Là người của công chúng, hầu hết, những ai làm nghệ thuật đều hiểu rõ bản chất một người nghệ sĩ là gì? Nghệ sĩ là người tạo ra sản phẩm sáng tạo, họ được nhiều công chúng khán giả yêu mến, do đó khi được phong tặng danh hiệu, họ phải càng thận trọng khi đứng trước công chúng. Vì họ chính là tượng đài cho khán giả noi theo, học hỏi, thậm chí tin tưởng những giá trị mà họ mang lại mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Chính vì sự ảnh hưởng không nhỏ đến khán giả nên qui cách đánh giá và trao tặng danh hiệu nghệ sĩ được Nhà nước quy định rõ tại điều 2 khoản 2 Nghị định 89/2014/NĐ-CP. Vì tầm quan trọng, các quy định này khá khắt khe khiến không ít nghệ sĩ phải lao đao nhiều năm để “thu thập” đủ điều kiện xét duyệt. Có thể kể đến các nghệ sĩ như NSƯT Anh Dũng, NS Tố Uyên…
Phẩm chất của người nghệ sĩ
Nghệ sĩ phải là người có kỉ luật, trách nhiệm, tự trọng và không ngừng sáng tạo để tạo nên nét riêng của mỗi con người Việt Nam. Nghệ sĩ có vai trò kết nối khán giả với những giá trị mà họ mang lại và có sức ảnh hưởng cao trong công chúng.
Trường hợp nghệ sĩ Mạnh Linh là một minh chứng khi nghệ sĩ tù tội sẽ bị tước danh hiệu, đồng thời mất đi niềm tin yêu của khán giả, mất đi chính sự nghiệp mà mình khó khăn để gầy dựng. Có thể thấy, những ai đạt được danh hiệu sẽ vừa mừng vừa lo vì trách nhiệm và những việc phải làm để góp phần phát triển đất nước, định hình tư tưởng khán giả. Mà trước đó, họ đã có thời gian dài hoạt động nghệ thuật để được công chúng và Nhà nước công nhận.
Những tầng lớp tham gia nghệ thuật bắt đầu sau này hầu như chạy theo xu hướng thị trường nhiều. Rất ít có những sản phẩm hay và ý nghĩa. Cứ cho rằng xuất hiện trước công chúng và được đón nhận là đã trở thành nghệ sĩ. Những thứ quan trọng để tạo nên một nghệ sĩ chân thật đó là "Tâm".
Hiện nay, danh xưng nghệ sĩ lại trở nên tùy tiện khi một bộ phận những người làm nghệ thuật cứ nghĩ làm nghệ thuật là thành nghệ sĩ. Nếu trước đây, nghệ sĩ là người tạo ra tác phẩm có sự sáng tạo độc quyền cũng như nâng tầm chất lượng cho sản phẩm thì ngày nay, những người làm nghệ thuật chạy theo xu hướng thị trường. Họ tự sáng tác, viết kịch bản, tự biên tự diễn khiến cho một sản phẩm có khi vô cùng nhảm nhí và mờ nhạt, mục đích nhiều người chỉ để câu view, câu khán giả vào xem chứ chẳng có chút gì là nghệ thuật. Và với sự tâng bốc lẫn nhau, họ nghiễm nhiên trở thành “nghệ sĩ”. Dần dần, họ dành từ nghệ sĩ như cách gọi người chỉ cần làm nghệ thuật chứ không cần biết họ đã làm nghệ thuật như thế nào.
Cái tâm của người nghệ sĩ
Làm nghệ thuật với công nghệ 4.0 là làm nghệ thuật “mì ăn liền”, cứ cái gì hot là làm, thời bây giờ, một sản phẩm được xem là thành công khi nó được nhiều người quan tâm và theo dõi, và người thực hiện sản phẩm được khán giả follow cao. Đó không còn là sự đánh giá mang chất nghệ thuật cao như trước, cũng không cần mang ý nghĩa nhân văn hay thông điệp sâu xa nào mà có khi vô cùng nhảm nhí và mang đầy sự nguy hiểm cho người khác. Bây giờ, để sản xuất một tập phim ngắn, có khi chỉ cần vài tiếng, cứ nắm bắt cái gọi là “thị trường” là có được khán giả, là trở thành nghệ sĩ một cách dễ dàng.
Những sản phẩm dành cho người lớn là vậy, nhiều người còn nhắm đến trẻ em để thu hút khán giả trẻ em. Thậm chí họ không cần quan tâm những sản phẩm này ảnh hưởng và nguy hại đến trẻ em ra sao, chỉ cần có nhiều lượt theo dõi, được nhiều người biết đến là họ có thể kiếm tiền dễ dàng mà không cần ai phải công nhận danh hiệu.
Chất lượng đâu chưa thấy, chỉ thấy khán giả ngày nay vô cùng mệt mỏi và khó phân biệt “thật, giả” trong các sản phẩm nghệ thuật. Những cụm từ “nghệ sĩ danh tiếng” “nghệ sĩ nổi tiếng” lại xuất hiện càng làm cho người trong nghề thấy rằng danh xưng nghệ sĩ thực sự ngày càng mờ nhạt, và rồi sẽ không còn ai biết rằng để trở thành một nghệ sĩ thì khó khăn cỡ nào.
Có lẽ vì lẽ đó mà nghệ sĩ Việt Nam ít có người được vinh danh tại các cuộc thi nghệ thuật quốc tế, cũng như nhiều người mang danh nghệ sĩ mà không ai biết đến. Bởi suy cho cùng, khoảng cách từ nghệ thuật đến nghệ sĩ rất ngắn, mà khi làm nghệ thuật không từ tâm thì làm sao trở thành “nghệ sĩ”.