kỳ lên toàn bộ cây. Dung dịch làm từ các nguyên liệu tự nhiên này có công dụng tốt trong việc đuổi rệp. Nếu cây bị nấm, hãy tìm mua loại thuốc trừ nấm cho cây ở các cửa hàng bán cây cảnh, vật tư cây trồng và làm theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. 

Trồng hoa hồng không khó. Bạn chỉ cần nắm được những yêu cầu cơ bản của cây và áp dụng đúng những mẹo đã nêu ở trên để cây luôn khỏe mạnh, ra nhiều hoa. Hãy lưu lại ngay những mẹo này để vận dụng vào việc trồng hoa hồng tại nhà mình nhé.