Trong dịp đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Khánh Hòa, tôi may mắn được nghe giới thiệu về một gia đình khá đặc biệt. Không ai khác hơn đó lại chính là gia đình của Võ sư Đoàn Đức Phước, Huấn luyện viên Trưởng võ phái Bích Quang Môn - Trưởng đoàn Lân Sư Rồng Thọ Phước Đường, anh cũng vừa trúng cử chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2024-2029.
Theo võ sư Đào Đức Phước thì; cũng như cả nước, phong trào múa Lân trong dân gian của tỉnh Khánh Hoà có từ lâu đời, từ một hai đội Lân trong cả tỉnh chỉ nhằm phục vụ trong các kỳ lễ hội của Tết Trung Thu hay các lễ hội cầu Ngư của dân miền biển. Các đội Lân hiếm hoi này là xuất phát từ các cơ sở tâm linh như đình, miếu. Thời đó theo tập quán thì không ai đem đầu Lân về nhà.
Phường Phương Sài lại có ngôi đình ngay sau nhà anh và anh tham gia vào đội Lân của đình Phương Sài từ những năm cuối thập niên 80.
Thời đó Lân truyền thống múa 3 người (1 múa đầu 2 múa đuôi), với đầu Lân làm bằng nan tre và đắp giấy bao xi măng, khá nặng.
Tuy vậy, anh đã đưa bộ pháp võ thuật vào áp dụng, và năng lực của võ sinh, vận động viên phục vụ cho đội múa, cuối cùng kết quả rất mỹ mãn. Đội Lân của anh đoạt cả 4 giải trong lần đầu tham gia thi múa Lân, Tết năm 1998, gồm 1 giải A đội Lân xuất sắc nhất, và 3 giải phụ là đội Lân có giàn nhạc hay nhất, đội Lân có giàn diễn viên phụ hay nhất và đội Lân có bộ pháp hay nhất.
Sau đó anh quyết định bỏ lối múa truyền thống 3 người và chuyển sang tập múa Lân theo cách đương đại 2 người. Anh là người đầu tiên vào Chợ Lớn mua và đem đầu Lân của người Hoa về Nha Trang. Đây là đầu Lân đẹp nhất thời đó.
Lúc bấy giờ ông Hình Phước Liên-Nhà nghiên cứu văn hóa Lân Sư Rồng, đang là Giám đốc Trung tâm Văn hóa, đã đứng ra thành lập CLB múa Lân, ông Liên mời anh tham gia CLB, sau đó vài năm anh trở thành chủ nhiệm CLB này. Đây cũng là CLB Lân Sư Rồng đầu tiên của Khánh Hoà.
Cả vợ chồng anh Đoàn Đức Phước đều là võ sư Võ Cổ truyền VN, vợ là võ sư Trần Thị Mỹ Hạnh, 3 người con đều là HLV& VĐV và có cùng đam mê Lân và võ. Từ yếu tố mang tính then chốt này, anh đã mạnh dạn thành lập CLB Lân Sư Rồng Thọ Phước Đường và thu hút khá nhiều thành viên tham gia, tất cả đều là các võ sinh theo luyện tập võ thuật môn phái Bích Quang Môn với anh.
Với bộ pháp thuần thành của võ thuật, đội lân Thọ Phước Đường nhanh chóng phát triển và chiếm được khá nhiều hợp đồng biểu diễn phục vụ khách du lịch và các lễ khai trương, tổng kết…CLB của anh cũng là đơn vị đầu tiên múa Rồng vào tại Khánh Hoà thời điểm năm 1999.
Bên cạnh đó, Nữ võ sư Trần Thị Mỹ Hạnh cũng không thua kém chồng, Cô cũng tham gia vào đội Lân và nhận danh hiệu “Lân mẫu”, đây cũng là đội lân có nữ duy nhất của vùng này.
Không dừng lại ở đó, nữ võ sư Trần Thị Mỹ Hạnh còn nhiều năm đảm nhận 1 vai nữ Tướng trong các trận đấu cờ người của tỉnh Khánh Hoà cùng với cô con gái út của mình.
Ngoài các con và học trò, thì cả các cháu của võ sư Đoàn Đức Phước cũng tham gia vào đội Lân Thọ Phước Đường do anh thành lập và quản lý. Đây là một gia đình đam mê Lân - Võ khá hiếm trong xã hội hiện nay.
Võ sư Châu Minh Hay