Đó là gia đình 3 anh em dòng họ nhà Tôn Thất: Người anh cả Tôn Thất Triêm và hai em gái Tôn Nữ Y Lăng, Tôn Nữ Nguyệt Minh.
Họ có mẹ là bà Vũ Thị Hiển - một ngưởi dạy đàn pi-a-nô nổi tiếng. Bởi vậy mà ta không ngạc nhiên khi cả ba anh em đều đi vào con đường âm nhạc, cụ thể là đều trở thành các nghệ sỹ biểu diễn pi-a-nô xuất sắc.
Học hết phổ thông (10 năm), Tôn Thất Triêm thi vào trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ra trường, ông về làm việc tại Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam chuyên độc tấu và đệm cho các tiết mục thanh nhạc. Cần cù, miệt mài luyện tập và tự học thêm, tay đàn của Tôn Thất Triêm theo thời gian trở nên rất điêu luyện khiến các nghệ sỹ âm nhạc đều ghi nhận và rất yên tâm mỗi khi hòa tấu cùng ông.
Trong cuộc đời biểu diễn của mình, Tôn Thất Triêm đạt được nhiều vinh quang không dễ bất cứ nghệ sỹ nào cũng có thể gặt hái. Ông là người duy nhất đoạt danh hiệu “Nghệ sỹ piano hòa tấu xuất xắc nhất” tại 4 cuộc thi âm nhạc quốc tế danh giá: Tchaikovski (Moskva 1990), Glink (Xmolen 1993), Glulaev (1993), Kaliningad (1994). Ông là nghệ sỹ nước ngoài duy nhất được mời làm giảng viên tại Trường Đại học Tổng hợp Văn hóa Quốc gia Moskva (1992 -1996). Ông khẳng định được vững vàng uy tín của mình ở nước ngoài. Trong một lá thư của vị đại sứ Hoa Kỳ Michael W. Marine gửi Tôn Thất Triêm có đoạn viết: “...Ông đang làm những điều kỳ diệu bằng cách tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau ở mọi cấp độ thông qua văn hóa và nghệ thuật biểu diễn. Tôi nghiêng mình trước những nỗ lực của ông. Xin ông hãy tiếp tục công việc tốt đẹp này...”. Quả là không còn những lời lẽ nào thành tâm và đầy sự ngưỡng mộ hơn thế.
Tôn Thất Triêm cùng với vợ là ca sỹ Xuân Thanh có một hoạt động rất nhân đạo, nhân văn: Đến dạy nhạc cho các en học sinh khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Tất nhiên là miễn phí. Tôi từng đến nói chuyện cho học sinh ở đây thấy các em rất yêu thích âm nhạc nhưng quả là rất khó khăn trong việc luyện tập đàn, hát. Vậy mà tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy dàn hợp xướng chỉ mấy chục người mà hát rất nhiều bài không dễ dàn dựng rất hiệu quả, chẳng khác gì một dàn hợp xướng chuyên nghiệp. Nhiều ca khúc trong nước và nước ngoài dưới bàn tay dàn dựng và chỉ huy của vợ chồng Tôn Thất Triêm - Xuân Thanh đã có một sức sống mới. Tôi từng nghe rất nhiều nghệ sỹ tên tuổi hát bài Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Cũng có nhiều dàn hợp xướng trình diễn bài này nhưng nghe các em khiếm thị hát mà thấy rất điêu luyện với âm thanh đầy đặn, vang và rất đều. Càng phục khi các em hát các ca khúc nước ngoài bằng tiếng nước đó. Điều này chứng tỏ vợ chồng Tôn Thất Triêm phải vô cùng dày công tập luyện cho các bạn trẻ.
