Theo nội dung trả lời từ phía VietCredit, ngày 14/05/2021, Công ty đã tiếp nhận phản ảnh của anh Trần Nhật Đức (thôn 7, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, Hà Nam) về việc không vay tại VietCredit nhưng có nợ xấu trên Cổng thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Sau khi kiểm tra và xác minh thông tin, VietCredit đã lập tức xóa thông tin khoản vay và hoàn thành việc điều chỉnh thông tin tín dụng trên CIC cho anh Đức vào sáng ngày 21/05/2021.
Vietcredit cho biết, sự việc khiến Công ty bị thiệt hại cả về tài sản lẫn uy tín, nhưng trong 1 tuần Công ty đã giải quyết xong vấn đề. Anh Trần Nhật Đức cũng hài lòng với các giải pháp xử lý sự việc, không có bất kỳ khiếu nại nào khác.
VietCredit cũng khẳng định, Công ty đã liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro, chống gian lận trong hoạt động cấp tín dụng, chú trọng hoàn thiện 3 vấn đề liên quan đến con người, chính sách và công nghệ. Liên tục cảnh báo về các tình trạng kẻ gian lợi dụng sự bất cẩn của người dân, chiếm đoạt thông tin, làm giả giấy tờ cá nhân như CMND, hộ khẩu, bằng lái xe; mạo danh người khác,…. Chủ động phối hợp với cơ quan công an điều tra, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, là cơ sở để xác minh, triệt phá thành công các đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, như báo chí đã thông tin, anh Trần Nhật Đức khi đến Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) để làm thủ tục vay vốn, đã được MSB thông báo nợ số tiền là 10 triệu đồng và đã chậm thanh toán 96 ngày (tính đến ngày 30/4) tại VietCredit. Trong khi bản thân anh chưa từng làm thủ tục vay tiền, phát sinh bất cứ khoản vay tín dụng hay thiết lập thẻ tín dụng nào tại Công ty này.
Qua bất ngờ, anh Đức đã liên hệ với phía VietCredit thì được biết, khoản vay này có từ tháng 5/2020 với số tiền 10 triệu đồng và đến nay đang chậm thanh toán với mức nợ xấu nhóm 3. Quá trình khiếu nại yêu cầu Vietcredit giải quyết, anh Đức có cung cấp CMND để đối chiếu thì hình ảnh trong hồ sơ vay hoàn toàn sai lệch, không đúng theo giấy tờ gốc của anh.
Theo tìm hiểu, nợ xấu nhóm 3 là một trong những cấp độ nợ tín dụng được xếp hạng bởi Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Thông qua lịch sử vay tín dụng được lưu trữ tại CIC, ngân hàng sẽ dễ dàng đánh giá độ tin cậy, uy tín của cá nhân hay tổ chức trong lĩnh vực vay vốn.
Nếu khách hàng nằm trong nợ xấu nhóm 3 thì rất khó để có thể vay tiền tại các ngân hàng. Bởi, việc việc trả trễ hạn lãi hoặc gốc hoặc cả gốc lẫn lãi, các ngân hàng sẽ đánh giá không tốt về khả năng thanh toán cũng như mức độ uy tín. Sau 3 - 5 năm khi đã thanh toán hết gốc lãi thì thông tin về khoản nợ xấu lưu trữ trên hệ thống CIC mới được xóa hoàn toàn, lúc này khách hàng mới có thể được vay lại.
Việc người dân bỗng dưng mắc nợ công ty tài chính, thậm chí thành nợ xấu, dù không làm hồ sơ vay vốn hay mở thẻ tín dụng đã không còn quá mới mẻ. Điều này cho thấy những công ty tài chính cần xem xét kỹ càng hơn về quy trình cho vay, tránh việc thẩm định quá dễ dàng, khiến kẻ gian lợi dụng kẽ hở làm hồ sơ giả chiếm đoạt tiền.