Nghệ thuật chạm khắc độc đáo ở Đình Phù Lão

Ai đã từng viếng thăm đình Phù Lão, thôn Tây Lò, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang chắc hẳn đều bị choáng ngợp không chỉ bởi quy mô kiến trúc mà còn là sự tinh xảo, điêu luyện của các nghệ nhân xưa thể hiện trên các bức chạm khắc kiến trúc vô cùng hoàn hảo, kỳ công.

Nghệ thuật tạo hình chạm khắc trong kiến trúc cổ của người Việt đã để lại cho dân tộc ta một kho tàng khá phong phú, trong đó không thể không kể đến các bức chạm khắc của đình Phù Lão. Bằng kỹ thuật chạm lộng, còn gọi là chạm kép (tức là chạm xuyên thủng từ bên này sang bên kia để khắc họa các chiều của họa tiết), chúng có rất nhiều lớp: Lớp trên, lớp dưới, lớp xa, lớp gần theo lối dân gian của Việt Nam. Ưu điểm của lối chạm ấy là thể hiện tất cả các hình đều đầy ắp theo phong cách “thấu thị tẩu mã” (Cưỡi ngựa nhìn từ trên xuống dưới) nên mặc dù các khối chạm bằng nhau nhưng nhìn từ xa người ta có thể hình dung được toàn bộ nội dung bức chạm. Có những bức có tới 4 lớp chạm, thế mới thấy nghệ nhân xưa đã cầu kỳ đến mức nào.

nghe-thuat-cham-khac-doc-dao-o-dinh-phu-lao-1609320311.jpg

Phù Lão là ngôi đình cổ được khởi dựng từ thời nhà Lê thế kỷ XVII niên hiệu Chính Hoà thứ 15 (1688), là nơi thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh. Nét nổi bật nhất của ngôi đình không phải là ở quy môn bề thế mà là ở những nét, những mảng điêu khắc gỗ cực kỳ đẹp, độc đáo, khác lạ. Năm 1982, ngôi đình này đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Các bức chạm khắc trong đình Phù Lão hầu hết là chạm kênh bong nhiều lớp. Theo nhà điêu khắc và nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Ngọc Lân, nguyên cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang: Trong truyền thuyết và cổ tích dân gian từ xa xưa, dân tộc Việt Nam ta thuộc dòng dõi “con Rồng cháu Tiên”. Dưới thời phong kiến, hình tượng rồng được suy tôn là biểu tượng của vương quyền nên rồng là chủ đề chính trong các bức chạm khắc trong cung vua, phủ chúa cho đến đình, chùa, đền, miếu...

Theo đó, các đề tài chạm khắc ở đình Phù Lão không chỉ mang phong cách mỹ thuật chạm lộng tinh xảo đến phiêu dật của thời Lê với các đề tài phong phú như: “Cửu long tranh châu”, “Long ổ”, “Long vân dạ hội”, “Long hí cầu”… mà xen vào đó là các cô tiên với nhiều kiểu múa lượn sinh động vô cùng. Bên cạnh đó, chạm khắc ở đình Phù Lão có nét đặc biệt và không giống với bất cứ ở đâu, đó là những cô tiên hay thiếu nữ thể hiện trên đó đều không có xiêm y. Ở đình Phù Lão có nhiều con giống được nghệ nhân khắc tạc như: Rắn, kỳ đà, ngựa, chuột, thằn lằn, cáo, chồn... Trong đó chỉ riêng về rồng cũng vô cùng đa dạng: Rồng đàn, rồng ổ, rồng múa, rồng bay, rồng cắn đuôi nhau, rồng chầu...

nghe-thuat-cham-khac-doc-dao-o-dinh-phu-lao1-1609320311.jpg

Mô típ trang trí ở đình Phù Lão chủ yếu là rồng với những lưỡi đao lửa hình mác xoắn xuýt, đan ken đầy ắp trên khuôn tranh nhưng lại hết sức uyển chuyển nhịp nhàng. Với nghệ thuật trang trí được mô típ hóa và biến đổi theo quy luật với tính tượng trưng của hoa văn theo tư tưởng Nho - Lão - Phật. Tứ linh (long, ly, quy, phượng) hoặc rộng ra là bát linh có tám con vật. Rồi tứ thời, bát tiết mùa nào thức ấy. Và bát bảo (tám thứ quý theo ba hệ tư tưởng Nho - Lão - Phật). Theo hệ tư tưởng ấy thì chạm rồng ở cung điện nhà vua quy định rồng có năm móng, còn rồng ở các đình, chùa chỉ được chạm bốn móng. Những bức chạm long, ly, quy, phượng và những biến thể của nó thành mây, hoa, lá cho thấy người thợ xưa đã phô diễn hết khả năng tài nghệ của mình. Trúc hóa long, long hóa trúc, rồng hoa mây, mây hóa rồng, cá hóa rồng, rồng hóa cá… Sự chuyển hóa ấy hàm chứa tính huyền thoại, nó đòi hỏi trí tưởng tượng cao cùng với nghệ thuật khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân xưa. 