Tôi đến chơi nhà ông tại phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) thấy có rất nhiều thư mời biểu diễn của nhiều nước trên thế giới cùng thư cảm ơn, chúc tụng của nhiều sứ quan và các chính khách lớn ở nhiều nơi. Tôn Thất Triêm có bản tính kín đáo, rất xa lạ với thói phô trương ồn ào mặc dù những gì vợ chồng ông làm được là không nhỏ, rất đáng được ghi nhận, tôn vinh. Vậy mà đã lâu mới gặp lại, tôi cứ nghĩ vợ chồng ông đang nghỉ ngơi với cuộc sống đơn điệu của tuổi già, thi thoảng người vợ nghêu ngao hát cho đỡ nhớ nghề, người chồng lọ mọ lướt chậm trên các phím đàn để tìm lại chút ký ức thuở xa xưa. Nhưng tôi đã lầm. Hai ông bà vẫn còn nguyên vẹn nhiệt huyết, lòng đam mê công việc và sức làm việc không mấy thua kém những năm trước. Bản tính kín đáo, lặng lẽ làm việc của Tôn Thất Triêm giải thích vì sao rất lâu nay ông im hơi lặng tiếng, không ai rõ ông ở Việt Nam hay nước ngoài, hoạt động gì? Ông cho tôi biết vẫn đang còn nhiều dự định chưa thể bắt tay vì đang mùa đại dịch. Hỏi thì ông không nói vì “Nói trước, bước không qua”.
Phải nói rằng ca sỹ mà gặp được “đàn sỹ” - tức người đệm đàn giỏi cho mình hát thì không gì thuận tiện bằng, nhất đó lại là người thân yêu. Xuân Thanh và Tôn Thất Triêm là trường hợp như vậy. Cách đây chừng mấy chục năm, tôi không thể nhớ rõ ngày, tháng, năm nào, tình cờ quen biết một cô ca sỹ ở Đoàn Văn công Quân đội, lại đang học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Cô gái có giọng hát cao vút, vang như chuông, sáng như giọt sương buổi sớm, không xinh đẹp, bắt mắt nhưng có duyên, gây được ấn tượng cho tôi. Đúng lúc đó, tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh một ca khúc mới cần đúng chất giọng này thể hiện. Thế là tôi nhờ luôn cô và nhanh chóng trở nên thân thiết. Nhưng hoàn cảnh tôi khi ấy chỉ cho phép tôi coi cô như bạn, như em và cao hơn là giữa người sáng tác và ca sỹ. Tôi thực sự quý hóa và ưa thích giọng hát của cô. Cô đang dần tiến tới tuổi 30 mà xem ra chưa khẳng định ai trong số những chàng đang rập rình, vo ve bay lượn quanh nhà. Lúc ấy, tôi cũng quen biết và mến mộ tiếng đàn, quý trọng tính cách của Tôn Thất Triêm. Chàng cũng đã “quá nỉên trạc ngoại tứ tuần” mà vẫn lẻ bóng. Vậy là tôi quyết định bắc một nhịp cầu cho hai người nên duyên. Tôi cũng rủ và vận động thêm nhiều người nữa cùng sớm hoàn tất việc “bắc cầu” này. Cuối cùng, vượt lên nhiều rụt rè, ngần ngại, đôi trai tài, gái cũng tài đã về được trong một mái ấm. Từ đó, tiếng hát, tiếng đàn của hai người càng điệu nghệ hơn, càng bay cao bay xa hơn, vượt qua khỏi biên giới để đến được rất nhiều quốc gia trên thế giới. Và Xuân Thanh gặt hái được một vinh quang cụ thể: Đoạt giải đặc biệt tại một cuộc thi hát ở Liên Xô (cũ) mang tên người nhạc sỹ vĩ đại của mọi thời đại Tchaikovski.
Giọng hát và lối hát của Xuân Thanh tiêu biểu cho phong cách thính phòng, bác học nên kén tác phẩm, kén người nghe. Ai chỉ thích lối hát sến, xẩm, boléro sẽ khó đồng cảm được với giọng hát sang trọng, bề thế của chị. Cũng bởi một thời gian khá dài chị cùng chồng sống và làm việc ở nước ngoài mà ít có dịp thu thanh trên làn sóng. Tuy vậy, chỉ số ít ca khúc chị hát trên Đài cũng đủ khiến công chúng nhận ra một Xuân Thanh được học hành bài bản về thanh nhạc, xử lý tác phẩm đâu ra đấy và cách hát rất chỉn chu, giàu cảm xúc. Đó là các bài Hoa ban trắng, Hát về cây lúa hôm nay (Hoàng Vân), Tiếng hát giữa quê hương (Nguyễn Đình San), Cần Thơ một khúc ca (Phạm Tuyên), Đất nước bên bờ sóng (Thái Văn Hóa), Hương tràm (Nguyễn Hồng Phúc)...
