Sở Du lịch TP HCM đã công bố 55 tuyến du lịch đường sông mới kết nối TP. HCM với vùng ĐBSCL sau khi thực hiện tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm du lịch đường sông kết nối Thành phố với các tỉnh, thành ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre để đánh giá thực trạng cầu bến, các cơ sở dịch vụ du lịch; các tuyến du lịch dọc tuyến sông, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao và đa dạng.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, chia sẻ: "Hiện có hơn 60 chương trình tour khai thác du lịch đường sông với 50 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ này. Các sản phẩm rất đa dạng từ tầm ngắn (đi trong nội vùng), tầm trung (đi liên tuyến đến các tỉnh), tầm xa (đi sang nước bạn). Qua chuyến khảo sát cho thấy có những sản phẩm xuất phát từ bến Bạch Đằng (TP HCM) đi đến các tỉnh, thành và các nước lân cận. Trên cơ sở đó, chúng tôi đang dự kiến phát triển thêm ở các bến tàu trọng điểm của ĐBSCL, không chỉ xuất phát tại bến Bạch Đằng".
Ảnh: Du thuyền Sài Gòn. |
Nổi bật tiềm năng vốn có
Cuối tháng 11/ 2024, Sở Du lịch TP. HCM cùng các tỉnh ĐBSCL đã tổ chức tọa đàm “Ðịnh hướng phát triển các sản phẩm DLÐS kết nối từ TP HCM đến các tỉnh, thành vùng ÐBSCL”. Ở buổi thảo luận ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhận định, từ hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè kết nối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP. HCM có rất nhiều cơ hội để hình thành các chương trình du lịch đến miền Tây Nam bộ bằng đường thủy. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ các sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng và biển đảo.
UBND TP. HCM đã ban hành kế hoạch về phát triển du lịch đường thủy, trong đó có định hướng xây dựng các sản phẩm tầm trung và tầm xa đi các tỉnh lân cận và ngược lại. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Dũng cũng gợi mở về du lịch đường sông có thể kết nối ra biển gắn với với các đảo (Phú Quốc, Côn Đảo, Nam Du….). Đây sẽ là bước đột phá để xây dựng liên kết du lịch vùng gắn với TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng - Phó chủ tịch HĐQT Công Ty du lịch World Travel chia sẻ, về du lịch đường sông thì hoạt động chợ nổi được xem là hồn cốt của du lịch sông nước: “Về hoạt động chợ nổi tôi mong rằng trong giai đoạn sắp tới sẽ nhận được nhiều sự đầu tư hơn nữa. Có thêm đa dạng các phương tiện đường thủy phục vụ những tuyến tầm trung tầm xa đáp ứng dọc tuyến sông Mê Kông để đưa khách inbound tiếp cận nét văn hóa này, phục vụ họ trong giai đoạn sắp tới”.
Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra sáng kiến sân khấu hóa chợ nổi nâng tầm hoạt động này trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, tạo không khí nhộn nhịp tấp nập với những phương tiện tàu thủy được đầu tư chỉn chu an toàn, thẩm mỹ.
Kênh Thầy Cai - Vĩnh Long bắt đầu từ điểm giao nhau giữa sông Cổ Chiên ( xã Mỹ Phước) và điểm cuối giao với chi lưu của sông Long Hồ (xã Nhơn Phú) nằm trong tuyến khai thác du lịch đường sông. Ảnh: NT |
Du lịch đường sông là một trong các loại hình quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Loại hình này góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông. Phát triển du lịch đường sông cũng sẽ thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Còn nhiều thách thức
Có thể thấy, du lịch đường sông ở TP. HCM liên kết với các tỉnh ĐBSCL là định hướng đúng đắn trong việc phát triển nguồn tài nguyên du lịch bản địa. Từ đó, tạo sự đa dạng, phát triển bền vững cho loại hình du lịch này ở nước ta. Tuy nhiên, chúng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp trong việc vận hành phát triển loại hình này.
Theo chuyên gia du lịch Phan Xuân Anh thách thức đến từ nhiều mặt, về mặt cơ quan quản lý điều này có thể nhận thấy là bến bãi. Hiện tại, ở TP HCM có 64 bến thuyền chưa đưa vào hoạt động. Trong đó việc đấu thầu khu vực bến bãi giữa phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thiếu tính thông suốt và định hướng, trong tương lai cần sự chung tay, tạo điều kiện từ phía cơ quan ban ngành.
Về mặt du khách, theo ông loại hình này đang tiếp cận tốt với khách quốc tế, du khách nội địa tuy có nhưng chưa đáng kể: “Kinh doanh du lịch sông nước phải hiểu về sông nước và tâm lý của khách hàng, làm thế nào thuyết phục được khách nội địa cũng muốn tận hưởng loại hình du lịch thú vị này”, ông cho biết.
Du khách đi thuyền ở cù lao Tân Phong, Cái Bè Tiền Giang. Ảnh: NT |
Về phía chủ doanh nghiệp kinh doanh thuyền bè, gắn với lịch sử nhiều năm qua: “Người miền Tây đã quen đóng thuyền là thuyền gỗ sao. Thêm vào đó, chi phí đầu tư với doanh nghiệp nhỏ vừa bằng phương tiện thuyền đóng gỗ lại hợp túi tiền và gắn với văn hóa, tập quán của địa phương đó.
Xu hướng ngày nay là những con thuyền bằng sắt, với chi phí rất cao. Từ đó làm mất đi tính văn hóa bản địa vốn có. Nên việc nâng cấp các tàu thuyền cũng cần có sự nhìn nhận tổng thể thay vì theo xu hướng” - ông Phan Xuân Anh nói.
Du lịch sông nước có từ rất lâu
Theo ông Nhâm Hùng - Nhà nghiên cứu văn hóa cho biết “cách đây hơn trăm năm thì ĐBSCL đã có chớm nở về du lịch đường sông”. Ông nhắc lại tác phẩm Hậu Giang - Ba Thắc của học giả Vương Hồng Sển, trong đó có kể về lúc đi học từ Sóc Trăng lên Sài Gòn bằng tàu kéo dài hai ngày một đêm với nhiều cảm xúc đẹp về sông nước…
“Nói như vậy để gợi mở, làm sao tận dụng tri thức dân gian, góc nhìn lịch sử để xây dựng những sản phẩm du lịch, để tránh những nhìn cái na ná về sản phẩm” – Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng góp ý.
Có thế thấy, việc phát triển du lịch đường sông ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đã được chính quyền ban ngành xem xét với nhiều sáng kiến, góp ý xây dựng nhằm biến những tiềm năng thành cơ hội để ngành du lịch nước ta nói chung và du lịch sông nước miền Tây nói riêng phát triển bền vững.