nghe-thuat-cham-khac-doc-dao-o-dinh-phu-lao2-1609320311.jpg

Đình Phù Lão cũng như các ngôi đình làng miền Bắc khác, ngoài chủ đề rồng, tiên còn được các nghệ nhân chạm khắc các đề tài hoa lá, chim muông, cầm thú và cảnh sinh hoạt đời thường của người lao động nơi thôn quê dân dã như đấu vật, đánh võ, bắt cá, đánh ghen, trai gái tỏ tình, thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh… thể hiện trên các bức cốn nách, kẻ tràng, đầu dư, đầu bẩy hiên. Tìm hiểu các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật trong đình Phù Lão không thể bỏ qua các bức chạm tập trung tại gian giữa của toà đại đình. Đây là những bức chạm có những đặc sắc riêng không thể trộn lẫn với những ngôi đình khác.

Theo đó, đầu cột bên trái phía trong là tác phẩm rồng ổ được cách điệu (mai hoá long). Hai rồng to được bố cục đối xứng qua trục cột làm gốc và thân cây, các râu hình đao mác thanh mảnh chạy theo thế hoành ví như cành cây, bám trên các đao mác là hình các rồng con uốn lượn xoắn xuýt, thân và vây rồng con tung tẩy như những búp lá non xuân, đầu và miệng há tròn như bông hoa mai nở. Điểm xuyết trong đám rồng con là hình tượng cô tiên đang múa, hình các con vật hết sức bình dị như thạch sùng, nghê, lân nhí nhảnh vui đùa hoà quyện với nhau tạo thành không gian của mùa xuân đang tưng bừng khởi sắc. 

nghe-thuat-cham-khac-doc-dao-o-dinh-phu-lao3-1609320311.jpg

Tác phẩm đầu cột bên phải phía trong cũng vẫn đề tài rồng ổ nhưng đường nét thể hiện được cách điệu (cúc hoá long). Đao mác to hơn, mỏng hơn, đặc biệt hình rồng con, đầu và thân vây mềm mại giống như cây, lá hoa cúc. Hình cô tiên có cánh cưỡi trên lưng rồng con được đặt cân đối giữa cột, ngay dưới hình cô tiên là hình hai chú sóc rất ngộ nghĩnh. Dưới sát hai đầu rồng to đăng đối hai bên, nghệ nhân tạc hình cô tiên nhỏ bé, phía sau cô tiên là hai hình người cởi trần, đóng khố, xung quanh được bốn rồng con bao bọc; tất cả gợi cho người xem một không gian mùa thu trong lành, yên ả, thanh bình  Tác phẩm đầu cột bên trái phía ngoài được chạm cách điệu (tùng hoá long). Các họa tiết đao mác to, tròn và hướng xiên chéo góc sang hai bên gợi cảm giác vững chắc, trường tồn như cây tùng, cây bách. Đan xen với các họa tiết hình cô tiên, rồng mẹ, rồng con là hình các con muông thú hổ, báo, nai. Phải chăng nghệ nhân muốn diễn tả một mùa đông giá lạnh, cảnh vật đang khép mình chuẩn bị đón mùa xuân tới?.

Tác phẩm ở đầu cột bên phải phía ngoài thoạt nhìn giống như khóm trúc đang lay động trong nắng hè, nhưng vẫn là đề tài rổng ổ với những hình râu đao mác của rồng mẹ, rồng con được nghệ nhân tạc thanh vuốt như cành trúc, lá trúc đan xen nhau như những bàn tay xoè quạt. Xen kẽ trong hình trúc hoá là cảnh sinh hoạt múa võ, bắt trăn, săn thú.. được các nghệ nhân thể hiện rất sinh động, lột tả được đầy đủ cái ý của trời đất “mùa hạ vạn vật trưởng thành”. Như vậy, bốn tác phẩm chạm khắc ở gian giữa đình Phù Lão đã hội tụ được linh khí của vũ trụ bốn phương đông, tây, nam, bắc và bốn mùa xuân, hạ, thu, đông xoay vòng, luân chuyển nhịp nhàng theo quy luật tự nhiên của vũ trụ; để rồi thiên nhiên ban tặng cho con người mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu thoả nguyện ước mong của người dân nông nghiệp vùng lúa nước. 

Như vậy, bốn tác phẩm chạm khắc ở gian giữa đình Phù Lão đã hội tụ được linh khí của vũ trụ bốn phương đông, tây, nam, bắc và bốn mùa xuân, hạ, thu, đông xoay vòng, luân chuyển nhịp nhàng theo quy luật tự nhiên của vũ trụ; để rồi thiên nhiên ban tặng cho con người mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu thoả nguyện ước mong của người dân nông nghiệp vùng lúa nước.