Những năm 60-70 của thế kỷ trước, trên sân khấu của Nhà hát lớn sang trọng, trong các đêm hòa nhạc và biểu diễn đơn ca độc tấu nhạc cụ thế giới, bên cạnh người anh trai là Tôn Thất Triêm và nhiều nghệ sỹ tên tuổi khác, người ta còn thấy sự xuất hiện của hai nữ nghệ sỹ pi-a-no với tiếng đàn cũng hết sức tinh tế, sâu sắc, điêu luyện của hai danh cầm. Đó là hai chị em ruột Tôn Nữ Y Lăng và Tôn Nữ Nguyệt Minh. Những tác phẩm các chị biểu diễn thường là của những nhạc sỹ gạo cội, kinh điển của thế giới mà nếu thiếu sự học hành, tu luyện dày công cộng với tài năng thiên bẩm sẽ khó có thể diễn tấu. Chị Nguyệt Minh về sau sang cư trú ở Đức, trở thành giảng viên Nhạc viện Quốc gia của nước này, góp phần đào tạo nên nhiều nghệ sỹ pi-a-no xuất sắc. Cả ba anh em đều từng đoạt được nhiều giải thưởng lớn, nhỏ tại nhiều kỳ thi quốc tế không thể kể hết.
Trong đời sống vợ chồng, khó tránh khỏi những khúc mắc, bất đồng thường là thuộc về những cá tính, sở thích, cũng cói thể là quan niệm về một số lĩnh vực nào đó của đời sống thường nhật. Ta vẫn thường nói “Chồng bát cũng có lúc xô”. Rất hiếm cặp vợ chồng nằm ngoài quy luật này. Nhưng họ sẽ dễ dàng cho qua để gắn kết bền vững nếu cùng lý tưởng sống, nhất là cùng chung những đam mê, lại là những đam mê thánh thiện, nhân văn, cùng hướng tới những mục tiêu cao cả, không vụ lợi. Vợ chồng Tôn Thất Triêm - Xuân Thanh là trường hợp như thế. Họ cùng rất say sưa với nghề nghiệp, cùng yêu thương những bạn trẻ khiếm thị, cùng sẵn sàng làm tất cả vì tình yêu âm nhạc của các bạn. Họ cùng muốn hun đúc cho các bạn trẻ tình yêu và niềm lạc quan tin vào cuộc sống do âm nhạc đem lại. Nếu bạn nghe những bạn hợp xướng do họ hát bằng cả chục thứ tiếng nước ngoài, lại không có chỉ huy (vì khiếm thị không thể nhìn thấy đũa chỉ huy) với sự hòa ca điêu luyện, âm thanh rất dày, sẽ thấy hai nghệ sỹ công phu tập luyện cho các bạn khiếm thị như thế nào. Chắc chắn mỗi bài không thể chỉ là dăm ba buổi tập mà phải cả tháng, cả năm.
Hoạt động sáng tạo của họ không cần ai phải biết đến bởi đó chính là cứu cánh tự thân cho cuộc sống của họ - cuộc sống trong một xã hội không phải đã dạt dào chủ nghĩa nhân văn với mặt bằng dân trí cao mà nếu chỉ phiền lòng thì sẽ không thể làm được bất cứ điều gì có ý nghĩa.
Ân nhạc là một loại hình nghệ thuật trừu tượng nhưng hiệu quả nó mang lại thì rất cụ thể. Nhiều lứa thanh, thiếu nhi khiếm thị được vợ chồng người nghệ sỹ âm nhạc hàn lâm dìu dắt, bồi dưỡng tình yêu âm nhạc đã trưởng thành, vào đời trong đó có nhiều người đã khẳng định được cuộc sống tốt đẹp, vững vàng của mình. Họ không thể quên công sức những người thày âm nhạc của họ. Đó mới là phần thưởng lớn lao cho Tôn Thất Triêm - Xuân Thanh hơn bất cứ danh hiệu cụ thể nào.